Tỉ lệ vô sinh ngày càng cao vì nhiều lý do và hi vọng của các chuyên gia sản khoa về phương pháp thụ tinh ống nghiệm mới
Trong số 1 triệu trường hợp vô sinh theo ước tính, có 50% vô sinh ở độ tuổi dưới 30 và tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7.7%.
Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới. WHO cũng dự báo vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21.
Nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái của Việt Nam cho thấy:
Tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Trong khi đó, tỷ lệ vô sinh chung trên thế giới dao động trong khoảng từ 6-12%.
Việt Nam nằm trong top vô sinh, hiếm muộn cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: BVCC)
Vô sinh là tình trạng mà các cặp vợ chồng mong muốn có thai, sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào nhưng không có thai trong vòng 12 tháng. Với định nghĩa này của WHO, Việt Nam có những con số đáng lo ngại.
Cụ thể, ước tính có 1 triệu cặp vợ chồng Việt vô sinh. 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30 và 7.7% là tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
Với quan niệm cuộc sống viên mãn khi gia đình đủ đầy con cái của người Việt đã khiến vô sinh, hiếm muộn ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc hôn nhân gia đình và đời sống vợ chồng. Đối với bác sĩ, vô sinh hiếm muộn chính là thách thức với y học, trăn trở của người ngành Y.
Có nhiều nguyên nhân gây vô sinh ở cả nam lẫn nữ
Các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân gây vô sinh. Ở nữ là không có rụng trứng do bẩm sinh, tuổi cao, hậu quả của phẫu thuật hoặc điều trị hóa chất. Rối loạn phóng noãn do buồng trứng đa nang, hoặc cũng có thể do đời sống gặp áp lực, căng thẳng. Ngoài ra còn do các bất thường liên quan đến đường sinh dục, âm đạo, tử cung.
Lạm dụng chất kích thích, áp lực căng thẳng... cũng có thể ảnh hưởng đến việc có con.
Với nam giới thường do không có tinh trùng hoặc có tinh trùng nhưng yếu, ít. Điều này có thể do bất thường bẩm sinh hoặc hệ quả của các bệnh như quai bị, viêm tinh hoàn... Chất lượng tinh trùng cũng có thể suy giảm do tuổi tác, lạm dụng rượu bia, chất kích thích.
ThS.BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM cho biết, hiện nay việc điều trị vô sinh hiếm muộn dựa vào đặc tính của từng bệnh nhân để điều chỉnh phác đồ. Về cơ bản, tất cả các quy trình có sẵn nhưng mỗi bệnh nhân có sự điều chỉnh khác nhau, tuỳ theo đặc điểm của người đó trong quá trình điều trị.
"Trước đây tính theo một lần chuyển phôi bao nhiêu % thành công. Nhưng chuyển nhiều phôi quá thì bệnh nhân bị đa thai cũng không tốt.
Hiện nay, quan điểm của việc thụ tinh là làm thế nào để có thai tốt và an toàn. BS sẽ tính một lần thụ tinh ống nghiệm được bao nhiêu phôi, sử dụng hết số phôi đó thì bao nhiêu % bệnh nhân có thai. Nếu tính theo hướng đó, tỷ lệ có thai của một lần thụ tinh ống nghiệm của VN là khoảng 60%" - BS Tường nói.
Trình độ và kết quả thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam hiện nay là tương đương với thế giới.
Theo BS Tường, trình độ và kết quả thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam là tương đương với thế giới. Khó khăn lớn hiện nay là ở kinh phí điều trị. Dù nước ta có chi phí điều trị không cao nhưng thu nhập của người dân lại khá thấp so với thế giới.
"Hiện một bệnh nhân thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam trung bình tốn khoảng 70-80 triệu đồng. Nếu bệnh nhân đi nước ngoài, các nơi trong khu vực thì số tiền có thể trên 10.000 USD. Nếu tính thêm chi phí đi lại có thể tốn tốn cổng cộng gấp 5 lần, trong khi hiệu quả tương đương trong nước.
Trong một hội thảo cập nhật thông tin chuyên ngành thường niên về hỗ trợ sinh sản L.I.F.E 2018, BS Tường cũng phân tích rằng biện pháp cải thiện việc điều trị vô sinh là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia đến từ các quốc gia khác nhau. Họ cùng chia sẻ những phương pháp mới nhất trong điều trị vô sinh, hiếm muộn để ngành y tế mỗi quốc gia có biện pháp cải thiện việc điều trị vô sinh cho người dân nước mình.
Hội thảo quốc tế L.I.F.E 2018.
Tại đây, các chủ đề mới nhất trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản được đặt ra như: Cá thể hóa kích thích buồng trứng và hỗ trợ giai đoạn hoàng thể, hướng về một trung tâm IVF không còn hội chứng quá kích buồng trứng; Các chiến lược quản lý chất lượng trong phòng thí nghiệm và các kỹ thuật mới giúp chọn lọc phôi nhằm tối ưu hóa kết quả thụ tinh trong ống nghiệm.
Từ đó, các chuyên gia tập trung vào vấn đề kiểm soát hiệu quả các yếu tố then chốt trong công nghệ hỗ trợ sinh sản, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian mong con của các cặp vợ chồng hiếm muộn.
L.I.F.E 2018 (Learning Initiative for Fertility Experts) là hội thảo cập nhật thông tin chuyên ngành thường niên về hỗ trợ sinh sản uy tín trong khu vực Châu Á với chủ đề là "Controlling Critical Variables in ART to Shorten Time to Live Birth" (tạm dịch: Kiểm soát hiệu quả các yếu tố then chốt trong công nghệ hỗ trợ sinh sản, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian mong con).
Hội thảo Quốc tế L.I.F.E 2018 được thiết kế với những bài giảng của các báo cáo viên hàng đầu thế giới và khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philipines, Malaysia, Hongkong, Đài Loan, Ấn Độ, Úc, Đức, Đan Mạch, và các chuyên gia Việt Nam.
Hội thảo quốc tế L.I.F.E được tổ chức thường niên từ năm 2007, được hỗ trợ bởi quỹ đào tạo y khoa liên tục của Merck tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Lần thứ 3, Việt Nam được chọn để tổ chức sự kiện quan trọng này.