Ông lão 85 và chuyện tình với cô giúp việc kém 35 tuổi

Theo Pháp luật Việt Nam,
Chia sẻ

Một lần, cụ Điệp lấy hết can đảm gọi điện đề nghị với bà Thủy: “Nếu o không muốn về giúp việc cho ông bạn của tôi thì về giúp việc cho tôi có được không?”.

Dù có sự chênh lệch tuổi tác rất lớn và bị con cháu phản đối dữ dội nhưng họ vẫn quyết tâm đến với nhau. Đối với họ, dường như tình yêu không phân biệt tuổi tác hay giàu nghèo mà quan trọng nhất là sự chân thành hai người dành cho nhau.

Câu chuyện tình của cụ Mai Trọng Điệp (85 tuổi, trú xóm 6, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) và người vợ ít hơn mình 35 tuổi khiến cho rất nhiều người phải thán phục và ngưỡng mộ.

Tình yêu tuổi xế chiều

Chuyện tình cảm của ông cụ Điệp hoàn toàn không giống như các câu chuyện “đại gia” ngoài 60, 70 tuổi vẫn cưới được vợ trẻ. Sinh ra ở một làng quê nghèo đất Hà Tĩnh, lớn lên cũng như bao thanh niên trong làng khác, ông Điệp lên đường đi bộ đội. Sau khi hòa bình trở về, ông về quê làm lụng, lập gia đình với một người con gái trong làng.

Hai vợ chồng ông sinh được hai người con, lớn lên họ đều lập gia đình và ra ở riêng. Ông bà sống với nhau trong căn nhà nhỏ. Cuộc sống của hai người cứ êm đềm trôi qua như vậy cho đến năm 2008, bà mắc phải căn bệnh nan y rồi qua đời. Kể từ đó, ông Điệp sống lủi thủi một mình trong căn nhà nhỏ. Con cái cũng thường xuyên đến thăm hỏi, nhưng ông vẫn luôn cảm thấy cô đơn trống vắng vì thiếu đi người bầu bạn hàng ngày.

Những tưởng ông lão nghèo sẽ sống như vậy cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, nhưng thật không ngờ cuộc gặp gỡ tình cờ với một người phụ nữ cùng làng khiến cuộc đời cụ bước sang một ngã rẽ mới.

Giữa năm 2010, trong một lần đi đám giỗ nhà hàng xóm, cụ Điệp gặp bà Cao Thị Thủy (50 tuổi). Vẻ hiền hậu, đoan trang của người phụ nữ đó đã khiến cụ bị hút hồn. Kể từ đó ông ngày đêm “thầm thương trộm nhớ” người phụ nữ này. Biết cụ Điệp có tình cảm đặc biệt với bà Thủy nên lũ trẻ con trong xóm thường xuyên trêu đùa, gán ghép hai người với nhau.

Qua tìm hiểu, cụ Điệp biết cuộc đời bà Thủy đã phải chịu nhiều bất hạnh. Thời trẻ bà yêu một người đàn ông cùng làng. Hai người đã ước hẹn thề nguyền sẽ ở bên nhau suốt đời, nhưng chuyện tình của họ lại bị gia đình hai bên phản đối quyết liệt. Rồi bà Thủy mang bầu và sinh một con trai nhưng vẫn không được sự đồng ý của hai bên họ hàng.

Quá đau khổ và sợ con trai bị hàng xóm láng giềng dị nghị nên bà đành ôm con nhỏ vào miền Nam sinh sống. Cuộc sống của hai mẹ con cũng rất khó khăn, bà Thủy phải làm nghề giúp việc để có tiền nuôi con khôn lớn. Sau nhiều năm sống ở xứ người, năm 2010 bà về thăm lại quê hương và xây lại nhà cho mẹ mình sau trận lũ quét lịch sử.

Cụ Điệp nhớ lại: “Kể từ sau lần gặp bà ấy trong đám giỗ, tôi suy nghĩ rất nhiều. Ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi đã biết rằng bà ấy chính là người mình muốn được gắn bó cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Vậy là tôi quyết tâm sẽ tự mình tìm kiếm hạnh phúc”.

Tuy nhiên, lúc này bà Thủy đã quay lại Sài Gòn, cụ Điệp không thể tiếp cận được. Do đó cụ đã nghĩ ra kế hoạch để “lừa” bà về quê. Cụ liền sang nhà mẹ của bà Thủy xin số điện thoại của bà. Sau đó cụ điện cho bà Thủy và “bịa” ra câu chuyện rằng có một ông bạn ở Quảng Trị muốn thuê bà làm người giúp việc.

Bà Thủy tâm sự: “Lúc đó tôi rất bất ngờ khi nghe ông ấy nói vậy. Tuy nhiên, tôi đã từ chối lời đề nghị của ông ấy, vì không muốn đi đến một nơi xa lạ, đồng thời cũng không muốn cuộc sống của mình bị xáo trộn”.

