Em dâu “bắt nạt” chị chồng

Yến Nhi- HN,
Chia sẻ

Nàng dâu khi về nhà chồng thường rụt rè, e thẹn thậm chí không dám ăn cơm no, phải nhìn ý gia đình nhà chồng. Nhưng thời thế thay đổi chuyện làm dâu của các nàng cũng thay đổi theo.

Tại sao phải lo khi chị chồng còn ở nhà?!

Mai về làm dâu tới nay đã ngót hai năm nhưng mỗi lần nhà có việc Mai đều tìm cách thoái thác. Nhà Thành có ba chị em, chị gái của Thành là con đầu, bước vào tuổi 33 nhưng có lẽ do muộn đường tình duyên nên chị vẫn ở nhà với bố mẹ, lo lắng mọi việc trong gia đình. Ngoài giờ làm ở công ty chị thường ở nhà chăm sóc bố mẹ, dọn dẹp nhà cửa, đứa em gái của Thành có lẽ cũng tốt duyên nên đi lấy chồng trước khi Thành cưới vợ, mọi việc trong gia đình dường như đều rơi vào tay chị gái. Từ ngày lễ, ngày tết, ngày giỗ… chị đều lo chuẩn bị và làm mọi việc.
 
Từ ngày Mai về làm dâu chị vui lắm, chị nghĩ rằng có Mai, gia đình có thêm người, thêm sự vui vẻ và quan trọng hơn chị có người chia sẻ, trò chuyện và chia sẻ công việc gia đình với mình. Chị luôn hi vọng “từ nay có em dâu mọi việc trong gia đình mình sẽ đỡ vất vả hơn”.
 

Thế nhưng mọi việc lại không diễn ra theo suy nghĩ của chị. Từ ngày về làm dâu, hôm nào Mai cũng đi làm từ sáng sớm tới tối khuya mới về. Thứ bảy, chủ nhật vợ chồng Mai lại chở nhau sang nhà ngoại. Chị cũng không trách móc gì Mai chuyện không hề lo giúp được gì cho gia đình nhà chồng. Khi mẹ phàn nàn với chị là Mai sống thiếu trách nhiệm với gia đình nhà chồng thì chị lại gạt đi nói mẹ phải thông cảm cho nó, công việc ở công ty bận nên nó mới thế.

Mặc dù chị cũng là một kế toán cho một công ty lớn ở Hà Nội, công việc cũng khá vất vả nhưng chị vẫn phải tranh thủ để làm việc nhà giúp bố mẹ. Còn Mai thì vẫn vô tư chiều theo những sở thích của mình mà không hề nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm với nhà chồng, với bố mẹ chồng và Mai luôn nghĩ đã có chị chồng rồi thì không việc gì mình phải lo.

Cũng vô tâm như Mai, Thoa một nhân viên ngân hàng cũng có lối suy nghĩ khá thiếu trách nhiệm với nhà chồng. Chị chồng của Thoa cũng nhiều tuổi nhưng vẫn chưa chịu lập gia đình vì sợ đi lấy chồng bố mẹ và các em sẽ khổ cho nên ở cái tuổi ngoài ba mươi chị chồng Thoa vẫn ở vậy. Kể từ sau ngày cưới, mỗi tháng Thoa đóng cho nhà chồng một khoản tiền nhất định để chi phí cho việc ăn, ở của Thoa và chồng, ngoài khoản tiền đóng cố định hàng tháng thì Thoa không hề quan tâm đến công việc của nhà chồng như thế nào cho dù đó là đám ăn hỏi em chồng, đám giỗ, đám cưới…

Thoa xem đó giường như không phải trách nhiệm của mình. Ngày Tết ngày lễ Thoa vẫn thản nhiên đi chơi cùng bạn bè, nếu có ai hỏi sao cậu lấy chồng mà sướng vây? Không phải lo việc nhà chồng à? Thoa cũng thản nhiên trả lời: “Có chị chồng rồi, tại sao tôi lại phải lo việc nhà chồng chứ? Hơn nữa đấy đâu có phải việc của tôi”. Mặc dù biết Thoa là người sống thiếu trách nhiệm nhưng chị chồng chưa một lần bắt bẻ em dâu, chị thường im lặng và làm hết mọi việc trong nhà cho tới khi xong việc và nghiễm nhiên Thoa cũng xem đó là việc của chị chồng chứ không phải việc của mình.

Làm tới vì được chồng “dung túng”

Sự ỷ lại của một số nàng dâu đa phần do được cưng chiều quá mức từ khi còn ở nhà mẹ đẻ. Rồi đến khi về nhà chồng lại được chồng bênh vực, che chắn. Điều đó khiến các nàng dâu càng tiêu cực hơn trong lối hành xử với chị chồng.

Có nhiều đức ông chồng sau khi nghe vợ tỉ tê kể khổ thì ngay lập tức đùng đùng “nọ kia” với chị gái để bênh vợ. Nhiều anh còn cho rằng chị mình “già” rồi mà vẫn ở vậy nên khó tính, hay soi mói hành động của em dâu.

Như Lan về làm dâu nhà chồng đã năm năm, cho đến nay, mọi công việc nhà chồng cô đều ỷ lại hết cho chị chồng. Khi chị chồng lên tiếng góp ý thì ngay lập tức Lan tỏ thái độ bực tức bỏ về phòng mách chồng. Thay vì động viên vợ cố gắng dung hòa với chị gái mình, chồng Lan cũng hùa vào vói vợ cho rằng chị mình cố tình xoi mói, để ý Lan. Thế là từ chuyện bé, xé ra to, một tuần đến đôi ba lần chồng Lan vì bênh vực Lan lên tiếng nói hỗn với chị.
 
Các ông chống nên động viên vợ để chị chồng và em dâu có thể hòa hợp với nhau
 (Ảnh minh họa)

Cũng có nhiều nàng dâu thường không thích ở cùng chị chồng cho dù họ là những người dễ tính nên tìm mọi cách tạo áp lực để chị chồng mình không chịu đựng nổi phải “buông tay” mà ra ở riêng. Sống trong cùng một gia đình nhưng dường như các cô em dâu này xem các bà chị chồng như là những cái gai và nếu có thể lúc nào họ cũng muốn nhổ cái gai đó đi để họ hoàn toàn tự do.

Cũng vì nhẫn nhịn, không muốn bị mang tiếng là “bà cô bên chồng” nên nhiều chị chồng thường nhường nhịn em dâu. Họ đinh ninh nghĩ rằng “trước sau gì các em cũng hiểu cho tấm lòng của mình”, nhưng không như mong muốn, các cô em dâu thì lại lấy điều đó làm đắc thắng và ngày càng lấn tới.

Để dung hòa mối quan hệ chị chồng, em dâu không phải là khó. Chỉ cần cả hai bên đều có thiện chí giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, công việc gia đình thì mọi chuyện sẽ thật đơn giản và tốt đẹp. Điều quan trọng hơn nữa là các ông chồng cũng nên góp ý với vợ mình ngay từ khi các nàng về làm dâu để mối quan hệ chị chồng em dâu trở nên tốt đẹp, các nàng dâu mới cũng nên chú ý đến thái độ ứng xử của mình để cả nhà có thể sống vui vẻ mà chị chồng không phải buồn, gạt nước mắt tủi hờn vì em dâu.

Chia sẻ