Dịch Covid-19 kéo dài và đây là những bệnh tâm lý mà các chuyên gia cho rằng ai cũng có thể dễ dàng mắc phải khi ở nhà quá lâu
Trong cuộc sống hiện tại đã có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần. Đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua như một sang chấn thúc đẩy những bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn và trầm trọng hơn.
Covid-19 là một thực tế mới, nó không chỉ gây ảnh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất mà cả tinh thần của con người. Trong bối cảnh hiện nay, số lượng người phải trải qua cảm xúc lo âu, căng thẳng, dẫn đến các bệnh về tâm lý đang tăng cao.
Những bệnh lý tâm thần thường gặp khi giãn cách quá lâu
Khi thời gian giãn cách xã hội kéo dài, mọi hoạt động đều gần như dừng lại, kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng trầm trọng. Và trầm trọng hơn nữa là ảnh hưởng trực tiếp như một chất xúc tác đến tâm lý của con người. Khi được hỏi về những bệnh lý thường gặp trong thời gian giãn cách kéo dài, chuyên viên Tham vấn tâm lý Nguyễn Thị Lương cho biết:
“Các vấn đề nảy sinh khi dịch bệnh xảy ra và trước các lệnh giãn cách xã hội như căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bất an, hoảng loạn, dễ cáu gắt, khó chịu, nhiều người không may mất việc có thể khiến họ cảm thấy mình là người vô giá trị... Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tinh thần khác.
Một số người khi bản thân không may mắc Covid-19 hoặc gia đình có người thân mắc, nặng hơn là qua đời có thể gây ra sang chấn hoặc ám ảnh/trở nên nhạy cảm hơn với các tín hiệu như tiếng còi xe cứu thương, nước sát khuẩn, các nơi mà mình hay tiếp xúc như các vị trí tay nắm, các đồ dùng cá nhân, khẩu trang, ám ảnh với suy nghĩ xung quanh mình đều có virus…”
Theo chuyên viên nếu tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến bản thân chúng ta mà sẽ ảnh hưởng đến cả người thân trong gia đình - những người đang phải 24/7 ở với chúng ta hàng ngày.
“Với cá nhân: Giảm năng suất làm việc, chất lượng cuộc sống suy giảm, dễ gây ra mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, điều này có thể thấy ở một số người bị stress kéo dài có thể gây đau đầu, đau dạ dày, mất ngủ, khó ngủ; dễ hình thành các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, thậm chí là các ý nghĩ/hành vi làm tổn hại bản thân…
Còn với người thân, gia đình, khi bản thân không ổn sẽ dễ ảnh hưởng tới mối quan hệ. Họ có thể dễ cáu gắt, giận dữ thậm chí là đôi khi không rõ lý do làm dễ nảy sinh mâu thuẫn, tranh cãi và khi bất đồng xảy ra, cách giải quyết của họ thường không phải là lựa chọn lành mạnh hoặc phù hợp. Hoặc những người này có thể thu mình, không muốn giao tiếp... Như vậy, khi một người bất ổn thì dễ kéo theo các mối quan hệ của họ cũng bị suy giảm chất lượng”, chuyên viên Nguyễn Thị Lương cho hay.
Sống tích cực, cởi mở tìm gặp sự hỗ trợ của những chuyên viên, nhà tâm lý khi cần thiết
Theo chuyên viên, việc khắc phục những bệnh này không khó. Nếu như chúng ta chủ động chăm sóc bản thân mình để cơ thể và tinh thần không rơi vào trạng thái căng thẳng, bất ổn mới tìm tới sự trợ giúp của nhà chuyên môn. Dưới đây là một số biện pháp chuyên viên gợi ý bạn có thể tham khảo như:
- Thiết lập và duy trì thói quen lành mạnh: Hãy ăn uống điều độ và lên lịch trình khoa học cho giờ giấc làm việc, ngủ nghỉ, thư giãn cũng như các hoạt động khác. Việc này giúp đảm bảo sức khỏe thể chất, từ đó bảo vệ sức khỏe tinh thần.
- Luôn có khoảng thời gian dành cho bản thân mình: Dù ở nhà 24/7, bạn vẫn nên dành thời gian nghỉ ngơi hoặc làm những gì mình thích. Như vậy, cơ thể và tinh thần sẽ được thư giãn, tiếp thêm năng lượng.
- Duy trì sự giao tiếp và kết nối với mọi người: Giãn cách xã hội không có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn liên lạc với mọi người. Bạn vẫn có thể kết nối với bạn bè, người thân qua điện thoại hoặc Internet. Thông qua những cuộc trò chuyện, bạn sẽ nhận ra mình không cô đơn mà vẫn có thể chia sẻ, lắng nghe và cập nhật cuộc sống của người khác.
