Tin vui: Rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 'made in Việt Nam'
So với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị triển khai, rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu vắc xin Nano Covax "made in Việt Nam" phòng COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình.
Đây là khẳng định của TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin tại cuộc họp nghe Bộ Y tế báo cáo về tình hình, tiến độ sản xuất vắc xin trong nước diễn ra chiều 19/2, tại Trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các lực lượng đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 ở trong nước, trong đó, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã hoàn thành tốt giai 1, đảm bảo tính an toàn, sinh kháng thể phòng bệnh, chống được SARS-CoV-2. Do đó, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã thông qua việc tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 trên 560 người, ngay trong tuần tới.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, đến nay Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã hoàn thành tiêm mũi thứ 2 và lấy máu 7 ngày sau tiêm mũi 2 để đánh giá tính sinh miễn dịch cho 60 tình nguyện viên được tiêm ở 3 mức liều: 25mcg, 50mcg và 75mcg.
Với kết quả nghiên cứu ở cả 3 mức liều tiêm, văc xin ngừa COVID-19 Nano Covax an toàn, sinh miễn dịch tốt, không có biến cố bất lợi. Biểu hiện như sưng nóng, đỏ đau tại vết tiêm đều nằm trong dự đoán; đều tự khỏi, không cần can thiệp thuốc hoặc các biện pháp y tế khác.
Tại cuộc họp của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia diễn ra vào sáng nay, đã tiến hành đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vắc xin Nano Covax để chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
“Quan điểm là phải đảm bảo quy trình khoa học, quá trình nghiên cứu an toàn tuyệt đối cho các đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, những dữ liệu liên quan đến khoa học, đảm bảo hướng dẫn chung của thế giới, đặc biệt Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các quy trình nghiên cứu và thực hành lâm sàng tốt. Những kết quả nghiên cứu không chỉ phục vụ cho việc sử dụng vaccine trong nước mà còn được công bố ra nước ngoài” -TS Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, TS Nguyễn Ngô Quang cho biết, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 được tổ chức tại 2 điểm cầu: Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia vào nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Qua tính toán sơ bộ ban đầu, việc nghiên cứu tại 2 địa điểm có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, còn 3 tháng thay vì 6 tháng. Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 đối tượng tại Bến Lức, tỉnh Long An.
TS Nguyễn Ngô Quang mong muốn, ngay trong đầu tuần tới, có thể sàng lọc, chọn lựa ngay đối tượng đủ tiêu chuẩn, đáp ứng cỡ mẫu của tiến độ giai đoạn 2.
Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vắc xin đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An; đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 3/2021 sẽ tiêm mũi vắc xin thứ 2. Đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch, sẽ chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5/2021.
Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia cũng đã xem xét kỹ hồ sơ, kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 để rút lại liều tối ưu bởi giai đoạn này đang đề xuất 3 mức liều. Tuy nhiên, các dữ liệu hiện nay chưa có sự khác biệt giữa 3 mức liều, do vậy, Hội đồng nhất trí, giai đoạn 2 vẫn triển khai 3 mức liều như giai đoạn 1 để đảm bảo tính khoa học cũng như không mất liều tối ưu; đồng thời sẽ cộng thêm một nhóm “placebo” (nhóm người không tiêm vắc xin) để làm kết quả đối chứng, đánh giá hiệu quả, phân tích khoa học của vắc xin.
Theo đó, hai nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Quân y cam kết, từ nay đến cuối tháng 4/2021 sẽ hoàn thiện toàn bộ nghiên cứu giai đoạn 2 để đến đầu tháng 5/2021, có dữ liệu nghiên cứu, làm cơ sở cho Hội đồng xem xét, có thể chuyển sang giai đoạn 3.
Giai đoạn 3 giữ nguyên nguyên tắc, tuân thủ theo đúng các quy định, với cỡ mẫu khoảng từ 10.000 đến 15.000 đối tượng tham gia nghiên cứu, có thể mở rộng việc lựa chọn các đối tượng tham gia để đảm bảo tính phổ rộng cũng như những vấn đề liên quan đến tính khoa học.
Với tiến độ triển khai như hiện nay, ông Nguyễn Ngô Quang hy vọng, Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3. Như vậy, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.
Cùng với đó, tiến độ sản xuất vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Bộ Y tế và vắc xin của Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang tiến hành theo đúng kế hoạch, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Thống nhất với ý kiến của ông Nguyễn Ngô Quang, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, giai đoạn 1 chủ yếu đánh giá tính an toàn của vắc xin, thăm dò tính đáp ứng miễn dịch, không khẳng định mức liều tiêm trong giai đoạn 2.
Đối với vắc xin Nano Covax, 60 tình nguyện viên an toàn, không có biến cố nặng. Hiệu quả kháng thể tăng gấp 4 lần, đáp ứng 90% khả năng trung hòa của kháng thể với virus.
Bên cạnh đó, sau khi thực hiện giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá các chỉ số miễn dịch kỹ hơn đối với miễn dịch dịch thể (kháng thể) mà đánh giá miễn dịch tế bào để kiểm tra khả năng đáp ứng của vaccine. Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã thông qua việc tuyển chọn tình nguyện viên giai đoạn 2 trên 65 tuổi, một số người có bệnh nền không quá nặng như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường...
Sau khi thực hiện giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá các chỉ số miễn dịch kỹ hơn để kiểm tra khả năng đáp ứng của vắc xin. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã thông qua việc tuyển chọn tình nguyện viên giai đoạn 2 trên 65 tuổi, một số người có bệnh nền không quá nặng như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường...
Như vậy, so với kế hoạch ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.