Tình trạng học sinh đánh hội đồng bạn học - trách nhiệm thuộc về ai?
Tình trạng bạo lực học đường liên tiếp diễn ra khiến dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ và có cả tâm trạng lo lắng. Nguyên nhân của thực trạng này là gì? Trách nhiệm thuộc về ai? Làm thế nào để ngăn chặn?
Cuối tháng 6 năm ngoái, tại khu vực nhà vệ sinh của một bể bơi ở Khu đô thị Lò Gạch, xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Do mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh lớp 8 bị nhóm nữ sinh đưa vào nhà vệ sinh hành hung, dùng tay chân và dép tấn công vào người. Vụ việc có người quay clip đưa lên mạng xã hội.
Trung tuần tháng 12, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại hình ảnh một nữ sinh lớp 9 bị nữ sinh khác lớp dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào vùng đầu ngay trước cổng Trường THCS Phùng Giáo (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Khi mũ rơi xuống đất, nữ sinh trên vẫn hung hăng xông vào túm tóc dùng tay đánh vào mặt rồi kéo nữ sinh kia xuống ruộng, tiếp tục hành hung trước sự thờ ơ vô cảm của nhiều người xung quanh.
Cuối tháng 10, một học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Văn Rành (TP Tân An, tỉnh Long An) đã bị một nhóm bạn cùng trường đánh do mâu thuẫn. Sau đó, em học sinh này đã được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An cấp cứu rồi chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không qua khỏi.
Do mâu thuẫn cá nhân, trong quá trình chống đỡ màn đánh hội đồng của đàn anh lớp 12, nam sinh lớp 11 đã dùng dao mang sẵn đâm một nhát khiến 1 nam sinh lớp 12 tử vong. Gây án xong, đối tượng được gia đình vận động nên đã đến cơ quan Công an đầu thú.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện ba clip ghi lại cảnh một nữ sinh lớp 6 Trường THCS Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa bị một nhóm bạn túm tóc đánh hội đồng, trong đó có hai clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng tại một bãi đất trống và một clip dài hơn 11 phút ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh tại nhà riêng. Mặc dù em học sinh này gào khóc, van xin nhưng vẫn bị nhóm bạn đánh tới tấp. Điều đáng nói là clip cũng ghi lại có sự chứng kiến của nhiều học sinh nhưng không ai vào can ngăn, thậm chí còn có hành động cổ vũ, hò reo, đồng thời quay clip đưa lên mạng. Theo lời kể của gia đình nạn nhân, các bạn đánh em tới ngất, sau đó chườm đá cho tỉnh, cho uống sữa và rồi lại tiếp tục đánh. Hành vi này khiến nhiều người không khỏi rùng mình vì tính chất côn đồ ở học sinh lứa tuổi còn nhỏ.
Đây chỉ là một vài vụ việc trong số rất nhiều vụ bạo lực học đường đã xảy ra trong thời gian qua khiến bất cứ ai cũng cảm thấy đau xót. Thực tế này cũng cho thấy tình trạng bạo lực học đường hiện nay thật sự rất đáng báo động. Không chỉ gia tăng về số lượng mà tính chất còn ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng này là do yếu tố giáo dục gia đình, khi bố mẹ lao vào làm kinh tế bỏ bê con cái. Bên cạnh đó, mạng xã hội ngày càng phát triển, các em được tiếp cận nhiều nguồn thông tin và những clip ẩu đả, đánh nhau của các bạn học sinh khác được tung lên mạng không được kiểm soát khiến các em học cách hành xử, ứng xử không đúng.
Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như chỉ là chuyện va chạm trong lúc các em học sinh chơi đùa giờ ra chơi, nói xấu nhau, không cho nhau xem bài, thậm chí có cả lý do nhìn thấy không vừa mắt… Tuy nhiên, hậu quả của nó lại vô cùng nặng nề.
Nếu như trước đây, chúng ta chỉ thấy những vụ ẩu đả của nam sinh, thì nay ngày càng nhiều những vụ bạo lực thậm chí là tra tấn học đường của các em nữ sinh. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, nước ta đang là một trong những nước đứng đầu về bạo lực học đường. Cũng theo một thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, cứ khoảng 5000 học sinh thì lại có 1 vụ đánh nhau và khoảng 11.000 học sinh lại có một em phải nghỉ học vì đánh nhau. Hiện nay, tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Trong khi đó hầu hết, các hình thức xử lý chủ yếu là cảnh cáo, hạ hạnh kiểm, nặng thì đình chỉ học tập một thời gian… nên các em không cảm thấy sợ. Và nếu có xử lý vi phạm hành chính thì bố mẹ, người giám hộ các em lại là người phải gánh chịu thay. Chính vì vậy, cần phải giáo dục trẻ hướng thiện, tự vệ biết cách xử lý trước tình huống nguy cơ có thể của bạo lực học đường. Đồng thời cũng cần phải giám sát chặt chẽ trẻ để có sự ngăn chặn kịp thời, Luật sư Phạm Văn Liêm, Công ty Luật TNHH Nước Việt - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Đối với những vụ bạo lực học đường thể hiện tính côn đồ, hung hãn như vụ việc ở Thanh Hóa vừa qua thì chúng ta cũng cần có biện pháp giáo dục mạnh hơn nữa mới đủ sức răn đe để những sự việc đau lòng như vậy không tái diễn. Cùng với đó, cần lên án mạnh mẽ sự thờ ơ của những em học sinh khác. Thay vì ngăn chặn thì các em lại cổ vũ, rồi quay clip tung lên mạng xã hội… Nếu như chúng ta không có những biện pháp mạnh thì con đường trở thành tội phạm của vị thành niên có lẽ là khoảng cách không xa.
Có thể nói hiện nay, bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn nhức nhối đối với giáo dục, xảy ra rất nhiều học sinh từ mọi lứa tuổi. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và giáo dục nhận thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho các em để ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường./.