Đại chiến gia đình vì tiền anh, tiền tôi
Quản lý tiền trong gia đình tưởng đơn giản nhưng hóa ra lại lắm chuyện rắc rối. Không ít cặp vợ chồng cãi nhau nảy lửa chỉ vì chuyện tiền nong.
Trăm nẻo quản lý tiền
Có thể dễ dàng thấy cảnh một chàng nhân viên công sở nào đó ca thán chẳng có tiền tiêu vì vợ nắm giữ thẻ ATM, nơi thanh toán tiền lương của anh. Cũng có cô vợ rơi vào tình cảnh tương tự. Nói chung, trong cuộc sống, mỗi gia đình lại có mỗi cách quản lý tiền khác nhau. Nhưng tựu chung, tạm chia ra bốn cách quản lý tiền cơ bản.
Cách thứ nhất và cũng phổ biến nhất chính là vợ nắm giữ mọi đồng to, đồng nhỏ trong gia đình. Cứ đến ngày lĩnh lương, ông chồng lại cun cút dốc ví đưa vợ, chỉ giữ lại một chút để đổ xăng và bia bọt với bạn bè.
Cách thứ hai, các ông chồng tin tưởng vào khả năng nắm giữ tài chính và ép vợ phải nộp tiền hàng tháng. Cách này không quá phổ biến nhưng cũng không phải hiếm.
Trong khi anh Thành tích cóp từng đồng, Nga lại tiêu như phá (Ảnh minh họa)
Cách thứ ba, cả hai vợ chồng cùng “đổ” lương vào két và chi tiêu chung.
Cách thứ tư là tiền anh anh mang, tiền nàng nàng vác. Cả hai chỉ góp số tiền tối thiểu để vận hành gia đình. Số còn lại vợ, chồng tự quản và chỉ “xuất” khi gia đình có việc quan trọng cần dùng tới như xây nhà, mua sắm đồ đắt tiền.
Và cách quản lý nào cũng có vấn đề khi mỗi người thiếu trách nhiệm và không biết cách sử dụng đồng tiền hợp lý. Từ đó dẫn đến những cuộc chiến không đáng có trong gia đình.
Hãy cùng Afamily đi sâu vào 4 cách quản lý tiền nêu trên để từ đó rút ra kinh nghiệm cho việc quản lý tiền trong gia đình.
Chồng tích cóp, vợ tiêu như phá
Là một chuyên gia công nghệ thông tin nổi tiếng, anh Thành luôn nằm trong tầm ngắm của các "head-hunter". Vì vậy, thật dễ hiểu khi tiền lương hàng tháng của anh không bao giờ dưới 50 triệu đồng. Chị Nga vợ anh vốn tốt nghiệp loại giỏi trường Ngoại Thương nhưng vì dành nhiều thời gian cho con cái nên chị bằng lòng với công việc của nhân viên quèn lương 7 triệu. Thấy vợ là người học kinh tế nên anh rất tin vào khả năng quản lý tài chính gia đình của chị. Lương hàng tháng, anh chỉ giữ lại một ít để chi tiêu tằn tiện. Số còn lại anh giao cho vợ và không bao giờ căn vặn xem số tiền đó bây giờ ra sao.
Thấy chồng tin tưởng, chị Nga cũng vui lắm. Ban đầu, chị cũng tính toán trích ra một phần lương để chi tiêu cho gia đình. Phần thừa ra chị mang gửi tiết kiệm. Nhưng từ ngày chị chuyển sang công ty mới với môi trường mới, chị sớm lây tính cách ăn chơi, đàn đúm của các bà, các cô đại gia. Quần áo chị không may nữa mà xài toàn hàng hiệu, giày dép hay phụ kiện cũng vậy. Số lương ít ỏi không đủ cho chị sắm một chiếc túi xách mới. Và tất nhiên, chị tiêu lẹm vào lương của chồng. Số tiền tiêu lẹm đó ngày càng lớn dần, tới mức chị không kiểm soát nổi. Mà chị cũng không buồn kiểm soát. Cứ sẵn tiền chồng đưa là chị tiêu thôi.