Tuy kế hoạch “lừa” người trong mộng về quê thất bại nhưng cụ ông si tình vẫn không bỏ cuộc. Cụ Điệp thường xuyên nhắn tin, gọi điện thăm hỏi bà Thủy. Dần dần hai người trở thành bạn bè thân thiết, chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống với nhau.

Một lần, cụ Điệp lấy hết can đảm gọi điện đề nghị với bà Thủy: “Nếu o không muốn về giúp việc cho ông bạn của tôi thì về giúp việc cho tôi có được không?”. Nghe ông Điệp nói, lúc đầu bà Thủy tưởng ông nói đùa nên chỉ cười cho qua chuyện. Nhưng sau đó, thấy cụ Điệp thường xuyên gọi điện thuyết phục, bà Thủy cũng xiêu xiêu lòng. Bà khăn gói về quê để vừa thăm mẹ, vừa suy nghĩ chuyện “làm giúp việc” cho cụ Điệp.

Ông lão 85 và chuyện tình với cô giúp việc kém 35 tuổi 1
Ảnh minh họa.

Nhật kí tình yêu của ông lão tuổi 80


Sau khi bà Thủy về quê, cụ Điệp nhận thấy đây là cơ hội để thổ lộ tình cảm của mình với bà. Hàng ngày cụ thường xuyên sang thăm hỏi mẹ con bà Thủy.  “Lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén”, nhưng cụ Điệp vẫn khéo léo để cho bà Thủy cơ hội để “nghĩ lại”.

Cụ kể: “Tôi bảo với bà ấy: “Em làm người giúp việc cho anh nhé, khi nào xây nhà cho mẹ xong nếu em không có tình cảm với anh thì ra đi cũng được”.

Vốn cũng có cảm tình với cụ Điệp lại thấy sự chân thành của cụ, nên bà Thủy đã gật đầu đồng ý. Từ khi có bàn tay người phụ nữ chăm sóc đỡ đần, cuộc sống của cụ Điệp đầm ấm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khó khăn lại đến khi các con của ông Điệp bắt đầu “khó chịu” khi thấy quan hệ giữa bố và cô giúp việc quá thân thiết.

Khi ông Điệp và bà Thủy trở về sau chuyến đi thăm một người bạn của ông ở Quảng Trị, các con, các cháu của ông liền kéo đến nhà đòi đuổi bà đi. Họ bảo rằng: “Bố thuê người giúp việc thì được chứ còn kết hôn với bà ấy thì không được”.

Để bảo vệ “người yêu”, ông Điệp đã đứng lên tuyên bố với con cháu rằng: “Bố sẽ cưới cô Thủy làm vợ”. Nghe cụ nói vậy, các con ông càng tức giận, họ liền lao vào đánh bà Thủy để trút giận. Hôm đó công an xã đã phải đến để xử lý mọi chuyện trong gia đình ông Điệp mới tạm lắng xuống.

Tuy con cháu ông Điệp phản đối dữ dội nhưng họ hàng của bà Thủy thì họ lại tán thành chuyện tình cảm của bà với ông lão 85 tuổi. Được sự ủng hộ đó, ông Điệp mừng rỡ chuyển hẳn đến ở nhà bà Thủy. Tuy nhiên các con cụ Điệp vẫn không chịu, họ liền kéo xuống ép bố về nhà. Để con cháu không thể ngăn cản mình nữa, cụ Điệp quyết định ra xã đăng ký kết hôn với “người thương”.

Vào ngày 2/6/2012, qua hơn hai năm trời sóng gió, ông Điệp và bà Thủy tổ chức một đám cưới nhỏ ấm cúng trước sự chứng kiến, chúc phúc của hàng xóm láng giềng. Hàng ngày, người dân trong xóm thấy hai ông bà cùng nhau làm vườn, nấu ăn và chăm sóc cho nhau những lúc đau ốm.

Có một điều rất đặc biệt là tất cả những tình cảm cụ Điệp dành cho bà Thủy cho đến những khó khăn trở ngại họ gặp phải trong quá trình tìm hạnh phúc, đều được cụ ghi lại đầy đủ trong một cuốn nhật kí. Đối với cụ Điệp thì cuốn nhật kí chính là bằng chứng về tình yêu đẹp của vợ chồng cụ.

Bà Thủy chia sẻ: “Tôi thấy dù cuộc sống có đạm bạc, nhưng được ở bên ông ấy, chia sẻ ngọt bùi cay đắng trong cuộc đời với nhau là đã hạnh phúc lắm  rồi. Đến nay mặc dù con cháu ông Điệp vẫn chưa chấp nhận chuyện bố mình tái hôn nhưng tôi vẫn mong mỏi muốn một ngày nào đó họ sẽ hiểu ra và chấp nhận mình”.



Chia sẻ