Vị bác sĩ nổi danh với mối tình “bố em ít tuổi hơn anh”
Gặp lại bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng (SN 1929) sau đám cưới đình đám với cô vợ kém 53 tuổi và sinh con ở tuổi 83 khi ông đã cận kề cái tuổi 90. Ông đang sống rất hạnh phúc cùng người vợ mới chỉ hơn 30 tuổi, vui vẻ nói về bí quyết giữ lửa hôn nhân với người vợ “bố em ít tuổi hơn anh”.
Ông Nguyễn Hữu Trọng sống hạnh phúc với người vợ trẻ và hai con. Ảnh: Lê Nhung
Thất bại của 3 cuộc hôn nhân
Lần đầu gặp bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng, tôi không biết gọi ông là bác sĩ, thầy thuốc, nhà thơ, nhà văn, nhà nhiếp ảnh hay một doanh nhân. Và, tôi cũng “lăn tăn” khi gọi ông là “ông” và vợ ông thì nên gọi là “chị” hay là “bà”? Bởi ông năm nay đã cận kề 90 tuổi, còn vợ ông mới chỉ có hơn… 30.
“Cô cứ xưng hô thế nào cho thoải mái là được. Nhiều bạn bè và khách hàng lần đầu gặp tôi đều bối rối như thế đấy”, ông Trọng nói và nở nụ cười vui vẻ khi bắt đầu câu chuyện. Ông chậm rãi tâm sự về cuộc đời mình, những gian nan, khổ cực trong công việc để thành công như ngày hôm nay cũng như hạnh phúc, buồn vui vì những “điều đã mất trong cuộc sống gia đình”.
Ông Trọng kể, ông từng tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội và được đào tạo sâu về chuyên khoa Lao, Ung thư, Điện quang chẩn đoán… Chỉ tính riêng trong nghề Y, ông đã kinh qua rất nhiều công việc và chức vụ. Là một bác sĩ có tiếng, nhưng ông lại còn có tài kinh doanh và rất có duyên trong lĩnh vực này.
Ông bảo, từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, mặc dù bận rộn với công tác trong ngành Y nhưng ông đã biết cách “xoay xở” để trúng thầu thi công một loạt hạng mục các công trình lớn của nhà nước như: Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, nhà hàng Thủy Tạ… Ông cũng là một trong bốn người đầu tiên mở quỹ tín dụng ở Việt Nam, là người đầu tiên mở thẩm mỹ viện ở Hà Nội… Hiện giờ, ông đang là tổng giám đốc công ty chuyên về thực phẩm chức năng. Ông cũng nổi tiếng trong giới buôn ngựa với xưng danh “đại gia ngựa bạch” với mỗi năm vài chuyến tàu chở ngựa bạch từ Tây Tạng về Việt Nam.
Kiếm tiền và tiêu tiền như nước, nhưng khi nhắc đến hai chữ “gia đình”, giọng ông như chùng xuống.
Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông là với một người vợ quê ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Tuy nhiên, vì cuộc hôn nhân không có tình yêu theo kiểu “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” nên sớm “đường ai nấy đi”. Ông với người vợ đầu tiên không có người con chung nào.
Đến với cuộc hôn nhân thứ hai, người con gái này được đồng nghiệp ở một bệnh viện lớn mai mối, “nhưng đối với tôi thì có tình yêu và được yêu”. Đám cưới ông với người con gái này diễn ra khi ông đã bước sang tuổi 40, còn vợ ông kém ông tới 20 tuổi. Người vợ thứ hai đã sinh cho ông ba người con. Theo ông lý giải, cuộc hôn nhân thứ hai này kết thúc vì những hiểu nhầm và do lòng tự trọng của hai người quá lớn. Nhiều năm sau, khi không còn chung sống với nhau nữa, ông vẫn làm thơ tặng bà với những dòng thơ đầy tình nghĩa.
Sau những điều đã xảy ra, tưởng chừng ông sẽ dừng lại thì định mệnh khiến ông đi thêm bước nữa. Đó là một người mà ông đã được bạn “nhờ” để cứu giúp ra khỏi quán hát karaoke trá hình. Lúc đó, ông đã 67 tuổi, còn người vợ thứ ba này mới có… 18. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài khoảng ba năm thì người vợ bỏ đi, không quên mang theo một khoản tiền lớn và bỏ lại cho ông đứa con chung mới 2 tuổi. Đây là cuộc hôn nhân mà khi tan rã khiến ông rất suy sụp.