Anh Thành tin tưởng vợ nên không bao giờ hỏi han chuyện tiền nong. Thế nên, trong một lần đi công tác, anh tá hỏa khi nhận được điện thoại của vợ hỏi tiền. Cô con gái của anh phải đi cấp cứu mà trong túi chị không còn xu nào. Lúc đó, anh mới hỏi tiền đâu, chị thản nhiên nói chi tiêu cho gia đình, mua sắm các vật dụng. Anh Thành cố nhớ xem chị đã mang về những gì cho gia đình. Nhưng cộng lại, tất cả chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số tiền anh kiếm được.
Không “tự nguyện” như anh Thành, anh An lại bị ép nộp tiền. Mặc dù là sếp “hét ra lửa” ở cơ quan, nhưng cứ về đến nhà, anh An lại bị vợ thu hết tiền và thẻ. Vì làm cùng cơ quan nên chị nắm rõ mọi khoản thu nhập của anh. Mỗi tháng, chị chỉ cho anh 2 triệu tiêu vặt. Nếu muốn mua sắm đồ dùng đắt tiền như điện thoại, Ipad,… anh phải “xin”. Vợ có duyệt anh mới được mua.
Đại chiến gia đình vì tiền
Con khỏi ốm, anh Thành gọi vợ ra nói chuyện. Anh bắt chị “giải trình” các khoản chi tiêu trong suốt thời gian qua. Nhưng chị Nga không biết nói thế nào vì đồ dùng gia đình mà chị sắm có đáng bao nhiêu đâu. Tất cả số tiền còn lại chị dành cho hàng hiệu, du lịch, ăn uống. Hàng hiệu chị có thể bỏ ra đếm chứ du lịch, ăn, uống, chơi bời chị làm sao mà nhớ nổi.
Mỗi gia đình lại có một kiểu quản lý tiền khác nhau (Ảnh minh họa)
Anh Thành ra tối hậu thư, nếu chị Nga mà không giải trình được thì không xong với anh. Kể từ hôm đó, anh Thành không đưa cho chị đồng nào nữa. Tiền học, chi phí cho con, anh tự lo, chi tiêu trong gia đình, chị Nga dùng bằng lương của chị. Cuộc sống gia đình căng như dây đàn. Anh vẫn chưa chịu tha thứ mặc dù chị hết lời van xin anh bỏ qua với lời hứa sẽ sửa đổi.
Có một điều chị Nga không biết, anh Thành chỉ tâm sự với bạn. Một phần anh trách chị ăn tiêu quá trớn, một phần anh nghi ngờ chị lấy tiền của anh... nuôi trai. “Chứ không thì làm sao mà tiền bốc hơi nhanh thế. Bố mẹ cô ấy giàu, không cần cô ấy phải chu cấp. Số hàng hiệu mà cô ấy sắm cũng chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số tiền tôi kiếm được. Vậy thì không cho trai thì làm gì?”.
Anh An cũng có nỗi niềm riêng của mình. Đôi khi anh được thưởng cả chục triệu đồng, nhân viên đòi khao nhưng lại đúng vào giữa tháng nên anh chỉ còn vài trăm ngàn. Về xin vợ thì vợ không cho, tiền thưởng lại chuyển vào ATM vợ giữ. Thế nên anh đành xù nợ. Các nhân viên thừa hiểu tình cảnh của anh nhưng họ vẫn cố tình trêu chọc. Ức chế, anh về cằn cằn vợ. Thế là gia đình không lúc nào không có biến cố.
Tâm sự với một người bạn thân, anh An nói: “Nhục lắm rồi chú ạ. Tôi sẽ phải giành lại quyền làm chủ đồng tiền. Bây giờ muốn có tiền bia bọt với chú cũng khó. Mà chả hiểu mụ ý cứ đòi nắm tiền làm gì”.