Vợ chồng “kí tá”
Khi chồng chị tiêu sạch số tiền tích cóp hơn 4 năm trời của hai vợ chồng mà không hỏi ý kiến chị, chị Ba có lấy bản hợp đồng ra cho anh Hùng xem. Chồng chị cười nhạt rồi xé tan tờ giấy đó trước mặt chị...
Cái lý đi trước cái tình
Chị Thảo ở Cầu Giấy đã lập ra hàng loạt những điều khoản giữa hai vợ chồng cần kí tá với nhau trước khi kết hôn như: lúc rảnh rỗi hai vợ chồng cùng vào bếp nấu cơm, cùng chia sẻ trong việc dọn dẹp nhà cửa, hai vợ chồng cùng đóng chi phí sinh hoạt và có trách nhiệm chăm sóc con cái… Tất cả những điều đó, chị đánh dấu trong bản quy ước với chồng có tên là “hợp đồng”.
Anh Huỳnh, chồng chị Thảo lúc đầu cũng e ngại không muốn ký vào bản hợp đồng này. Song, khi nghe vợ phân tích: Mọi quy ước có giấy trắng mực đen chứng thực sẽ khiến cho chồng có trách nhiệm hơn với thỏa ước ban đầu, anh đã vui vẻ ký bút.
Chị Thảo tâm sự rằng: “Hôn nhân là một cuộc chạy dài và người chơi phải đúng luật. Nếu sai phạm đến mức quá đáng, sẽ bị thổi còi, tệ hại nhất là ly hôn”. Ngay từ đầu, khi bước chân vào ngôi nhà chung, chị đã dựng sẵn cho mình tâm lí phòng thủ (có phòng thủ thì ắt có phản cung). Chị đã tính trước được kết quả cuối cùng cho chặng đường chạy dài trong hôn nhân mặc dù mới chỉ đặt chân vào vạch xuất phát. Theo chị Thảo: “Người phụ nữ sẽ được tôn trọng và bình đẳng khi chủ động trong việc dành quyền bình đằng cho mình”.
Vợ chồng anh Phúc chị Mai ở Hà Đông cũng lập một bản hợp đồng tương tự cho cuộc hôn nhân của mình. Trong đó quy định quyền và trách nhiệm của chồng và vợ đối với gia đình. Bản hợp đồng của anh chị đánh nặng vào chính “túi lương” của hai người. Ví dụ như một số nội dung: “Nếu chồng về muộn sau 12h đêm và không báo cáo vợ trước thì không được tiền tiêu vặt trong một tháng”, hay “Nếu vợ mải mê đi shopping mà không nhớ đón con thì bị phạt 3 tháng không được đi mua đồ quần áo gì”.
Có giá trị khi tình vợ chồng được tôn trọng
Chị Linh ở Cầu Giấy cho biết vợ chồng chị có lập bản “hợp đồng” trước lúc kết hôn. Theo chị thì: “để đề phòng đức lang quân sẽ thay gió đổi mưa, áp đặt tính gia trưởng trong gia đình”. Hợp đồng được lập trên giấy tờ như một giấy bảo hành các nội dung trong bản hợp đồng sẽ được đối phương thực thi đúng. Theo chị Linh, từ lúc kết hôn tới giờ, đã hai lần chồng chị vi phạm bản hợp đồng này và được chị lôi bản hợp đồng ra nhắc nhở. Hai vợ chồng lại cười xòa và ông chồng chị không thấy tái phạm lỗi nữa.
Cũng có lập hợp đồng với hàng loạt những điều khoản liên quan đến cuộc sống hôn nhân song chị Ba ở Gia Lâm vẫn không được sống hạnh phúc. Khi chồng chị tiêu sạch số tiền tích cóp hơn 4 năm trời của hai vợ chồng mà không hỏi ý kiến chị, chị Ba có lấy bản hợp đồng ra cho anh Hùng xem. Chồng chị cười nhạt: “Cô cầm bản hợp đồng này mang ra tòa giải quyết nhé. Tôi vốn là dân học luật ra đấy. Nó chẳng có giá trị gì đâu mà đem dọa thằng này nhé”. Rồi anh Hùng xé tan bản hợp đồng trước mặt chị.
Chị Ba tâm sự: “Nghe mấy cô bạn nói trước khi cưới nên lập bản hợp đồng để hai vợ chồng cùng thực thi đúng theo các điều khoản nội dung trong đó để được bình đẳng và hạnh phúc. Ai dè, cái tỉnh táo của lý trí chẳng thắng được sự thui chột của tình cảm. Khi vợ chồng không còn tình nghĩa với nhau thì hợp đồng hôn nhân cũng trở nên vô tác dụng”.
Anh Tuấn ở Gia Lâm cho rằng: Hợp đồng hay thỏa ước, giao kèo hoặc nội quy về hôn nhân chỉ có tác dụng đúng nghĩa khi các bên liên quan là vợ và chồng tôn trọng các điều quy định trong nội dung của hợp đồng đó. Nếu ngay trong suy nghĩ và tâm lý, vợ chồng luôn cảm thấy yêu thương, tôn trọng, sẻ chia lẫn nhau thì chẳng cần đến hợp đồng hôn nhân. Ngược lại, hợp đồng hôn nhân sẽ vô tác dụng với những cái đầu nóng chỉ biết nghĩ cho riêng mình.
Trước lúc kết hôn, vợ anh Tuấn có đề nghị làm một bản thỏa ước chung giữa hai vợ chồng. Song anh Tuấn nói với vợ: “Anh sẽ chứng minh với em những nội dung em muốn trong bản thỏa ước này bằng chính cuộc sống thực của chúng ta.” Suốt 5 năm chung sống, vợ chồng anh Tuấn đã luôn tôn trọng và yêu thương nhau.