Gánh nặng dâu đảm
Từ khi về nhà chồng, chị dường như không có đủ thời gian nghỉ ngơi, mỗi ngày chỉ ngủ từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ nên trông người gầy sọp hẳn đi, mặt mũi hốc hác.
"Hồi còn độc thân, sáng được ngủ một mạch đến 6,7h, cơm nước đã có mẹ nấu hoặc cùng lắm ra tiệm ăn qua quýt bát phở cho xong. Giờ về nhà chồng, vừa nhắm mắt được chút đã phải dậy dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm sẵn cho gia đình, xong đâu đó mới đưa con đi học rồi lại tất bật phóng lên công ty", Hương (nhân viên văn phòng tại quận 3, TP HCM) than thở.
Vất vả là thế song chị vẫn chưa làm vừa lòng mọi người trong nhà. Mới đây mẹ chồng còn yêu cầu chị bỏ việc cơ quan để toàn tâm chăm lo cho gia đình, chồng con. Ngán cảnh thất nghiệp phải ở nhà ăn bám, Hương không đồng ý thì lại nảy sinh mâu thuẫn với nhà chồng. Sau đó vì không muốn mang tiếng bất hiếu nên chị đành chấp nhận dừng công việc trong sự ấm ức.
Cuộc sống quanh quẩn bí bách. Đã nhiều lần Hương đề nghị chồng xin ra riêng nhưng chưa có tiền xây nhà nên cả hai đành buộc lòng tiếp tục sống chung với đại gia đình. Những lúc ngồi tâm sự về gia cảnh, chị buột miệng bảo: "Biết trước khổ thế này cứ từ từ lấy chồng".
"Đã thế còn suốt ngày nhận tin nhắn, cuộc gọi dọa dẫm từ những cô gái tự xưng là người yêu của chồng mới tức chứ. Bận rộn quá nên cũng chẳng còn thời gian để ghen... giờ chỉ mong một ngày có 28, 30 tiếng đồng hồ may ra mới đủ cho công việc", người mẹ trẻ thở dài.
Còn đối với cô Kim Dung (giáo viên dạy cấp 2 tại TP HCM) thì gánh nặng kinh tế gia đình lại khiến cô đau đầu nhất. Chồng làm nhân viên bảo vệ với đồng lương còm cõi, để có đủ tiền chi tiêu, mua sữa, đóng học cho con trong thời buổi lạm phát, ngoài việc dạy học giờ hành chính ở trường, cô còn phải tranh thủ làm thêm ở một trung tâm ngoại ngữ khác để kiếm thêm. Ngày nào cũng vậy, cô giáo ra khỏi nhà lúc 6h30 sáng và trở về lúc 8h tối, ấy vậy mà những việc lặt vặt trong gia đình nấu cơm, giặt giũ, chăm con... cũng vào tay cô.
Cô giáo chống cằm tâm sự: "Nhiều lúc chỉ muốn nhắm mắt ngủ mặc kệ mọi thứ xung quanh nhưng lại nghĩ vì chồng, vì con nên lại phải gồng mình dậy mà đi làm".
Trong những nghiên cứu về sự thay đổi vai trò của người phụ nữ, các nhà khoa học xã hội cho rằng, ở xã hội cởi mở và bình đẳng ngày nay, cơ hội thăng tiến được chia đều cho tất cả mọi người, mọi giới nên người phụ nữ hiện đại có xu hướng ra ngoài xã hội để tự khẳng định mình hơn. Vì thế mà vai trò của họ không chỉ quanh quẩn trong nhà với việc chăm con chiều chồng như xưa mà còn đảm đương nhiều vị trí quan trọng khác trong tổ chức kinh tế xã hội.
Tuy nhiên vấn đề làm sao để người phụ nữ hiện đại vừa đảm đương thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình lại vừa hoàn thành tốt vai trò ngoài xã hội dường như là rất khó. Vì thế nếu không khéo, việc xã hội tôn vinh "phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà" lại vô tình làm cho họ phải chịu cảnh "một cổ hai tròng". Khi mà áp lực nhân đôi như thế thì khó có thể gọi là "giải phóng phụ nữ" được.
Vì thế ông Văn Thanh Sĩ, Chuyên viên tư vấn văn phòng TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM cho rằng, giải pháp để "cứu" người phụ nữ ở đây chính là bổ sung thiên chức cho chồng, người con trong gia đình. "Cần phải hiểu rằng phụ nữ đi làm là để cùng người chồng gánh vác kinh tế gia đình, để không phải sống bám và cậy dựa vào người đàn ông. Vì thế ở đây người chồng, người con cần phải chia sẻ công việc trong nhà với người nữ đó là chuyện phải được chủ động thực hiện", ông bày tỏ.