Dại miệng, mất... chồng
Sau khi lập gia đình, phụ nữ hay sợ già, sợ xấu… Nỗi sợ này bắt nguồn từ sợ mất chồng. Tuy nhiên, không ít bà vợ chưa già, không xấu mà các ông chồng vẫn chạy ra khỏi nhà.
Anh Hải đang làm việc tại một viện nghiên cứu. Tuy lương ba cọc ba đồng nhưng chị Thu, vợ anh có sạp trái cây ngoài chợ nên cuộc sống không đến nỗi nào. Hồi mới lấy nhau, đi đâu chị Thu cũng khoe: “Chồng mình là cử nhân sinh học đấy!”. Đến khi có con, chị Thu phải nghỉ buôn bán để ở nhà chăm con. Trăm thứ phải chi tiêu nên tiền dành dụm nhanh chóng hết vèo.
Cảnh nhà trở nên túng thiếu nhưng vì quen với cuộc sống được vợ “bao cấp” nên anh Hải vẫn “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Mỗi tháng anh đưa cho vợ vài trăm ngàn là yên tâm. Để kiếm tiền, con mới ba tháng, chị Thu phải đem gởi bà ngoại để trở lại chợ.
Suốt ngày tất bật buôn bán, tối về lo nội trợ, chăm con … Bận rộn, vất vả quá nên chị Thu sinh ra cáu kỉnh, gặp ai cũng than thở:" Ông xã mình đúng là gà công nghiệp, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, chẳng biết làm ra tiền !”.
Nhiều khi chị chê chồng ngay trước mặt hàng xóm hay khách khứa đến nhà khiến anh Hải đỏ mặt. Không ít lần, chị khuyên chồng bỏ việc, ra chợ phụ giúp chị: “Ngồi chơi cũng gấp mấy thu nhập của anh !”. Nhưng anh Hải từ chối với lý do không rành chuyện buôn bán.
Những lời càm ràm trách móc ngày càng tăng nhưng anh Hải không muốn nhà cửa ồn ào nên im lặng. Thấy vậy, càng ngày chị Thu càng nhăn nhó. Có lần, anh ôn tồn phân bua là đã lo hết việc “nội chính”, phần chị là “ngoại vụ”. Chị xỉa xói: “Ai cần anh làm mấy cái chuyện cỏn con đó. Cứ có tiền, tôi thuê osin dư sức làm. Anh đàn ông mà chỉ biết bám váy vợ”.
Anh Hải nhìn sững chị Thu rồi khoát tay: “Từ bây giờ, chúng ta đường ai nấy đi. Tôi hết chịu nỗi một người vợ quá quắt như cô rồi”. Tưởng anh Hải nói vậy chứ đời nào dám bỏ vợ. Ai dè, ngày hôm sau, chị khóc lóc với mẹ: "Con bực, nói nặng có một câu mà ảnh cũng đành đoạn bỏ con”.
Anh Thân đạp xích lô. Cái nghề vất vả nên vào những buổi chiều, trong khi chờ vợ nấu cơm, anh hay ra quán bà Tư Ú đầu ngõ làm ly rượu, tán chuyện với “đồng nghiệp” cho đỡ buồn. Có vậy thôi mà đi đâu chị Bảy, vợ anh cũng rêu rao: “ Tui không biết cái bà mập đó có gì hấp dẫn mà ngày nào ổng cũng ra đấy “ ngồi đồng”. Có lẽ để ổng ra ngỏai ở với bả cho rồi. Thà tui không có chồng lại sướng hơn”.
Lúc đầu, thấy vợ nói, anh Thân cười giả lả, bỏ qua. Riết rồi anh nỗi cáu: “ Bà đã nói vậy thì tui làm vậy cho bà coi”. Thế là, anh Thân không chỉ “ngồi đồng” ở quán bà Tư mà nghe đồn là có khi anh còn “ ngủ đồng” ở đó ( thật ra anh không về nhà là vì chở khách Tây đi chơi đêm).
Thanh là con gái thành phố trong khi Bàng, chồng cô từ dưới quê lên học đại học rồi nhập khẩu luôn tại đây. Sống với nhau đã mấy năm rồi mà tính Bàng vẫn thế: ăn thì chỉ thích dưa cà mắm muối, mặc thì quay đi quay lại chỉ có quần âu áo sơ mi, trong khi Thanh diện ngất với đủ thứ thời trang. Lúc đầu, Thanh cũng muốn “ cải tạo” chồng. Cô mua cho Bàng đủ thứ quần gin áo pul nhưng Bàng không mặc vì “ Chật và gò bó quá !”.
Dần dần, Thanh không muốn xuất hiện bên cạnh chồng trước đám đông vì ngại mọi người xì xào bình luận. Đến bữa, Thanh bỏ công nấu mấy món cầu kỳ như cá hấp, thịt chiên nhưng ông chồng không mấy hào hứng: “Mấy thứ này sao ăn nhạt nhẽo quá ”. Bực mình, Thanh gắt: “ Sao mà anh tẩm thế !”. Bàng chỉ cười trừ.
Nhưng rồi, có lần Bàng nghe Thanh nói với mấy bà hàng xóm:“ Ông xã em vừa quê vừa đần. Em có cố lắm, có lẽ hết đời ổng cũng không khôn lên được, khổ ghê”. Tối đó, Bàng đặt trước mặt Thanh tờ đơn ly hôn:“Tôi quyết định giải phóng cho cô”
Phụ nữ thường bị đánh giá là nói nhiều. Tuy nhiên, số lượng không làm các ông chồng khốn khổ bằng chất lượng kém của lời nói. Đàn ông yêu bằng mắt, nhưng lỗ tai họ lại dễ bị “nhiễm trùng” vì những lời độc hại của bà xã.