Ngán ngẩm nhìn vợ “tận thu"

Hạ Thảo,
Chia sẻ

Nhà bố mẹ đẻ có cái gì là nàng ta khuân về bằng sạch. Từ rau củ quả, nước mắm, bánh xà phòng đến đũa thìa...

Chán ngán vợ "đồng nát"
 
Đi làm về, anh Chiến (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) tái mặt khi nghe mấy chị hàng xóm nói chuyện với nhau về vợ mình. Dù quá quen với cảnh này nhưng anh vẫn khó chịu . “Mà có nói, cô ấy cũng chẳng để vào tai” - Anh than thở.
 
Chị Yến - vợ anh, có một tật siêu xấu. Đó là đi đâu cũng mang tâm thái vơ vét, xin xỏ càng nhiều càng tốt. 

Mà khổ nỗi chị cũng là nhân viên văn phòng đàng hoàng, lương không cao nhưng cũng chẳng đến mức thiếu thốn. Vậy mà cứ đi đâu về, chị Yến cũng phải tha lôi được 2 túi đồ đi xin trở lên. 
 
Chẳng giống như những cô con gái khác, mỗi khi về nhà mẹ đẻ, họ không ngồi nói chuyện thì cũng phụ nấu ăn. Thế nhưng Yến lại cứ lăng xăng chui hết vào góc này đến phòng kia và hỏi ngược ra: “Bố ơi, cái vỏ chai rượu này hết rồi, cho con nhé, về cắm hoa là nhất”, “Mẹ ơi, còn củ cà rốt lăn lóc ở gần tủ bếp này, không ăn là hỏng ạ, con mang về mai xào cho bố nó mang đi ăn cơm trưa nha”…
 
Cứ thế, nhà bố mẹ đẻ có cái gì là Yến khuân về bằng sạch. Từ rau củ quả, nước mắm, bánh xà phòng đến đũa, thìa...
 
Ngán ngẩm nhìn vợ “tận thu" 1
Anh xấu hổ vì vợ vô cùng (Ảnh minh họa).
 
Không chừa một nhà nào, cứ cuối tuần chị lại nhờ chồng đưa đi hết lượt họ hàng: nhà đứa bạn mới sửa "hẳn có nhiều đồ vứt đi lắm, cũ người mới ta”; nhà bác ở tít dưới Đông Anh “bác mới đi du lịch về, thể nào chẳng có vài con mực khô cho mình”; nhà cô em chồng “nó vừa đẻ xong, vô khối đồ bầu, em đến tăm tia trước, phải ‘đặt gạch’ không nó vứt đi hết đi thì uổng”…
 
Không chỉ tận dụng họ hàng, hàng xóm như chị Yến, chị Chi (An Dương, Hà Nội) còn “năng nhặt chặt bị” cả với đồng nghiệp của anh Hòa - chồng chị. 
 
Nhìn ở ngoài ai cũng thấy nhà anh chị thuộc diện to nhất, hoành tráng nhất so với dãy nhà ở khu này. Nhưng vào mới thấy là toàn chai lọ lỉnh kỉnh, như cái nhà kho.
 
Một lần, sếp anh tổ chức liên hoan tại nhà nhân dịp sinh nhật. Đang lâng lâng hạnh phúc vì ai cũng khen vợ mình xinh xắn, trẻ trung thì anh hốt hoảng khi thấy vợ đang “gạ gẫm” vợ sếp: “Ôi đôi giày này đẹp quá, em tìm mãi mấy cửa hàng mà chẳng có dáng này. Giá mà có ai cho thì còn gì bằng!”, “Ồ, bộ bát này nhà chị không dùng nữa à, bỏ đi thì phí lắm, thôi để em dùng cho, ai lại bỏ thế, phí của trời”.
 
Chạy thục mạng ra ngăn thì bị vợ liếc xéo, lườm nguýt giận dỗi.
 
Anh xấu hổ vô cùng, ý kiến thì chị vặc lại ngay: “Thời buổi kinh tế suy thoái, anh ngại thì để em, sỹ diện linh tinh. Em xin ai cũng niềm nở cho thế cơ mà”. 
 
Mang tiếng "dở" vì vợ
 
Cũng biết “đàn bà là chúa hay lắm điều, thích sưu tập, tiết kiệm nhưng như vợ mình thì thật là hết biết”, anh Chiến chia sẻ. 
 
Anh thấy sau một thời gian lấy vợ, tính sỹ diện của anh cũng giảm hẳn đi. Anh ngại ngần gặp bố mẹ, họ hàng nhà chị hơn. Anh Chiến tâm sự: “Thay đổi vợ xem ra không thể, mình đành thay đổi mình thôi. Chỉ ngại bố mẹ lại nghĩ cưới mình, con gái họ khổ sở, coi mình là thằng con rể thiếu tự trọng”…
 
Chả bù, chị gái của vợ suốt ngày quà cáp biếu bố mẹ. Trong khi cô em - vợ mình thì tay xách nách mang, nhếch nhác, lôi thôi như bà đồng nát thứ thiệt mà thấy mất mặt quá" - Chiến than.
 
Từ hồi chị Chi làm “mát mặt” chồng bằng chiêu xin xỏ, đồng nghiệp của anh được thể “nhìn vợ đoán chồng”. Anh thấy xấu hổ khi nghe thấy mọi người kháo nhau: “Nhìn tưởng Hòa thế nào, hóa ra cũng tầm thường quá. Chẳng hiểu tài cán tới đâu mà chẳng mua sắm đầy đủ cho vợ”. 
 
Lúc ấy, anh chỉ muốn chạy thật nhanh ra khỏi cơ quan, mong có cái lỗ nẻ nào dưới chân mà trốn ngay xuống. 
 
Hòa đem tất tần tật câu chuyện mọi người bàn tán ra kể với vợ, những tưởng vợ sẽ rút kinh nghiệm. Nào ngờ, chị Chi còn hồn nhiên: “Miệng đời mà anh, anh không nghe mấy bác hàng xóm khen em thật thà, tiết kiệm đấy ư”. 
 

Công sở luôn là địa chỉ lý tưởng cho các bà vợ “xả” cơn bực tức và chê chồng.
Ngán ngẩm nhìn vợ “tận thu" 2
Chia sẻ