Tình cờ xem 1 đoạn phim Sex Education, tim tôi như thắt lại: Ngẫm chuyện nhà mình, tôi mới nhận ra mình vô tâm với con đến thế!

Thanh Hương,
Chia sẻ

Càng xem phim, tôi càng nhận ra cái sai của mình trong chuyện dạy con.

Gần đây, tôi tình cờ xem được 1 đoạn phim Sex Education trên Facebook Watch. Đó là phân cảnh khi mẹ của nam chính Otis sinh con và gặp biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Khi sức khỏe của mẹ đã ổn định, Otis đã bật khóc và thừa nhận: "Con nhận ra rằng... con vẫn thường cư xử như một đứa trẻ, và con chỉ đang giả vờ là mình trưởng thành. Con vẫn cần mẹ".

Vì một đoạn ngắn đó mà tôi đã tìm cả bộ phim để xem. Trong phim, Jean Milburn - mẹ của Otis là một chuyên gia trị liệu tình dục, bà thường hay can thiệp quá mức vào chuyện của con trai, khiến cậu nhiều khi khó chịu. Bình thường, Otis cư xử khá trẻ con khi ở bên mẹ và không cởi mở với bà nhiều, vì cậu bé cảm thấy mình đã độc lập hoặc nghĩ rằng mẹ sẽ phân tích tâm lý mình. Tuy nhiên, thời khắc chứng kiến mẹ gặp nguy hiểm, Otis mới nhận thấy mình chưa thực sự trưởng thành. Cậu cần mẹ và lo sợ mất mẹ đến nhường nào.

Tình cờ xem 1 đoạn phim Sex Education, tim tôi như thắt lại: Ngẫm chuyện nhà mình, tôi mới nhận ra mình vô tâm với con đến thế! - Ảnh 1.

Otis nhận ra cậu cần mẹ đến nhường nào

Bản thân cũng là một người mẹ, khi xem đến cảnh đó, tôi đã xúc động vô cùng, và tôi cũng chợt nhận ra, mình đã quá vô tâm với đứa con gái bé bỏng của mình. Con tôi năm nay học lớp 12. Nếu Otis tự cho mình đã trưởng thành nên nhiều khi phớt lờ sự giúp đỡ của mẹ thì tôi lại là người mẹ có phần "phớt lờ" con vì cho rằng, con đã lớn, phải học cách tự giải quyết các vấn đề của mình. Tôi cho rằng, đó là một cách để dạy con tự lập.

Tôi tự hào khoe khoang với bạn bè, hàng xóm rằng: "Em chẳng phải lo gì cho cái H. Nó người lớn lắm"!

Có lẽ đó chính là nguyên do, con gái tôi từng bóng gió nói rằng: "Nhiều khi con cứ cảm thấy mình đơn độc", hay có lần khi tôi khoe khoang, con nói: "Con cũng không người lớn lắm đâu mẹ ạ".

Tôi chợt nhớ có những lần con tôi ngập ngừng muốn nói gì đó với mẹ nhưng rồi lại thôi. Càng suy nghĩ, tôi càng thấy tim mình thắt lại và khóc nức nở. Quả thực, tôi đã dạy con theo kiểu quái đản và rất vô tâm với con. Chắc hẳn đã có những giây phút con rất muốn tâm sự, nhận được sự hỗ trợ từ mẹ.

Một tình huống trong phim Sex Education, tuy rất nhỏ nhưng đã khiến tôi nhận ra: Trẻ trưởng thành không đồng nghĩa với việc không cần cha mẹ. Dù con cái ngày càng lớn, có vẻ độc lập hơn hoặc cố gắng thể hiện mình đã trưởng thành, điều đó không có nghĩa là chúng không cần sự hỗ trợ, tình yêu thương và sự hướng dẫn của cha mẹ.

Như Otis thừa nhận rằng mình vẫn "cư xử như một đứa trẻ" trong nhiều tình huống, hay khi con gái tôi bóng gió nói con vẫn chưa "người lớn lắm", mọi người trẻ đều có lúc yếu đuối và mong muốn tìm chỗ dựa. Là cha mẹ, chúng ta nên duy trì sự hiện diện tích cực trong cuộc sống của con, không chỉ là người giám sát mà còn là người bạn đồng hành, sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ con khi cần.

Sự trưởng thành không xảy ra ngay lập tức mà là một hành trình dài. Trong hành trình này, con cái có thể mắc sai lầm, bối rối và cần thời gian để hiểu rõ bản thân. Chúng ta cần kiên nhẫn, khích lệ và chấp nhận rằng việc con cái đôi khi "giả vờ trưởng thành" là một phần tự nhiên của quá trình phát triển.

Tôi cũng nhận ra rằng: Dù trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, tình yêu thương và sự thấu hiểu từ cha mẹ luôn là điều quý giá. Đây là nền tảng vững chắc giúp con tự tin đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.

Sau khi xem xong bộ phim, tôi đã quyết định xin lỗi con. Tôi mong con tha thứ vì tôi cũng là lần đầu làm mẹ, không thể tránh khỏi những sai lầm, nhưng tôi luôn sẵn sàng sửa đổi sai lầm của mình, cũng như luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng con trên chặng đường trưởng thành.

Con gái tôi đã rất bất ngờ và xúc động sau khi nghe lời xin lỗi của mẹ. Giống như hai mẹ con Otis, chúng tôi cũng có những lúc mâu thuẫn, nhưng tôi tin rằng, tình yêu thương, sự thấu hiểu, biết sai và sửa sai sẽ giúp chữa lành mối quan hệ và gia đình sẽ càng gắn kết hơn.

Chia sẻ