Cay cực vì bố chồng

Tuệ Nhi,
Chia sẻ

Trên thực tế, không chỉ có mẹ chồng mới gây khó dễ cho con dâu, đôi khi, sự khó tính và gia trưởng của những ông bố chồng còn đáng sợ hơn rất nhiều.

Xưa nay người ta thường chỉ nghĩ mối quan hệ với mẹ chồng mới là nỗi lo sợ của những nàng dâu. Thế nhưng có nhiều ông bố chồng khiến cho cuộc sống của các cô con dâu trở nên cay cực, khốn đốn.

Bố chồng khó tính

Khi được hỏi về việc làm dâu, chị Thanh (Hà Đông – Hà Nội) không giấu nổi sự bức xúc và mệt mỏi. Điều đáng nói là ở chỗ không phải những khó khăn đó xuất phát từ mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu mà lại từ người bố chồng gia trưởng, khó tính. Thậm chí mẹ chồng chị còn rất hiểu và thương chị vì phải làm dâu một ông bố chồng khó chịu.

Trong công việc nhà, chị Thanh hãi hùng nhất là việc chuẩn bị bữa cơm. Với người khác đó là công việc thường ngày và đơn giản nhưng với chị Thùy nó chẳng khác nào cực hình vì sự khái tính của bố chồng trong việc ăn uống. Theo chị Thanh chia sẻ, chị đi làm cả ngày nhưng bố chồng chị có một quy tắc đúng 7h là phải ăn cơm tối tuyệt đối không được phép sai lệch. Bởi thế, cứ tan sở là chị “ba chân bốn cẳng” lao về nhà lo chuẩn bị cơm. Mà bữa ăn của nhà chị theo tiêu chuẩn của bố chồng nào phải đơn giản. Mẹ chồng thương chị đi làm về vất vả, muốn phụ giúp con dâu thì bố chồng chị quát mắng: “Đó là việc của con dâu, bà đừng có đụng tay vào, nuôi con bao nhiêu năm trời tới già lại phải đâm đầu vào bếp, để con dâu làm vương à?”. Nghe những lời đay nghiến cay nghiệt của bố chồng, chị Thanh vừa nấu cơm vừa trào nước mắt vì tủi thân.
 

Chị Thanh xác định chẳng thà cố gắng tự mình làm hết mọi việc chứ để mẹ chồng giúp mà bố chồng biết được còn khổ hơn vì phải nghe những lời nặng nề đầy ức chế. Không chị vậy, việc nhà thứ gì bố chồng chị cũng yêu cầu phải chỉn chu tới hoàn mĩ: “Đàn bà mà không lo được cho gia đình thì là đồ bỏ đi, nhà này cũng không cần loại con dâu như thế đâu”. Hễ điều gì đó chị làm chưa vừa ý, thì bất chấp đó là lúc chị vừa đưa được miếng cơm lên miệng hay có bạn bè của chồng tới chơi bố chồng chị cũng không tiếc lời mắng nhiếc. Thấy con dâu bị ấm ức, mẹ chồng chị ngoài việc lẳng lặng giúp con chỉ biết ngậm ngùi an ủi: “Mẹ biết con về làm dâu nhà này không dễ dàng, sung sướng gì. Bố con tính tình như thế bao năm qua mẹ biết. Thôi thì vì chồng hãy cố gắng lên con nhé. Mẹ cũng không làm gì hơn được, cả đời mẹ đã quen như thế mất rồi”.

Chị Thanh không giấu được những giọt nước mắt, nghẹn ngào tâm sự: “Mình biết cả mẹ chồng và chồng đều thương mình, nhưng quả thực bố chồng mình quá tai quái. Nhiều lúc mình cũng muốn vùng lên nhưng lại thấy mình quá đơn độc trong ‘cuộc chiến’ đó. Bao năm qua cả mẹ và chồng đều đã quen với sự ‘thống trị’ độc đoán của bố nên cả hai sống trong cam chịu. Mình cũng không thể nào làm khác đi được, đành tự an ủi mình sống tốt thì có ngày cũng được đền đáp mà thôi. Cũng may, chồng mình hiểu được sự khổ sở của mình nên rất yêu thương, giúp đỡ và động viên mình”.

