Khổ và cám cảnh như lấy chồng giàu

Lê Nhi,
Chia sẻ

Lấy chồng giàu và rất giàu, nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ những phụ nữ này có cuộc sống sung sướng, chuột sa chĩnh gạo nếp. Nhưng chỉ ở trong cuộc mới biết, họ khổ cực và chỉ biết cắn răng chịu đựng.

Sinh ra tại Thái Thụy (Thái Bình), nhà Tô Hương, 25 tuổi gia cảnh cũng rất nghèo. Tuy nhiên, cô gái trẻ này vẫn cố gắng học tập để có một công việc ổn định tại thành phố dù chỉ đủ nuôi bản thân.

Sẵn có lợi thế trời ban xinh xắn và việc làm ổn định, Hương cũng được nhiều chàng trai để ý. Mải phấn đấu cho sự nghiệp, nên Hương chưa muốn yêu đương. Nhưng một lần đi gặp gỡ khách hàng, Hương quen và yêu T - một kiến trúc sư trẻ và cũng là con một gia đình giàu có, bề thế tại Hà Nội. 

Yêu nhau 3 tháng, Hương lên xe hoa về làm dâu gia đình quyền quý. Bạn bè, người thân ai cũng vừa mừng vừa thầm ghen tị với Hương. Ai cũng nghĩ Hương sẽ có cuộc sống sung sướng, chuột sa chĩnh gạo. 

Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Về nhà chồng mới được vài tháng, Hương đã thấy quyết định lấy chồng của cô quá vội vã và sai lầm. Vì nhà mẹ đẻ nghèo khó nên gia đình nhà chồng luôn coi thường Hương và thông gia.

Hương tủi thân kể: “Như Tết vừa rồi, dù là Tết đầu tiên ở nhà chồng nhưng mẹ chồng không cho 2 vợ chồng về nhà ngoại. Ông bà bắt hai đứa ở lại thành phố chúc Tết họ hàng nhà chồng. Tết nhất, bố mẹ chồng cũng chẳng thèm gọi điện về chúc Tết thông gia nữa. Chồng thì vừa cưới đã vô tâm đến phát ngấy”.

Nhà chồng Hương còn có hẳn một trung tâm buôn bán lớn tại thành phố và các khu vực lân cận. Hầu như, tất cả mọi người trong gia đình nhà chồng Hương đều vào đó làm. Hàng tháng mẹ chồng Hương sẽ đứng ra phát cho mỗi gia đình một khoản tiền. 

Khổ và cám cảnh như lấy chồng giàu 1
Làm dâu gia đình quyền quý, bạn bè, người thân ai cũng vừa mừng vừa thầm ghen tị với Hương. Ai cũng nghĩ Hương sẽ có cuộc sống sung sướng, chuột sa chĩnh gạo. Nhưng...

Nhưng chẳng biết mẹ chồng trả lương cho người khác thế nào còn khoản tiền bà đưa hàng tháng cho Hương chỉ đủ chi tiêu ăn uống trong nhà nếu biết tiết kiệm. Đã thế, bà mẹ chồng quý hóa của cô còn suốt ngày xét nét con dâu, theo dõi chuyện tiền nong. Tết xong, bà còn có ý cắt giảm chi tiêu đi một nửa. Hương chỉ biết cắn răng chịu đựng, tằn tiện chi tiêu để chu toàn gia đình.

Mang tiếng lấy chồng giàu "nứt đố đổ vách", nhưng Hương chẳng có tiền chi tiêu cá nhân. Quần áo cô chả có tiền mua mới, huống chi đến tiền về quê, tiền biếu bố mẹ. 

“Nhiều đêm nằm ngủ, nước mắt mình ướt đẫm gối. Mình muốn về quê chơi với bố mẹ vài ngày mà chẳng dám. Phần vì nghỉ làm sẽ bị mẹ chồng mắng. Hơn nữa, làm gì có tiền mà về. Con gái mang tiếng lấy chồng giàu, lại lâu lâu mới về nhà chơi, chẳng lẽ không có vài trăm để biếu bố mẹ?” - Hương bẽ bàng thú nhận.

Mới làm dâu nhà giàu mấy tháng mà Hương đã ngao ngán. Cô nhận ra mình không phải là con cái trong nhà mà là một ô sin không công của nhà chồng với bao nỗi khổ: “Cứ tưởng, nhà chồng có điều kiện thì mình được nhàn nhã. Đằng này, ở chỗ làm về mình phải làm việc nhà cho tới khi đi ngủ. Giờ mới biết, cuộc sống tinh thần cần hơn tiền bạc. Ước gì mình làm dâu nhà nghèo không tiền nhưng tốt bụng, thân thiện và yêu thương. Như thế đáng quý hơn nghìn lần nhà chồng giàu có mà coi thường mình vì đồng tiền. Nhưng hình như là số rồi. Mình đâm lao phải theo lao”.