“Bởi vì lòng tin bị đánh cắp và vì sau tất cả những điều đã xảy ra, tôi thương người phụ nữ đó. Nhưng rất tiếc, tôi đã không cảm hóa được cô ấy”, ông Trọng thở dài.
Hạnh phúc với mối tình “bố em ít tuổi hơn anh”
Sau những thất bại trong 3 cuộc hôn nhân, ông Trọng bỏ qua tất cả để tập trung vào công việc mà ông đang ấp ủ khi đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”. Nhưng có lẽ vì cái số “đào hoa” nên vẫn bắt ông đi thêm bước nữa.
Đó là cuộc hôn nhân “đình đám” và gây xôn xao dư luận. Nó đình đám vì đám cưới này có thời gian kéo dài những 28 ngày, với lượng khách mời khổng lồ và chú rể đã 80 tuổi mà cô dâu thì mới có 28 tuổi. Nhìn vào đám cưới của ông, người thì dè bỉu ông “chơi trống bỏi”, người lại ghen tị rằng ông lên lão từ lâu rồi mà lấy được cô vợ trẻ đẹp.
Theo chia sẻ của ông Trọng, người vợ thứ tư tên là Đinh Thị Bảy (SN 1981 - tên thường gọi là Thoan, quê ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và là người dân tộc Mường. Cơ duyên mà ông và người vợ gặp nhau là khi ông lên Đại học Sư phạm Thái Nguyên giao lưu văn thơ. Khi đó, vợ ông đang là sinh viên khoa Văn của trường. Sau buổi nói chuyện, chị đã xin số điện thoại của ông như bao sinh viên khác. Khi biết ông không những là người hay văn thơ mà còn là một thầy thuốc nổi tiếng, chị đã gọi điện xin được học nghề. “Tôi đồng ý và để cô ấy chăm sóc vườn thuốc của tôi. Một lần, tôi đến thăm vườn, thấy cô ấy đang chăm chỉ nhổ cỏ ngoài vườn, má ướt mồ hôi, đã “tức cảnh sinh tình”, đọc bốn câu thơ tặng cô ấy. Không ngờ, vài ngày sau, tôi nhận được điện thoại. Cô ấy đọc lại bài thơ tôi tặng hôm đó và nói muốn lấy tôi làm chồng”, ông kể tiếp.
Ông đã về quê, xin làm rể bố mẹ cô. Sau ngày cưới, ông mua một mảnh đất (ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) để sinh sống với người vợ trẻ, đồng thời làm trang trại nghiên cứu cây thuốc.
Ngồi bên cạnh chồng, chị Bảy bẽn lẽn: “Một tuần sau khi nhận lời, chúng tôi về Yên Lập, Phú Thọ để tiến hành làm lễ ăn hỏi. Đi được nửa đường, tôi bảo: “Bố em ít tuổi hơn anh”. Khi lên đến nhà, anh ấy chào bố tôi là: “Chào ông!” còn bố tôi thì nói: “Chào anh!”. Nhưng sau gần 10 năm chung sống, chúng tôi cảm thấy rất hòa hợp và hạnh phúc, không có điều gì trở ngại”.
Theo chị Bảy, để đến được với nhau, cả “ông và chị” phải vượt qua mọi điều tiếng và cả sự cản trở của gia đình. “Sau hai năm, nên vợ thành chồng mọi người trong gia đình cũng như bạn bè đôi bên rất ngạc nhiên khi thấy tôi mang bầu. Thậm chí còn có người bảo là con của người khác. Nhưng tôi đến với anh ấy là bằng tình yêu, sự chân thành nên chẳng bao giờ nghĩ ngợi điều gì”, chị Bảy chia sẻ.
Nói về bí quyết giữ hạnh phúc trong cuộc hôn nhân mà tuổi tác lệch tới hơn nửa thế kỷ, ông Trọng cười sảng khoái: “Vợ tôi bây giờ mới hơn 30, cái tuổi này thì nói thật phải 1 – 2 lần/ tuần, không thì cô ấy khinh. Nhưng với tôi, đó là chuyện bình thường, đáp ứng đủ cả”, ông tủm tỉm cười.