Tiết lộ rùng mình về “thần năng” tiêm truyền trắng da: Sự thật bất ngờ về bác sĩ tự xưng

THANH LAM - HẢI YẾN,
Chia sẻ

Như bài trước đã phản ánh, trong cuộc trao đổi, tư vấn về liệu trình tiêm truyền trắng với PV, Lê Huyền khẳng định chắc nịch mình là bác sĩ làm việc tại bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Tuy nhiên, trong cuộc làm việc với đại diện lãnh đạo bệnh viện này, PV khá bất ngờ trước thông tin mà bệnh viện cung cấp.

“Bệnh viện không có bác sĩ này”

Trao đổi với PV, Thạc sĩ Vũ Đặng Dung, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẳng định: “Bệnh viện chúng tôi không có bác sĩ nào tên Lê Huyền, sinh năm 1985, làm việc tại khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ”.

Liên quan đến việc quản lý cán bộ công chức làm ngoài giờ, Ths. Dung cho biết bệnh viện làm việc theo đúng quy định của bộ Y tế và pháp luật:

“Có tất cả các văn bản liên quan theo quy định, các bác sĩ được phép làm ngoài giờ, tuy nhiên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về công việc và chịu sự quản lý của bệnh viện. Trước khi làm ngoài giờ, bác sĩ của bệnh viện phải có đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ theo mẫu, có xác nhận của lãnh đạo bệnh viện”.

Cũng trao đổi với PV về việc nếu có người giả mạo là bác sĩ của bệnh viện, hoặc lợi dụng tên tuổi bệnh viện để trục lợi, Ths. Dung cho rằng:

“Thông qua các phương tiện truyền thông, công tác khám chữa bệnh của bệnh viện chúng tôi đều được bộ phận truyền thông của bệnh viện đăng tải trên website, các fanpage chính thống qua sự kiểm duyệt của lãnh đạo bệnh viện, phòng công tác xã hội. Nếu như có bằng chứng xác nhận bác sĩ này, bác sĩ kia giả danh thì bệnh viện sẽ nhờ cơ quan công an vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc”.

Tiết lộ rùng mình về “thần năng” tiêm truyền trắng da: Sự thật bất ngờ về bác sĩ tự xưng - Ảnh 1.

Người tự xưng bác sĩ Huyền quảng cáo rầm rộ các liệu trình tiêm truyền trắng da trên facebook.

Trong một diễn biến liên quan, trao đổi với PV về phương pháp làm đẹp tiêm truyền trắng da, một đại diện của cục Quản lý khám, chữa bệnh (bộ Y tế) thông tin:

“Về tiêm truyền chung được đào tạo, quản lý và thực hiện trong các cơ sở y tế, bác sĩ, điều dưỡng đều được thực hiện tiêm truyền. Nhưng kỹ thuật tiêm truyền trắng da thì phải có thuốc chỉ định có tác dụng trắng da. Tuy nhiên, theo tôi được biết không có thuốc nào trắng da. Còn tiêm vào trắng da ngay lập tức thì có thể là quảng cáo vống”.

Không có cơ sở khoa học

Liên quan đến phương pháp làm đẹp tiêm truyền trắng da, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã lắng nghe ý kiến từ bác sĩ Nguyễn Thái Dũng (bệnh viện Da liễu Nghệ An). Theo bác sĩ Dũng việc làm trắng da bằng phương pháp nêu trên không có cơ sở khoa học:

“Hiện nay, trên thị trường quảng cáo truyền trắng da, nhưng việc tiêm thuốc vào không đo liều lượng thì cực kỳ nguy hiểm. Nếu truyền vào tĩnh mạch thì các nguy cơ sốc phản vệ có thể xảy ra trong quá trình truyền tại nhà, thậm chí gây tử vong”.

Bên cạnh đó, bác sĩ Dũng cũng cho rằng việc tiêm truyền trắng tại các spa nhỏ không có biện pháp cấp cứu kịp thời vì thiếu chuyên môn, dễ dẫn đến nguy hiểm cho sức khoẻ.

Tiết lộ rùng mình về “thần năng” tiêm truyền trắng da: Sự thật bất ngờ về bác sĩ tự xưng - Ảnh 3.

Bác sĩ Dũng cho rằng phương pháp này không có cơ sở khoa học.

Ngoài ra, theo bác sĩ Dũng, việc tiêm truyền trắng da còn có các tác hại khác như cơ thể gây phản ứng phụ nổi mẩn đỏ, mẫn cảm với các thành phần của thuốc gây nên dị ứng trên da…

Trong quá trình làm nghề, bác sĩ Dũng cho hay: “Thường những người làm đẹp hay tiêm trắng da hỏng, không như ý sẽ ít tìm đến chuyên khoa da liễu để điều trị vì xấu hổ. Thường các nạn nhân sẽ tìm đến các bệnh viện đa khoa ít người chú ý đến để điều trị”.

Từ những phân tích về nguy cơ, biến chứng nêu trên bác sĩ Dũng đưa ra cảnh báo: “Vì vậy, tôi khuyến cáo chị em không nên tiêm, truyền vào tĩnh mạch. Còn quảng cáo tiêm truyền trắng cấp tốc là không có cơ sở khoa học. Khi lựa chọn phương pháp làm đẹp, người dân nên đến các cơ sở uy tín để được theo dõi thường xuyên”.

Để tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm trắng da Phiên hồng hoa như lời quảng cáo của vị bác sĩ tự xưng có được cấp phép lưu hành, PV đã liên hệ phía cục Quản lý Dược (bộ Y tế), cục này cho biết đã tiếp nhận thông và đang rà soát.

Làm đẹp là nhu cầu không của riêng bất cứ ai mà trở thành xu hướng của các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, việc tin và làm theo những dịch vụ làm đẹp, phương pháp không có cơ sở khoa học dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Thiết nghĩ, khi quyết định làm đẹp, các chị em nên tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn những cơ sở uy tín để tránh “tiền mất tật mang”.

Gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc hãng Luật TGS (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết trường hợp PV phản ánh có thể vi phạm khoản 2 Điều 6 Luật Khám chữa bệnh 2009: “Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động”.

Luật sư Tuấn đưa ra nhận định.

“Hành vi của người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định tạo khoản 5 điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế hoặc Điều 315 Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung tại Điều 117 luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017”, luật sư Tuấn thông tin.

Luật sư Tuấn cũng cho biết thêm, nạn nhân của tiêm truyền trắng da gặp biến chứng, không hiệu quả có thể làm đơn yêu cầu người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh giải quyết theo luật Khám chữa bệnh 2009 về sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh quy định.

“Trường hợp người đứng đầu cơ sở giải không thỏa đáng thì có quyền yêu cầu tiếp lên sở Y tế hoặc bộ Y tế. Trong quá trình giải quyết cơ sở khám chữa bệnh, sở Y tế hoặc bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong việc khám chữa bệnh. Trường hợp vẫn không đồng ý với kết luận của hội đồng chuyên môn thì người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh là 5 năm (kể từ khi sự việc xảy ra)”, luật sư Tuấn nói.

Cũng theo vị luật sư này, nạn nhân của tiêm truyền trắng da có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 1, Điều 590 của luật Dân sự 2015 về bồi thường “Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”.

T.L - H.Y

Chia sẻ