Những cô em chồng không bao giờ tiêu... tiền lẻ
Có lần thấy chị cầm tờ 100 nghìn đi mua cháo và trứng vịt lộn cho con ăn sáng, em chồng chị tròn mắt ngạc nhiên: “Chị phá tiền chẵn ra mà không tiếc à, em thì em tiếc lắm”.
Từ cô em chồng… không đủ tiền lẻ
Mới có một năm chân ướt chân ráo về nhà chồng mà Hiền (Hoàng Mai, HN) không khỏi đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Nhất là những chuyện liên quan đến cô em chồng kém Hiền 4 tuổi. Từ ngày về làm dâu, Hiền thấy ngạc nhiên là cô em chồng tỏ ra rất thân thiết với mình, điều gì cũng chị chị em em. Mua sắm cái gì cũng khoe chị, đi đâu cũng rủ chị đi, từ việc đi siêu thị mua mỹ phẩm, dầu gội đầu, sữa tắm… hay đơn giản chỉ là ra hàng gội đầu cô em cũng rủ cả bà chị dâu đi cùng với lý do… cho vui, cho chị quen mọi người.
Có một điều Hiền lấy làm lạ mà không dám nói ra, đó là lần nào đi đâu cùng em chồng cô cũng là người phải thanh toán các hóa đơn và các khoản chi phí khác, dù là mua cho cả nhà hay mua cho cá nhân em chồng, mà chủ yếu là mua cho cô ấy. Lần một, lần hai Hiền không nghĩ gì vì cho rằng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng rồi đến bây giờ không biết là lần thứ bao nhiêu rồi mà cấm có thấy cô em nói gì đến chuyện “em gửi chị tiền những món đồ của em”.
Ngay cả khi vợ chồng Hiền có con, hàng trăm khoản dôi dư phải chi tiêu, nhưng cô em chồng vẫn giữ thói quen “chị trả luôn giúp em nhé”. Không những không mua cho cháu được cái gì bao giờ, mà “giặc bên Ngô” này còn tranh thủ đi cùng lúc Hiền đi mua đồ cho con để “xem có cái gì hợp với em không nào”. Và dĩ nhiên, người trả tiền vẫn lại là Hiền.
… đến cô em chồng… chỉ toàn tiền chẵn
Không nịnh nọt và khéo như em chồng của Hiền, em chồng chị Mai (Đống Đa, Hà Nội) lại có kiểu tiêu tiền rất… cho riêng mình ta. Cứ mỗi lần nhắc đến cô em chồng là chị Mai lại buồn cười: “Cô ấy á, toàn tiêu tiền chẵn thôi, nhưng mà nghèo lắm, vì có dám bỏ tờ tiền chẵn ra tiêu đâu mà có tiền mua sắm gì…”. Nói cho vui vậy, chứ cả làng, cả họ ai cũng biết em chồng chị ki bo, kiệt xỉ.
Cũng đã đi làm và có lương, nhưng chưa bao giờ chị Mai thấy em chồng bỏ tiền mua được cuộn giấy vệ sinh chứ đừng nói đến mua chai nước xả quần áo hay chai dầu gội đầu, sữa tắm… Tất tần tật đều là chị mua, hoặc nếu chị chưa kịp mua mà chưa đưa tiền cho cô ấy mua thì thế nào cô ấy cũng hỏi tiền chồng chị hoặc mẹ chồng chị với lý do “em hết tiền lẻ để mua rồi”.
Đành rằng những món tiền trăm cô ấy không bỏ ra vì tiếc tiền đã đành, đằng này, có tiền mua thức ăn cô nàng cũng không dám “móc ví” của mình. Bình thường mẹ chồng chị là người đi chợ mua đồ ăn cả ngày thì không sao, nhưng cứ hôm nào mẹ chồng chị vắng nhà là y như rằng cô em chồng chị Mai lại nhanh nhảu: “Chị có tiền lẻ không, em đi chợ mua đồ ăn. Em mua chục trứng và ít thịt”, hoặc “Em hết tiền lẻ rồi, còn toàn tờ 100 nghìn thôi, chị có tiền lẻ đưa em đi chợ”. Cứ tính ra 100 nghìn đi chợ mua đồ ăn cho cả chị ăn cả ngày còn không đủ ấy chứ đừng nói đến tiền thừa, thế mà cô em chồng chị lại gọi là… tiền lẻ.
Thậm chí có lần thấy chị cầm tờ 100 nghìn đi mua cháo và trứng vịt lộn cho con ăn sáng, em chồng chị tròn mắt ngạc nhiên: “Chị không có tiền lẻ à mà phải phá ra, chị không tiếc à, em thì em tiếc lắm”. Dù rất buồn cười nhưng vì biết tính em chồng “tôn sùng tiền của mình hơn tất thảy”, không bao giờ dám móc hầu bao mua bất cứ cái gì mà không phải dành cho mình nên chị Mai cũng không nói gì. Bởi cô ấy là con gái rượu của bố mẹ chồng chị, chị sợ có nói vài câu lại mất lòng ông bà, rồi ông bà lại bảo “đúng là chị dâu em chồng”.