"Nghèo" vì vợ nghiện shopping
Hoàng tích góp được khoản tiền định cưới vợ xong sẽ mua một căn nhà nhỏ. Ai ngờ gặp phải cô vợ mê mua sắm, chỉ 2 năm sau toàn bộ số tiền "mồ hôi" kia đã bốc hơi sạch.
Đã vậy mỗi lần nghe tin cha mẹ đau ốm, Hoàng ngỏ ý với vợ gửi tiền về quê chữa bệnh cho các cụ thì cô lại ngúng nguẩy nhất định không chịu chi khiến anh đâm xấu hổ với mọi người.
Nhìn về tương lai không lẽ cam chịu cảnh ở trọ mãi, Hoàng đã nhiều lần ngọt nhạt góp ý khuyên bảo vợ bớt những khoản chi tiêu ngoài luồng để dành tiền mua nhà, nhưng cô vợ chẳng những không tiếp thu mà còn giận dỗi rồi "cấm vận" chăn gối, sau đó bỏ về quê khiến anh đâm nghĩ ngợi. Mỗi lần như thế vì thương vợ, Hoàng đành phải xuống nước xin lỗi và tạm thời gác lại giấc mơ về "ngôi nhà hạnh phúc" đã ấp ủ bấy lâu nay.
"Không biết bao giờ cô ấy mới thôi mua sắm. Giờ cái tủ quần áo như một cái shop thời trang với đủ loại quần, áo, đầm hàng hiệu vậy mà vợ mình vẫn chưa vừa lòng. Mới đây cô ấy còn tha về mấy chiếc quần jeans hàng ngoại trị giá mấy trăm nghìn đồng, mình xót của nên mắng to tiếng làm vợ chồng mấy ngày nay không nhìn mặt nhau", Hoàng lắc đầu ngao ngán.
Cũng nhiều lần cắn răng chịu đựng thói vung tay quá trán của vợ, anh Trung (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, tiền lương hai vợ chồng cộng lại mỗi tháng được hơn 10 triệu đồng vẫn không đủ cho chị chi tiêu các khoản mà chị cho là "thiết yếu" trong nhà.
Lấy lý do sắm sửa cho bằng bạn bằng bè, chị Hoa (vợ anh) không ngần ngại mua những món đồ mà cô cho là "cần thiết" trong gia đình từ quần áo, giày dép vài chục nghìn đồng đến thiết bị máy giặt, máy lạnh trị giá vài triệu đồng mà không hề hỏi ý kiến anh. Đã vậy mỗi lần trong nhà không có tiền, chị lại sang hàng xóm vay khiến anh nhiều phen méo mặt vì vỡ nợ, nên bị hàng xóm bám theo đòi tới tấp.
"Giảm cân đâu không thấy mà cô ấy ngày càng béo phì ra. Đến nay ngôi nhà nhỏ bé của tôi cứ như đại lý bán máy thể dục, nào là ghế xoay giảm mỡ, đai quấn nóng, rồi cả thuốc giảm cân nhưng chúng đóng bụi mấy lớp vì cô ấy bảo không hiệu quả nên mấy tháng nay không đụng đến", anh Trung xót của kể.
Trong khi có được vợ giỏi đảm đang bếp núc là niềm mơ ước chính đáng của bao người đàn ông thì với anh Thanh, cưới được cô vợ có tài nội trợ nhưng không biết "cầm cân nảy mực" kinh tế gia đình lại là nỗi đau riêng. Nhìn cảnh chi phí trong gia đình liên tục gia tăng trong khi tiền lương vẫn giậm chân tại chỗ, anh Thanh không thôi xót xa.
Anh kể: "Nhà chỉ có hai vợ chồng và một đứa con nhưng cô ấy mua đồ cứ như cho cả 5 người ăn. Dạo này thực phẩm đắt đỏ, bỏ đi thì tiếc nên mình phải cắn răng mua tủ lạnh về để bảo quản đồ thừa. Nhưng dù sao ăn một món đến bữa thứ hai là ngán lắm rồi nên cuối cùng lại đổ cho chó hàng xóm ăn phí lắm".
Trước cám cảnh gạo thiếu cơm thừa và đã nhiều lần nhắc nhở vợ vẫn chứng nào tật ấy, anh Thanh giận quá đành "niêm phong" tài sản, không để vợ giữ tiền nữa, mỗi ngày chỉ đưa cho chị 50.000 đồng đi chợ. Nhờ đó mà hiện giờ tình hình tài chính gia đình đi vào nề nếp hơn. Tuy nhiên cũng vì lý do này mà vợ chồng Thanh suốt ngày đôi co nhau khiến không khí trở nên nặng nề.
Nói về thói quen tiêu hoang của các cô vợ, ông Sĩ cho rằng đa phần là do ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình hồi chưa lấy chồng. Thông thường họ xuất thân từ gia đình có mức thu nhập trung bình, mặc dù ăn uống đầy đủ nhưng do cha mẹ không cho tiền tiêu xài nên khi lấy chồng, họ thường có xu hướng chi tiêu phóng thoáng như thế. Đó là quy luật "bù trừ". Ngoài cũng có một số cô tiểu thư nhà giàu từ nhỏ đã có thói quen dùng hàng hiệu, đến khi lấy phải chồng nghèo mà vẫn như thái độ chi tiêu cũ khiến gia đình lâm vào cảnh túng bấn, vợ chồng mâu thuẫn.
Theo quan niệm của ông Sĩ, một gia đình hoàn hảo thường có người vợ khéo léo là hậu phương, giữ tay hòm chìa khóa. Tuy nhiên nếu gặp phải người vợ không có khả năng "cầm cân nảy mực", thì lúc này người đàn ông cần sử dụng quyền làm chồng của mình và đưa ra những quy định cụ thể cho việc chi tiêu tiền bạc trong gia đình. Khi đã có quy định mà vợ vẫn tiếp tục vi phạm, đến lần thứ 3, người chồng nên giành quyền giữ tiền để điều tiết chi tiêu.