TIỀN với người trưởng thành: Kẻ 30 tuổi không 1 đồng tiết kiệm, người thì uất nghẹn khi chồng rút gần 2 tỷ tiền tích góp 10 năm cho em chồng khởi nghiệp, trả nợ!?
Làm thế nào khi tiền can thiệp vào cuộc sống, trở thành nỗi bận tâm duy nhất, nguyên nhân bắt nguồn cho các mâu thuẫn giữa người với người?
Kể từ thời điểm Covid có cuộc xâm nhập vào cuộc sống, chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều sự thay đổi từ những thay đổi lớn ảnh hưởng về mặt ý thức đến những thói quen, những điều nhỏ nhặt nhất.
Xung quanh sự thay đổi ấy chúng ta sẽ tìm được những điều tích cực và cũng thật không may những thứ tiêu cực sẽ luôn song hành. Các vấn đề về tâm lý, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và căng thẳng nhất là khi chúng có liên đới đến... tiền.
Câu chuyện mà tuần này, chuyên đề Ở Nhà Sinh Chuyện chúng tôi nhận được cũng là 2 trong số các câu chuyện tiêu biểu có thể kể đến. Làm thế nào khi tiền can thiệp vào cuộc sống, trở thành nỗi bận tâm duy nhất, nguyên nhân bắt nguồn cho các mâu thuẫn giữa người với người?
"Lương 25 triệu mỗi tháng tôi vẫn không có dư, tôi thấy tương lai bất định khi nhìn bạn bè xung quanh khởi nghiệp"
Chị T.G.D (1991, ngụ TP.HCM) cho biết, thời gian giãn cách mặc dù công việc của chị không bị ảnh hưởng thế nhưng chị lại khá hoang mang và tự vấn bản thân trong vấn đề liên quan đến tiền bạc và các khoản chi. Theo chị D. thời gian ở nhà chị có nhiều khoản chi hơn khi đi làm, mặc dù lương mỗi tháng rơi vào khoảng từ 20 - 25 triệu đồng nhưng không dư dả, so với đồng nghiệp, bạn bè cùng trang lứa lại thấy e ngại.
“Tôi đã tự dặn lòng mình rất nhiều về việc tiết kiệm, nhưng tháng nào cố lắm tôi cũng chỉ để dành được 5-6 triệu, hoặc có tháng âm luôn tiền vì có đủ thứ chuyện phát sinh nào là ma chay, đồ đạc hư hỏng phải mua, tiệc tùng của các cộng sự trong công ty nên rồi lại bay đi mất hết”, chị D. tâm sự.
Theo chị D. thời điểm dịch bùng phát, các khoản chi của chị bắt đầu phân bổ từ lương thực, thực phẩm cho gia đình và cho bản thân.
“Gia đình tôi 7 người, các khoản chi cho bản thân nên tưởng là ở nhà không tiêu xài thì hóa ra còn xài nhiều hơn. Thấy bạn bè tuổi này đã hùng hạp mở quán, mở công ty startup, hoặc buôn bán nhỏ nhưng tôi thì muốn góp làm ăn vài chục triệu cũng không đủ. Tôi cảm thấy khá hoang mang, không biết bản thân mình phải làm gì? Tương lai sẽ như thế nào?!”, chị D bày tỏ những lo lắng của mình.
Đọc được tâm tư của chị D., Chuyên viên tham vấn tâm lý Nguyễn Hải Anh đã có những chia sẻ mong tháo gỡ được những vướng mắc và giúp chị D. hiểu rõ các vấn đề của bản thân nhiều hơn.
"Mình đã đọc qua các câu hỏi của bạn và mình biết cảm giác không hài lòng về bản thân đang diễn ra bên trong bạn, điều đó đến khi bạn hướng ánh nhìn của bạn ra bên ngoài. Bạn nhìn thấy các bạn bè đồng trang lứa với mình có những dự án kinh doanh riêng hoặc sẽ làm chủ một cái gì đó mà bạn không như thế điều ấy khiến bạn bắt đầu băn khoăn về bản thân mình. Ở trong trường hợp này, mình nhìn ra bên ngoài thì những căng thẳng, hoang mang nó sẽ gia tăng và nó sẽ tiếp tục diễn ra. Trong trường hợp này, mình có thể thử hai cách sau.
