Tin vui: Nhờ phương pháp mới và hiệu quả này, người bệnh tiểu đường lâu năm, bị lở loét bàn chân sẽ được cứu
Thấy bệnh nhân tiểu đường phải chịu quá nhiều đau đớn, các BS một bệnh viện tại TP.HCM đã quyết định dùng phương pháp này và thu về kết quả khả quan.
Người phụ nữ bị tiểu đường 10 năm khiến bàn chân bị loét nhiễm trùng nặng nhưng phương pháp cũ không giải quyết triệt để vết thương. Thấy bệnh nhân phải chịu quá nhiều đau đớn, các BS một bệnh viện tại TP.HCM đã quyết định dùng phương pháp này và thu về kết quả khả quan.
Lở loét, phải cắt bỏ ngón chân vì tiểu đường
BS Thái Văn Hùng, phó khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã lần đầu đưa vào ứng dụng kỹ thuật plasma lạnh để cứu nguy cho một số bệnh nhân bị tiểu đường lâu năm khá nặng.
Như trường hợp của bà Thu (66 tuổi, tên đã thay đổi) bị tiểu đường hơn 10 năm, loét nhiễm trùng bàn chân. Bệnh nhân đã nằm điều trị nhiều ngày bằng phương pháp cắt lọc cũ. Tuy nhiên vết thương tiến triển lành chậm, hay chảy máu khiến bệnh nhân gặp nhiều đau đớn.
Để giải quyết tình trạng này, các BS đã dùng tia plasma lạnh để tiêu diệt vi khuẩn ở bề mặt vết thương và giúp cầm máu. Chỉ sau 1 tuần, vết thương của người phụ nữ cải thiện tốt, không chảy máu nên bệnh nhân được xuất viện.
Còn ông Nguyễn Công T. (72 tuổi) bị đái tháo đường lâu năm kèm tăng huyết áp. Tình trạng của ông nặng đến nỗi đã hoại tử ngón thứ nhất và thứ hai ở bàn chân phải, cắt lọc kiểu cũ không hiệu quả khiến vết thương chảy máu khá nhiều và có dấu hiệu nhiễm trùng.
Các BS tại một BV ở TP.HCM đang giải quyết bàn chân lở loét cho bệnh nhân tiểu đường.
Cũng được điều trị bằng kỹ thuật plasma lạnh, sau khoảng 5 ngày áp dụng vết thương của bệnh nhân đã liền mặt, khô ráo, giúp các BS có thể tập trung giải quyết căn bệnh trong người bệnh nhân.
Hi vọng mới cho bệnh nhân đang điều trị nội khoa
BS Hùng cho biết, để cứu hai bệnh nhân trên, các BS đã kết hợp giữa sóng siêu âm và nước khi rửa và cắt lọc vết loét ở bàn chân tiểu đường. Điều này giúp đẩy các mô hoại tử ra, giảm đau cho bệnh nhân đồng thời giữ lại các mô lành.
Đặc biệt sau đó, ekip đã ứng dụng tia plasma lạnh giúp tiêu diệt vi khuẩn ở bề mặt vết thương, cầm máu và hiệu quả hơn đối với các vết thương ăn sâu.
Vết thương được điều trị bằng plasma lạnh hồi phục khá nhanh.
"Phương pháp này hoàn toàn có ý nghĩa đối với bệnh nhân tiểu đường đang điều trị tại khoa Nội tiết, vì 30 – 50% bệnh nhân bị loét bàn chân.
Tia plasma giúp diệt khuẩn bề mặt vết thương, tạo ra màng sinh học bao học, kích thích tạo mô hạt nên vết thương lành tốt hơn. Cho đến nay, kỹ thuật plasma lạnh đã được ứng dụng và điều trị cho hơn 20 ca bị loét bàn chân do tiểu đường" - BS Hùng thông tin.
Ngoài ra, kỹ thuật này còn được chỉ định trong điều trị như vết thương lâu lành; vết thương nhiễm trùng; vết thương hoại tử; vết loét do tì đè (gan chân, gót chân, vùng chẩm, vùng cùng cụt); vết thương mới có nguy cơ lâu lành (đụng dập nhiều, suy kiệt cơ thể, vết thương bẩn…).
Theo BS, các vết thương chậm liền thường có vi khuẩn lạc của mầm bệnh hoặc thậm chí còn bị nhiễm khuẩn. Ngày càng nhiều bệnh nhân chậm lành vết thương do tuổi thọ trung bình ngày càng cao, các phương thức điều trị vẫn chưa được thỏa mãn và vấn đề kháng kháng sinh ngày càng lớn do sự lạm dụng thuốc kháng sinh .
Tia plasma giúp diệt khuẩn bề mặt vết thương, tạo ra màng sinh học bao học, kích thích tạo mô hạt nên vết thương lành tốt hơn.
Plasma làm bất hoạt (khống chế) các vi sinh vật trên bề mặt mà không làm ảnh hưởng hay ảnh hưởng rất ít đến các cấu trúc xung quanh. Thiết bị plasma lạnh hoạt động nhờ công nghệ vi sóng, với 5 phút chiếu mỗi ngày.
Kết quả thử nghiệm chiếu tia plasma trên thỏ bị thương tại Viện Bỏng Quốc gia cho kết quả an toàn và có tác dụng giảm độ nhiễm khuẩn trên vết thương rõ rệt. Vết thương được xử lý bằng plasma có sẹo phẳng và chỉ bị co kéo nhẹ.
Kỹ thuật này mở ra cơ hội mới cho những người bị biến chứng nặng vì tiểu đường.
"Plasma hỗ trợ chữa lành vết thương nhờ dễ sử dụng, chính xác đến từng điểm, vết thương thường sẽ lành rất nhanh vì mô mềm nên dễ tái tạo, lắp các khe lại. Với bệnh nhân tiểu đường, các vết thương ở bàn chân sẽ càng bị loét rộng ra, lâu lành.
Sử dụng phương pháp nội khoa, rửa vết thương bàn chân tiểu đường thông thường cần từ 8-12 tuần mới tạm ổn. Nếu vết loét bàn chân quá phức tạp không đáp ứng với các phương pháp nội khoa, có thể sẽ phải chuyển sang ngoại khoa và đoạn chi" - BS phân tích.