Đám cưới không biết kiêng, nàng dâu khốn đốn

Theo Đang yêu,
Chia sẻ

Thanh nghe tiếng mẹ chồng nói: 'Kiểu gì nó cũng bỏ thằng Dũng mà thôi. Tội thằng Dũng, lấy vợ vài ba bữa đã khổ'.

Trót nhìn lại phía sau, nàng dâu trở thành kẻ sẽ bỏ chồng

Mới cưới nhau được 2 tháng nhưng Thanh cảm thấy vô cùng ngột ngạt khi phải sống trong sự xét nét của mẹ chồng mà nguyên do bắt đầu từ chuyện kiêng kỵ ngày cưới.

Ban đầu, Thanh thấy mẹ chồng rất hay để ý việc làm của cô, bất kể việc to đến việc nhỏ. Khi Thanh đang thu dọn quần áo, bà đứng lại xem. Mỗi lần Thanh đi chợ về, bà luôn kiểm tra thức ăn Thanh mua rồi hỏi giá cả từng loại. Thậm chí, có lần, Thanh thấy bà còn ghi lại số tiền của từng loại đồ ăn rồi cộng tổng tiền đã chi cho bữa ăn.

Chưa hết, bà còn hỏi Dũng – chồng Thanh - xem Thanh thu nhập được bao nhiêu, Dũng đưa cho Thanh bao nhiêu tiền. Thanh nghĩ có lẽ bà lo vì Thanh còn trẻ, chưa có kinh nghiệm chi tiêu nên bà biết để còn khuyên nhủ. Vậy nên cô cũng không lấy làm khó chịu.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại đó. Dù mới chỉ về làm dâu chưa đầy 2 tháng song mẹ chồng Thanh liên tục hỏi Thanh đã có bầu chưa. Khi Thanh bảo bà muốn kế hoạch một năm để ổn định công việc và chăm lo gia đình thì bà lại bảo tại sao phải làm vậy, tại sao chưa muốn có con. Bà nói Thanh có ý gì nên chưa muốn có con để đỡ ràng buộc phải không?

Trước thái độ lạ lùng của mẹ chồng, Thanh rất ngạc nhiên. Song, cô lại nghĩ, chắc bà cao tuổi rồi nên rất mong cháu bế. Với những việc soi xét của mẹ chồng, Thanh cố lý giải bằng việc bà chưa quen với việc có thêm người trong gia đình. Tuy nhiên, sau khi phát hiện được nguyên nhân thực sự của những quan tâm thái quá đó, Thanh vô cùng choáng váng.

Một lần, Thanh thu xong quần áo, định mang qua phòng cho bố mẹ chồng thì thấy trong phòng, bố mẹ chồng đang nói chuyện. Thanh nghe tiếng mẹ chồng nói: “Kiểu gì nó cũng bỏ thằng Dũng mà thôi. Tội thằng Dũng, lấy vợ vài ba bữa đã khổ”. Thanh rất bất ngờ, tự nghĩ, “nó” ở đây có phải là Thanh không? Và nếu phải thì tại sao Thanh lại bỏ chồng? Còn nếu không thì hay là chồng Thanh có bồ bên ngoài, bố mẹ chồng biết mà giấu?

Thấy vậy, Thanh im lặng, lắng nghe tiếp. Bố chồng Thanh cất tiếng: “Bà chỉ được cái nói vớ vẩn. Vợ chồng nó mới lấy nhau, bỏ gì mà bỏ”. Vậy “nó” chính là mình rồi, Thanh nghĩ và bị hút vào câu chuyện. Giọng mẹ chồng Thanh lại cất lên. Bà nói với bố chồng Thanh  rằng, nếu cô không có ý định bỏ chồng thì đã không quay đầu nhìn lại hôm đưa dâu, dù đã được dặn dò kỹ lưỡng. Chưa kể rằng, Thanh và chồng yêu nhau chưa đầy năm đã cưới.

Mẹ chồng Thanh còn phân tích những nguyên do chắc chắn cô sẽ bỏ Dũng: không muốn sinh con để khỏi ràng buộc, cất bớt tiền để làm quỹ riêng… Sau cùng, mẹ chồng Thanh kết luận là sớm muộn gì cô cũng sẽ bỏ Dũng vì mọi thứ đã được cô lên kế hoạch rất cụ thể.

Nghe những lời mẹ chồng nói, Thanh không thể tưởng tượng nổi, chỉ vì một lần lỡ vi phạm điều kiêng kỵ trong ngày cưới mà cô bị quy cho là có “kế hoạch” bỏ chồng.

Đám cưới không biết kiêng, nàng dâu khốn đốn 1
Ảnh  minh họa.

Ngày cưới, do để đúng “tiêu chuẩn” giờ đẹp như bên nhà Dũng đã xem nên lễ ăn hỏi được diễn ra vào 5h chiều ngày hôm trước, còn lễ rước dâu vào lúc 5h sáng của ngày hôm sau. Hai buổi lễ liền nhau, nhiều việc phát sinh nên dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng nhưng Thanh và Dũng vẫn bị luống cuống, vội vàng.