CÁCH THỨ NHẤT là đưa sự chú ý của mình đang hướng ra bên ngoài quay trở về bên trong mình bằng cách trả lời một số cụm câu hỏi:
Cụm câu hỏi thứ nhất: Một ngày của mình diễn ra như thế nào? Một ngày của mình sẽ bắt đầu vào lúc mấy giờ? Mình làm gì vào buổi sáng, buổi trưa? Mình sẽ dành phần lớn thời gian để làm gì? Công việc của mình đem lại cho mình cảm nhận gì, lợi ích gì? Mình giao tiếp với ai? Ở cạnh ai? Và mình sẽ có cơ hội trải nghiệm những điều gì trong đời sống của mình cả một ngày?
Cụm câu hỏi thứ hai: Khi mình được ai đó nhắc đến thì mình muốn họ nghĩ ngay đến điểm gì của mình? Nếu ai đó khen ngợi thì mình muốn họ khen ngợi mình ở nét tính cách nào? Những nét tính cách nào mà mình thích, mình đã có nó hay chưa? Nếu mình chưa có nó thì mình cần làm gì để xây dựng hình ảnh này, tính cách này?
Cụm câu hỏi thứ ba: Nếu như mình chỉ còn một ngày để sống mình sẽ để lại thông điệp gì cho tất cả mọi người? Mình có đang sống với thông điệp mà mình để lại không? Nếu có thì mình sẽ làm gì để tiếp tục duy trì nó, còn nếu chưa thì mình cần làm gì để bước gần hơn những thông điệp mà mình sẽ để lại?
Chuyên gia tâm lý gỡ rối khi bạn đang hoang mang
Bạn sinh năm 1991, bạn đã trải qua nhiều sự kiện trong cuộc sống của mình rồi, bạn có thể rất hiểu biết về bản thân mình rồi. Những câu hỏi này có thể bạn đã từng trả lời trước đây nhiều lần rồi thế thì tại sao bạn lại phải trả lời lại? Đó là bởi vì một cá nhân, một con người luôn ở trong một giai đoạn phát triển nào đó, trong những sự phát triển ấy có thể chia thành nhiều hướng khác nhau và việc có thể hỏi lại những câu hỏi này sẽ giúp bạn tìm ra la bàn nội tâm của mình, xem mình có đang thật sự đi theo chiều hướng mà mình muốn hay không?
Sau khi bạn biết bạn muốn điều gì rồi thì quyết định của bạn có thể là: Bây giờ tôi sẽ tiết kiệm nhiều tiền để đóng góp vào kinh doanh của bạn tôi hoặc là bây giờ tôi sẽ chi một khoản tiền cho bữa ăn cuối tuần của gia đình để gia đình có bữa ăn thật ngon và lành mạnh. Cả hai lựa chọn này đều rất tốt, chỉ là bạn cần biết rằng đó là sự lựa chọn của bạn chứ không phải là một áp lực khi mình nhìn sang những người xung quanh họ đang có những thứ mình không có.
CÁCH THỨ HAI mình có thể làm đó là hướng sự chú tâm của mình vào trải nghiệm sống: ngay tại đây, bây giờ, đó là một sự thực hành, xuyên suốt. Hằng ngày mình sẽ bắt đầu để tâm đến những cái sự kiện nhỏ nhặt xảy ra trong đời sống của mình, ghi nhận những điều tốt đẹp và gửi lời biết ơn đến nó.
Ngoài ra có một điều mà chúng ta cần chú ý đó là trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh như thế này nhiều người mất việc, thu nhập giảm hoặc không có thu nhập. Thì bạn vẫn có công việc tốt và thu nhập tốt, chứng tỏ bạn là một người có năng lực làm việc tốt. Hi vọng bạn sẽ vui và tự hào vì điều này!
Chúc bạn thuận lợi việc trả lời các câu hỏi để tìm ra thứ chính mình mong muốn!".