- Thử học một thứ mới: Học một thứ gì đó mới trong thời gian ở nhà giúp bạn tìm thấy niềm vui mới. Với nhiều người, cách này còn xua đi cảm giác mình "thiếu giá trị", không làm được gì có ích.
- Làm chủ việc tiếp nhận thông tin: Cập nhật các tin tức về tình hình dịch bệnh trong thời gian này là một việc cần thiết. Tuy nhiên, bạn cần có sự chọn lọc và lựa chọn các kênh thông tin uy tín để tránh bị ảnh hưởng bởi các tin tức độc hại.
- Tham gia các hoạt động xã hội: Hiện tại, có nhiều hoạt động xã hội giúp đỡ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dịch. Bạn có thể chọn hình thức phù hợp để tham gia, vừa để giúp chính mình vừa để giúp người khác. Các nghiên cứu chỉ ra hoạt động xã hội hỗ trợ đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực.
- Tìm sự hỗ trợ: Nếu bạn cảm thấy không ổn và khó kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, hãy chủ động tìm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc người có chuyên môn (như các nhà tâm lý). Mong muốn được giúp đỡ, chia sẻ không phải là yếu đuối hay gánh nặng. Bất cứ ai cũng có lúc như vậy và điều đó không làm giảm bớt giá trị của bạn.
Đặc biệt, chuyên viên còn nhấn mạnh điều quan trọng mọi người cần phải giữ là một tinh thần cởi mở với chính bản thân mình và cởi mở với các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, cùng với đó là sự chủ động và tích cực để thay đổi vấn đề của bản thân.
“Bất cứ ai trong chúng ta sẽ trải nghiệm những lúc bất ổn và tổn thương, đó là điều hoàn toàn bình thường. Và trong những hoàn cảnh như vậy, bạn hoàn toàn có quyền tìm đến sự trợ giúp của người thân, bạn bè hoặc người có chuyên môn. Đó không phải là yếu đuối hay kém cỏi, mà ngược lại, đó là sự can đảm đối đầu với vấn đề để giải quyết chúng, chỉ có như vậy mới giúp bạn có một cuộc sống lành mạnh và cân bằng”, chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Lương cho hay.
Ngay lúc này đây chuyên gia Tâm lý có thể giúp bạn
Để giúp bạn có một nơi chia sẻ và quan trọng nhất là có thể gỡ rối phần nào các vấn đề đang xảy ra trong gia đình, bản thân và cuộc sống trong thời gian ở nhà giãn cách. Mục Lifestyle của AFamily.vn đã kết hợp cùng đội ngũ chuyên gia Tâm lý từ MindCare - Viện Tâm Lý và Giáo Dục Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Tâm lý học để tạo ra chuỗi Tư vấn online mang tên Ở Nhà Sinh Chuyện dành riêng cho độc giả của Afamily.vn.
Vào mỗi thứ 2 hàng tuần chúng tôi sẽ thu thập các câu hỏi/vấn đề mà mọi người đang gặp phải, sau đó sẽ gửi đến đội ngũ chuyên gia tâm lý bao gồm các Thạc sĩ, Chuyên viên tư vấn tâm lý và trị liệu nhiều năm kinh nghiệm. Họ có thể giải đáp và chia sẻ với bạn bất cứ mọi câu hỏi nào liên quan đến stress, áp lực cuộc sống, trầm cảm, lo âu, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái,... vào thứ sáu hàng tuần tại Ở Nhà Sinh Chuyện.
Cách tham vấn chuyên gia của Ở Nhà Sinh Chuyện
Gửi ngay câu hỏi hoặc các vấn đề của bạn vào mùa dịch ngay Tại đây
Đội ngũ Chuyên gia Tâm lý từ MindCare - Viện Tâm Lý và Giáo Dục Việt Nam sẽ lựa chọn những câu hỏi đặc biệt mỗi tuần để trả lời trực tiếp vào thứ sáu hàng tuần trên mục Lifestyle của Afamily.vn và thông qua địa chỉ email.
Các Chuyên gia Tâm lý tham gia trực tiếp cho Ở Nhà Sinh Chuyện:
1. Thạc sĩ. Tạ Thị Thúy: Chuyên ngành Tâm lý học ứng dụng, chuyên sâu tham vấn tâm lý, Đại học Nam Kinh – một trong những trường Đại học hàng đầu top 50 Trung Quốc.
2. Thạc sĩ. Nguyễn Thị Hạ: Thạc Sĩ Tâm Lý Học chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng.
3. Chuyên viên Tham vấn, Trị liệu Tâm Lý - Nguyễn Minh Nhân.
4. Chuyên viên Tham vấn Tâm Lý - Nguyễn Hải Anh.
5. Chuyên viên Tham vấn Tâm Lý - Nguyễn Thị Lương.