Hình thức trung bình về mọi mặt, gia cảnh chẳng đến nỗi nào, thế nhưng khi ra trường Minh Phương (Tây Mỗ, HN) bỏ phắt anh bạn trai nghèo đã yêu 6-7 năm nay để lấy chồng là con trai giám đốc một tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn với bằng cấp vời vợi và lương tháng cao (80-120 triệu). 

Trong đám cưới rình rang, nhà chồng Phương còn tặng luôn vợ chồng trẻ chiếc ô tô gần 2 tỷ để đi lại cho tiện. Những bạn bè đến dự đám cưới xa xỉ của Phương hôm ấy đều cho Phương quá "tốt số".

Nhưng đúng một năm ở nhà chồng, Phương đã chán ngán. Chồng Phương và nhà chồng Phương giàu có thật nhưng họ coi đồng tiền là trên hết. Buồn nhất là chồng Phương, anh luôn có suy nghĩ bỏ tiền ra "mua" vợ chứ không phải cưới vợ. Vì "mua" nên anh phải tước đoạt tự do của vợ cho đáng đồng tiền bát gạo.

"Giờ mình mới nhận ra, nhà giàu thì hay tự cho mình cái quyền ở trên và coi thường người khác. Họ luôn nghĩ 'Con này lấy con mình là sướng lắm rồi, mình phải làm cho nó bớt sướng'"?!. Thậm chí chồng mình nhiều lúc còn bảo: “Cô có phước mới được tôi lấy, cô sướng thế còn kêu ca gì. Một năm nay, vợ chồng nhiều lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt cũng vì tư tưởng này mà phát sinh” - Phương kể.

Ngày 8-3 vừa rồi, dù chưa có con cái, nhưng chồng Phương cũng chẳng có quà cho vợ. Chưa hết, anh còn ngang nhiên đi "ăn bánh trả tiền" đến tận 4 giờ sáng mới mò về nhà. 

Thế là hai vợ chồng Phương cãi nhau. Chồng Phương chẳng những không hối lỗi mà còn tặng luôn cho vợ vài cái tát trời giáng. Uất ức, Phương bỏ về nhà mẹ đẻ. Nhưng chỉ được 2 hôm, thấy chồng chẳng chịu "xuống nước", Phương lại phải tự quay về nhà chồng.

Hoàn cảnh của Hoài, 28 tuổi (Nam Định) cũng chẳng khá khẩm hơn. Nhà nghèo nên Hoài chỉ cố gắng học xong cấp 3 thì đi học nghề. Sau đó, cả nhà chạy vạy mãi cho Hoài mới đủ tiền đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc những mong được đổi đời. Sau 2 năm làm tại Hàn, Hoài gặp và kết hôn với một người đàn ông Việt đang là nghiên cứu sinh ở đây. 

Là phụ nữ Việt, lấy chồng Việt và sống tại nước ngoài, nhưng cuộc sống của Hoài cũng chẳng dễ thở. Nguyên nhân là do nhà chồng Hoài khá bề thế. Biết Hoài chỉ là lao động xuất khẩu không phải con dâu trí thức nên nhà chồng coi thường Hoài. Đặc biệt, vì bố mẹ đẻ của Hoài ở Việt Nam nghèo nên chồng và người thân nhà chồng lúc nào cũng sợ Hoài gửi tiền về Việt Nam cho người thân.
 
Dù không ở cùng mẹ chồng tại Hàn, nhưng ngày nào cứ đi làm thì không sao, về đến nhà là cô mẹ chồng gọi điện, nhắn tin bắt online để hỏi han. Qua webcam nếu mẹ chồng thấy phòng bừa bộn sẽ soi mói và mắng Hoài lười biếng, chẳng chịu làm. Rất nhiều chuyện tương tự và hơn như vậy đã xảy ra khiến Hoài mệt mỏi.

Hoài than thở: “Chồng mình mới chỉ có của ăn của để và học hàm học vị tí thôi mà nhà chồng đã coi thường mình rồi. Không biết nếu giàu có nữa thì còn khinh mình đến đâu. Tại mình phận nghèo, ít học nên thế chăng? Mình sợ làm dâu đến tận xương tủy rồi”.

Có lúc không chịu nổi ức chế, Hoài kêu ca phận làm dâu nhà giàu buồn tủi với chồng. Chồng "học nhiều" của Hoài chẳng những không thông cảm còn quát lớn: "Đồ đàn bà, khổ một tí đã kêu. Lấy chồng giàu như nhà tôi thì cô có nhà cửa sẵn, phải chịu nhục chút chứ sao? Không lẽ lại muốn vừa lấy chồng giàu vừa được yêu thương tôn trọng à? Thế thì phải môn đăng hộ đối nhé. Đây thì sứt môi lồi rốn, khố rách áo ôm được vào làm dâu con nhà giàu thì quá tốt rồi. Sướng không biết được hưởng, được voi lại đòi Hai Bà Trưng!".



Cái giá phải trả cho những phụ nữ ham chồng giàu
Khổ và cám cảnh như lấy chồng giàu 2

Chia sẻ