"Chồng giấu tôi rút 800 triệu tiền tiết kiệm cả hai dành mua nhà để giúp em gái, tôi khóc cạn nước mắt, muốn chấm dứt cuộc hôn nhân 10 năm"
Cũng gặp vấn đề về tài chính, chị T.T.G.U (198x, ngụ TP. Hà Nội) cho biết mình rơi vào khủng hoảng, muốn chấm dứt cuộc hôn nhân 10 năm. Theo chị U., lý do ban đầu khiến chị quyết định kết hôn là bởi vì chồng chị là một người biết yêu thương gia đình, xem trọng bố mẹ hai bên. Thời gian đầu sau khi kết hôn, chị U. sống cùng bố mẹ chồng với mục tiêu là tiết kiệm được tiền, 3 năm sau sẽ mua nhà. Thế nhưng vì một số lý do, thâm hụt tiền tiết kiệm, thời hạn 3 năm cuối cùng đã trở thành 5 năm.
“Về cá nhân thì tôi hoàn toàn không cảm thấy có vấn đề gì vì là chuyện bất khả kháng, đồng vợ đồng chồng thì chắc cũng ổn. Nhưng ở năm thứ 4, em trai của chồng tôi phá sản, mắc 1 khoản nợ khoảng 3 tỷ đồng nên chồng tôi muốn cho em trai mượn 1 tỷ để trả trước khoản nợ rồi từ từ kiếm cách trả sau.
Lúc đầu tôi không đồng ý nhưng cũng không thể hiện việc mình từ chối vì thấy đó là chuyện tình nghĩa anh em gia đình, tôi đã bấm bụng tùy chồng".
Theo kế hoạch của chị U., vợ chồng chị sẽ mua nhà sau 1 năm nữa khi em trai chồng trả đủ. Thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại, khoản nợ 1 tỷ của em trai chồng đã kéo dài 2 năm và dự định mua nhà thất bại sau hơn 6 năm cố gắng.
"Vào năm thứ 5 gia đình tôi thuê được 1 căn nhà của bà con với mức giả 4,5 triệu/tháng và vẫn tiếp tục tiết kiệm tiền mua nhà với kỳ hạn là 4 năm. Nhưng năm ngoái, em gái út của chồng tôi tốt nghiệp, muốn lập một xưởng bán quần áo mỹ phẩm nên theo lời bố mẹ chồng, chồng tôi cho em gái tiền để phát triển sự nghiệp. Tôi cực kỳ không đồng ý nhưng anh vẫn âm thầm rút gần 800 triệu mang cho em gái mượn để bán buôn.
Chị U. cho biết bản thân mình đã khóc cạn nước mắt. Chị suy nghĩ nhiều về cuộc hôn nhân 10 năm và cuộc sống nhà thuê tạm bợ như hiện tại.
"Giờ tôi rất muốn ly dị vì tôi thấy một mình tôi nuôi con vẫn tốt, ít ra tiền của tôi thì tôi sẽ chủ động quản lý được mà không có sự can thiệp của ai".
Đối với vấn đề của chị U., Chuyên viên tham vấn tâm lý Nguyễn Hải Anh cho thấy những vấn đề xảy ra với chị U. như sau:
"Chào chị, tôi đã đọc những chia sẻ của chị và cảm nhận một bầu không khí thất vọng đang bao trùm lên toàn bộ câu chuyện và cả trong hôn nhân của chị. Sự thất vọng này bắt đầu từ việc đưa ra dự định ngay tại thời điểm 2 người kết hôn và nó kéo dài trong suốt 10 năm qua mà chưa từng được thực hiện và nó liên tục bị xen ngang, trì hoãn bởi chuyện này hoặc chuyện khác và giờ đây chị đang mất niềm tin vào khả năng trở thành hiện thực của nó. Chị đang dần cảm thấy nếu như mình cứ tiếp tục như vậy thì căn nhà sẽ không bao giờ được mua, chị sẽ không sở hữu một căn nhà thật sự.