Những việc cần làm trong lễ rước dâu, đặc biệt là việc không được quay đầu lúc ra khỏi nhà, do khá mệt nên Thanh cũng không nhớ hết. Khi vừa ra đến cổng, Thanh chợt nhớ cái váy mặc tiếp khách vẫn đang treo trong tủ nên quay đầu bảo người bạn. Ngay lập tức lúc đó, Dũng đã kéo đầu cô quay lại phía trước nhưng vẫn bị hớ một chút. Tiếp đó, bạn của Thanh lại đặt cái va-li xuống dưới đất để mở ra tìm thử xem cái váy có ở đó chưa.

Khi rước dâu về nhà, không rõ ai đã kể cho mẹ chồng Thanh chuyện cô quay đầu lại và cái va-li đồ bị đặt xuống đất giữa đường. Chỉ biết rằng, giờ đây nó đang là lý do khiến cô trở thành nàng dâu “nhất định sẽ quay đầu về nhà mẹ”.

Có quý tử - mừng đấy nhưng vẫn phải đi cửa sau

Khác với Thanh, nỗi ấm ức của Dung từ chuyện kiêng kỵ ngày cưới lại xuất phát bởi việc cô phải đi vào nhà chồng từ cửa sau trong lễ rước dâu vì trót có bầu trước. Dung và Quang yêu nhau cũng đã lâu. Cả hai người đều có quan niệm sống khá thoáng. Chính vì thế, trước khi cưới, Quang và Dung đã chung sống được hơn 2 năm. Chỉ đến khi Dung có bầu, cả hai mới quyết định kết hôn để danh chính ngôn thuận.

Việc Dung có bầu, lại là con trai, được gia đình Quang vô cùng ủng hộ. Bố Quang là dòng trưởng, sinh được 2 anh em là Quang và Minh. Minh đã lập gia đình trước Quang 2 năm song đều sinh 2 cô công chúa. Vì thế niềm hy vọng về đứa cháu đích tôn được dồn cả vào Quang. Nay nghe tin Dung có bầu con trai, cả nhà Quang rất hoan hỉ, chuẩn bị sắm sửa lễ cưới lớn.

Dung được chăm sóc một cách kỹ lưỡng nhất. Cô không phải làm bất cứ việc gì để khỏi ảnh hưởng đến thai nhi. Mọi vấn đề trong lễ cưới đều được bố mẹ Quang cùng các cô chú bên nội lo chu đáo. Nhà Dung cũng vì thế mà rất hãnh diện, tự hào vì con gái mình được nhà nội yêu quý.

Ngày cưới đến, một đoàn xe hạng sang được thuê để rước nàng dâu quý cùng cháu đích tôn về nhà. Họ hàng bên nhà Dung cũng tấm tắc khen Dung giỏi giang, khéo kén chồng. Sau một quãng đường dài, đến nhà trai, Dung dù có bầu nhưng vẫn xinh đẹp trong chiếc váy cưới bước xuống, chuẩn bị tiến vao nhà chồng làm lễ. Thế nhưng, thay vì được đi vào cổng chính đã kết đầy hoa tươi, Dung lại thấy mẹ chồng đang đón cô bên cổng ngách. Bà cô bảo Quang dẫn Dung qua cửa bên đó. Hơi ngạc nhiên nhưng Dung cũng đi theo.

Chưa hết, không được vào gian chính, Dung được mẹ chồng dẫn luồn đi vào hẻm rồi vào nhà bằng cửa sau. Khi Dung hỏi vì sao đi cửa nay, mẹ chồng Dung khẽ khàng bảo: “Con chịu khó, theo tục lệ, con dâu có bầu trước ngày cưới phải vào nhà bằng cửa sau”. Nghe mẹ chồng nói thế, Dung vô cùng khó chịu. Cô không nghĩ mình đã làm gì sai để phải về nhà chồng bằng cửa sau – như kiểu phải đi giấu.

Chứng kiến cảnh con gái mình phải về nhà chồng bằng cửa sau, bố mẹ Dung đã rất giận. Bố mẹ Dung lại trách cô sao lại để xảy ra chuyện đó làm ông bà bị bẽ mặt với họ hàng bên ngoại. Thành ra, bên ngoại bên nội bằng mặt nhưng không bằng lòng. Và Dung cảm thấy thêm căng thẳng. Cũng bởi vậy, mặc cho ông bà nội thuyết phục Dung về nhà ở để ông bà tiện chăm sóc hai mẹ con, Dung vẫn không đồng ý.
 

Dịp Tết đến, người Việt hay có những tập tục để cả năm được vui vẻ, hòa thuận, tránh những việc "gở” sẽ mang đến xui xẻo
Đám cưới không biết kiêng, nàng dâu khốn đốn 2

Chia sẻ