Chồng… đeo tạp dề

Cẩm Vân,
Chia sẻ

Tiếng chuông điện thoại át đi câu chuyện đang hồi rôm rả của hai vợ chồng. Tùng cầm máy đứng phắt dậy, đi ra ngoài. Lát sau, Tùng trở lại, anh cầm tay Hạnh đặt vào đó chiếc tạp dề rồi, nét mặt anh nghiêm lại, anh “e hèm” một tiếng lấy giọng rồi mỉm cười: “Anh nhường quyền quản lý nhà bếp cho em đấy”. Rồi chạy biến vào phòng ngủ.

Tùng huơ huơ bó rau trên tay, nhanh nhảu mặc cả: “Bó rau bé tẹo thế này mà những năm nghìn, chín nghìn hai mớ thì bán cho anh. Gớm, cứ thấy khách quen lại lèn nhau đau đấy à, cho vào túi đi nhanh cho anh còn về không về vợ anh mắng anh chết!”. Cô hàng rau liếc mắt chọc ghẹo: “Phải gió cái nhà anh này, chỉ được cái dẻo miệng”. Tùng cười tủm, nhét túi rau vào giỏ xe rồi lúi húi sắp lại mấy cái bọc to, bọc nhỏ lỉnh kỉnh những đồ lặt vặt. Xong xuôi, Tùng giơ cánh tay lên xem đồng hồ rồi sấp ngửa phóng xe đến trường đón con.

Đường phố giờ tan tầm đông nghẹt những người, hai bố con Tùng về đến nhà thì đã sâm sẩm tối. Hạnh vẫn chưa đi làm về. Tùng nhanh nhẹn xách đồ vào bếp, miệng thúc giục: “Con nhanh lên gác thay đồ rồi đi tắm rửa nhé, bố còn nấu cơm”.

Hạnh về nhà vừa lúc mâm cơm tươm tất đã dọn sẵn sàng, mùi thức ăn thơm nức làm cái bụng đang đói mềm của Hạnh sôi lên sùng sục. Hạnh mỉm cười chạy vào bếp, ngắm chồng quấn tạp dề quanh bụng, bàn tay khéo léo rửa từng chiếc bát đĩa bẩn trong bồn, miệng huýt sáo vui vẻ. Bao mỏi mệt dường như bay biến cả. Hạnh khoanh tay trước ngực, trêu chọc: “Chà chà, cái tạp dề này ngày càng hợp với anh đấy. Anh thấy không, đàn ông nội trợ cũng đâu có tệ, nhỉ?!”. Tùng làm bộ tội nghiệp quay đầu nhìn vợ: “Cái số tôi nó vất vả thế đấy. Ra ngoài đi làm thì không ngửa mặt lên được, giờ ngồi nhà thì tề gia nội trợ cũng chả sướng. Không vì vợ, vì con, cái thân xác này xin gửi lên cửa Phật, chỉ quét lá chùa thôi cũng cam lòng”. Hạnh phá lên cười, tiến gần lại, giật tay chồng: “Thôi cho em xin, gớm làm giúp vợ có thế mà đã than vãn. Đùa vậy, chứ cứ để bát bẩn đấy tí ăn xong em rửa luôn thể”. Tùng hất tay vợ ra, cười hiền: “Thôi em đi tắm đi. Anh rửa đỡ, tí em làm nốt. Nhất vợ nhé, tối nhớ bù đắp cho anh!”.
 

Hạnh đứng im nhìn chồng trong giây lát, cô vòng tay ôm ngang lấy thân hình của chồng thì thầm: “Anh chịu khó thời gian nữa, chờ đợi cơ hội khác. Không làm chỗ này thì mình làm chỗ khác tốt hơn. Cứ coi như anh đang đi nghỉ dưỡng ở nhà đi. Không được suy nghĩ lung tung đấy nhá!”, Tùng cười xòa, gật gù, vỗ vỗ bàn tay vợ ra điều đồng ý.

Tùng vốn là người nhanh nhẹn, hoạt bát, xông xáo trong công việc, nhưng phải cái tính không biết lựa, không biết nịnh. Ma xui quỷ khiến thế nào lại gặp phải ông sếp không ưa người năng nổ, chỉ thích nịnh bợ. Vị trí của Tùng nhanh chóng bị thay thế bởi người khác. Ngày Tùng bất mãn xin nghỉ việc, Hạnh cũng nén vào lòng nỗi lo lắng cho kinh tế gia đình, ra sức động viên và khích lệ chồng.

Hạnh đứng dậy thu dọn bát đũa, tay xoa xoa bụng, hài lòng: “Chồng mình đã đi chợ giỏi, lại còn nấu cơm ngon tuyệt. Anh cứ ở nhà thế này, chắc em tăng cân mất thôi”. Tùng ưỡn ngực, tự hào kể: “Chứ còn gì nữa. Hôm nay anh đi chợ, tiết kiệm được những 10 nghìn so với tiêu chuẩn nhé! Bà Thoa hàng xóm cứ tò mò hỏi anh giá từng thứ thức ăn một, anh nói xong, bà ấy tròn mắt tấm tắc khen mãi là anh đi chợ giỏi, toàn mua được rẻ”. Hạnh còn nhớ ngày nào Tùng còn đỏ mặt xấu hổ vác xe đi chợ rồi lại rong xe về, chẳng mua được thứ gì khiến Hạnh bực dọc, gắt lên: “Anh thật là… có tiền trong tay, chỉ việc đi mua đồ về mà cũng không làm được. Anh ăn cắp ăn trộm gì mà phải xấu hổ nào…” ấy thế mà đến giờ Tùng đã trở thành người đàn ông tề gia nội trợ xuất sắc đến vậy, cô phì cười: “Cái này thì em ghi nhận. Giờ anh đã thành chuyên gia của những thịt cá mắm muối rồi, có khi còn giỏi hơn cả em nữa ấy chứ.” Tùng vui sướng như một đứa trẻ vừa được khen ngợi, nhanh tay giật lấy chiếc tạp dề vợ đang mặc, quàng luôn vào người: “Mấy khi được vợ khen, hôm nay để anh chứng tỏ nốt bản lĩnh cho mà xem”.

Tiếng chuông điện thoại át đi câu chuyện đang hồi rôm rả của hai vợ chồng. Tùng cầm máy đứng phắt dậy, đi ra ngoài. Lát sau, Tùng trở lại, anh cầm tay Hạnh đặt vào đó chiếc tạp dề rồi, nét mặt anh nghiêm lại, anh “e hèm” một tiếng lấy giọng rồi mỉm cười: “Anh được nhận việc rồi, chỗ anh phỏng vấn lần trước ấy. Thôi, từ nay anh nhường quyền cho em quản lý nhà bếp, anh còn việc đại sự cần làm”. Rồi chạy biến vào phòng ngủ. Hạnh tần ngần mặc lại tạp dề vào người. Cái cảnh tượng tối tối chồng ngồi ôm ghì lấy chiếc máy tính lại hiện về rõ mồn một trước mắt. Hạnh thở dài: “Ước gì chồng thất nghiệp thêm thời gian nữa” rồi vội vàng vỗ tay vào miệng: “Phỉ phui, phỉ phui”.

Chia sẻ