Bố chồng làm mất hòa khí với thông gia

Chị Nhung (Kim Giang - Hà Nội) cũng phải khóc dở mếu dở vì bố chồng nhưng trường hợp của chị có phần éo le hơn vì bố chồng còn gây ra mối bất hòa giữa hai gia đình thông gia. Ngoài tính gia trưởng, độc đoán bố chồng chị còn thêm tính keo kiệt. Cuộc sống hàng ngày với đủ áp lực từ việc chê bai, dè bỉu chưa đủ, bố chồng chị còn can thiệp vào việc chồng chị Nhung phải đối xử với bố mẹ vợ như thế nào.

Theo chị Nhung chia sẻ, mỗi lần bố mẹ đẻ chị sang chơi thăm cháu, bố chồng chị chỉ như muốn làm mất thể diện của thông gia. Câu chuyện giữa hai gia đình không bao giờ được vui vẻ, bố chồng chị chỉ câu trước câu sau là mai mỉa: “Thật tôi không biết ở nhà ông bà dạy bảo cái Thanh thế nào chứ nó về nhà này vụng quá thể. Nhiều khi tôi phát chán không thèm nói, ông bà liệu liệu dạy bảo thêm nó đi chứ làm dâu mà thế thì tệ quá”. Bố mẹ chị Nhung nhiều lần bị làm cho bẽ mặt dần dần không ghé qua nữa vì cảm thấy ức chế trước thái độ của ông thông gia.
 
 
Không chỉ có vậy, việc hiếu nghĩa của vợ chồng chị Nhung với bố mẹ vợ bố chồng chị cũng can thiệp. Khi bố chị ốm, chồng chị bàn biếu bố chút tiền để bố tẩm bổ, bồi dưỡng. Số tiền cũng không nhiều nhặn là mấy nhưng bố chồng chị cũng ngăn bằng được: “Già rồi ốm đau là chuyện thường tình, tới thăm là được rồi, sao phải tiền nong, quà cáp làm gì. Còn nhiều lần khác phải ốm, vợ chồng anh chị có đủ tiền mà biếu suốt lượt không?”. Nghe bố chồng nói mà chị ức đến tận cổ. Cuối cùng vợ chồng chị lại phải cho giấu cho giếm.

“Ở nhà chồng mình phải làm đủ việc để vừa ý bố mẹ chồng mà vẫn bị chê bai, vậy mà khi bố mình ốm đau muốn chăm lo cho bố một chút cũng không được. Ngày lễ, ngày Tết vợ chồng đều tính toán biếu quà bố mẹ hai bên như nhau. Nhưng quà bên nhà chồng thì không sao, bên nhà mình là y như rằng bố chồng mình cũng tính toán ‘sao phải đi nhiều thế làm gì, đời bố đi làm rể không bao giờ phải quà bánh thế này, đúng là vẽ chuyện’. Thái độ của bố chồng mình khiến không chỉ mình ức chế mà bố mẹ mình cũng tủi” – chị Nhung búc xúc nói.

Khi mẹ chồng khó tính nhưng bố chồng là người hiểu biết để điều tiết cách ứng xử của các thành viên trong gia đình còn dễ sống. Nhưng khi sự thái quá lại đến từ người đứng đầu, trụ cột trong gia đình là bố chồng thì mọi việc trở nên khó khăn hơn nhiều. Tất nhiên, những nàng dâu không may rơi vào hoàn cảnh như thế sẽ rất khốn khổ và chịu nhiều ấm ức. Theo các chuyên gia tâm lí cách tốt nhất để giải quyết vấn đề đó là những người chồng phải có tiếng nói, điều chỉnh cách ứng xử của mọi người trong gia đình để tránh cho vợ sự ức chế do phải chịu đựng quá nhiều. Những ông chồng hãy khéo léo phân tích và yêu cầu bố mình nên thay đổi một chút quan điểm, suy nghĩ đồng thời phải hiểu và động viên vợ để cô ấy không thấy mình đơn độc.

Chia sẻ