Tôi không nói đến việc nên ly hôn hay không và cái nào thì tốt, chúng ta sẽ cần phải chắc chắn về quyết định của mình. Thế thì chị có thể bắt đầu từ một câu hỏi rằng: "Nếu như đợt vừa rồi chồng mình không rút tiền để trợ giúp em gái đầu tư và khoản tiền vẫn ở đấy thì chị có muốn ly hôn hay không?". Nếu chị không muốn ly hôn chứng tỏ sự kiện này gắn chặt với căn nhà chưa được mua. Nếu chị vẫn muốn ly hôn thì có thể đó là lý do khác và chị cần biết được đó là lý do gì? Hãy nêu ra.
Điều mà tôi nhận ra ở trong chia sẻ của chị đó là sự khác biệt trong việc ưu tiên điều quan trọng nhất của chị và anh. Của chị thì việc ưu tiên và điều quan trọng nhất đó là việc mua nhà. Còn của anh có vẻ như nó là liên quan đến những trợ giúp về gia đình thông qua quan điểm: Tiền thì mất tìm lại được còn gia đình mất không tìm lại được.
Hãy đặt ra câu hỏi: "Nếu thời điểm này nếu người phá sản cần số tiền ấy không phải là anh em của chồng chị mà là anh em của chị, chồng chị vẫn quyết định giúp đỡ, chị sẽ cảm thấy như thế nào? Những giá trị hiện tại chị đề cao là gì? Có còn là những lý do khiến chị quyết định kết hôn với anh nữa không? Hãy liệt kê ra.
Chuyên gia tâm lý giải đáp thắc mắc cho mâu thuẫn vợ chồng
Ở đây tôi không thấy chị phàn nàn về điều gì khác ngoài việc anh sử dụng khoản tiền lẽ ra sẽ mua nhà để giúp đỡ người thân trong gia đình, vì vậy tôi sẽ chỉ bàn đến khía cạnh này.
Thông qua những chia sẻ của chị, tôi thấy những khoản tiền đó đang được để ở cùng một chỗ, điều này theo tôi nó không phù hợp lắm khi hai anh chị có những mục tiêu ưu tiên khác nhau. Nếu như chị ưu tiên việc mua nhà, chị nên quản trị dòng tiền để dành mua nhà, đấy là mối bận tâm hàng đầu của chị, chị sẽ thường xuyên để ý đến nó, cân nhắc, tính toán cho nó.
Chuyên viên tham vấn tâm lý Nguyễn Hải Anh cũng đưa ra một số biện pháp giải quyết cụ thể:
"Chị có thể dành thời gian nói chuyện với anh để phân bổ lại các nguồn tiền tiết kiệm của gia đình không? Thay vì dồn một cụm thì mình có thể phân chia nó ra. Ví dụ mỗi tháng mình dư được 20 triệu thì trong đó 10 triệu là để vào tiền tiết kiệm mua nhà, còn 10 triệu là tiền tiết kiệm chung, khi mà người thân trong gia đình có việc cần giúp thì mình sẽ trích từ tiền quỹ tiết kiệm 10 triệu chung đó mà cả hai anh chị đang quản trị. Chị sẽ vẫn còn 10 triệu tiết kiệm mua nhà.
Hai nhu cầu của anh chị đều là những nhu cầu chính đáng. Chị muốn sở hữu một căn nhà để cả hai cảm thấy an tâm. Anh muốn giúp đỡ những người thân trong gia đình vì đấy là những người gần gũi nhất với anh, đó cũng là mục tiêu đáng trân trọng. Không có cái nào xấu hơn cái nào cả, vậy mình có thể tìm cách để cả 2 mục tiêu được hài hoà như nhau không?
Mục tiêu ưu tiên của mình vô cùng quan trọng với mình nhưng chồng của chị không có cùng mục tiêu đó nên anh sẽ không cảm nhận được sự bức xúc hoặc sự lo lắng của chị. Thế nên chị cần bày tỏ rõ với anh về cảm xúc ấy, nhu cầu, mong đợi của mình. Đi kèm với đó cần sự trân trọng với những điều mà anh làm cho gia đình anh.
Chúc chị và cả gia đình mạnh khỏe!".