Thương nhớ mâm cỗ Tết miền Trung
Sự tươm tất, đủ đầy trên mâm cỗ Tết của người miền Trung thể hiện ước mong sum vầy, đoàn tụ và một cuộc sống no ấm, an lành trong năm mới.
Mảnh đất miền Trung dài hẹp của Tổ quốc với thời tiết khắc nghiệt đã gánh chịu bao khô hạn nắng cháy cho đến lũ lụt triền miên - thế nhưng, đằng sau sự khắc nghiệt ấy vẫn chứa chan tình đất, tình người… Cuộc sống tuy vất vả là thế, nhưng vào mỗi dịp Tết, người dân miền Trung đều cố gắng bày biện mâm cỗ thật thịnh soạn để cúng ông bà, tổ tiên. Sự tươm tất, đủ đầy trên mâm cơm thể hiện ước mong sum vầy, đoàn tụ và một cuộc sống no ấm, an lành trong năm mới.
Mâm cỗ miền Trung được nấu rất khéo léo và tỉ mỉ. Chúng ta có thể nhìn thấy các món ăn được chia ra thành từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít, bày biện trên chiếc mâm tròn, như một cách thể hiện sự chắt chiu và san sẻ. Những món cơ bản thường thấy như gà luộc, thịt heo, trứng chiên, đồ xào, ram cuốn, canh, rau sống, cơm trắng… Sau khi cúng ông bà, nhang đã tàn hết, mọi người dọn mâm xuống và quây quần bên nhau trong không khí vui vẻ, ấm áp tình thân.
Mâm cỗ miền Trung ngày Tết với những món ăn đặc trưng đặt trên từng đĩa nhỏ thể hiện sự chắt chiu và san sẻ. - Ảnh: Hà Trần
Nếu mâm cỗ miền Bắc nổi bật với bánh chưng thì bánh tét lại là món truyền thống trong ngày Tết của người miền Trung. Bánh có hình trụ, đòn ngắn đòn dài tuy khác nhau nhưng đều được gói bằng lá chuối với phần nhân gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn rồi đem đi luộc chín, khi cắt tạo thành từng khoanh tròn, đều và đẹp. Về sau, bánh tét được bà con mỗi vùng biến tấu cho phong phú. Phần nhân mặn có thêm thịt cừu, thịt dê, phần nhân chay có gấc, chuối, hay đậu đen... rất thơm ngon và lạ miệng.
Bánh tét là món truyền thống trong ngày Tết của người miền Trung. - Ảnh: internet
Bánh được gói bằng lá chuối, nhân gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, khi cắt tạo thành từng khoanh tròn, đều và đẹp. - Ảnh: internet
Những món ăn mặn của người miền Trung chú trọng nhiều đến yếu tố lưu trữ. Bên cạnh bánh chưng, bánh tét có thể để được đến gần 1 tháng thì các món ăn đi kèm cũng “dài hạn” không kém. Dưa món là món ăn không còn xa lạ với người dân mảnh đất này, với đu đủ, củ cải trắng, cà rốt, củ kiệu... phơi khô rồi ngâm với nước mắm, hay món mắm tôm chua đặc trưng xứ Huế, dù để khá lâu nhưng vẫn giữ được độ giòn, ngon.
Dưa món là món ăn kèm với bánh tét với độ giòn sực, đậm đà. - Ảnh: internet
Mắm tôm chua - món ăn đặc trưng trên mâm cỗ của người Huế. - Ảnh: internet
Mâm cỗ ngày tết miền Trung còn có những món chủ lực như thịt bò, thịt heo, tai heo ngâm nước mắm thơm lừng, chả bò (giò bò), chả thủ, món tré, nem chua với vị cay cay, giòn sực… Loại rượu trên bàn thờ ông bà ngày Tết cũng được xem là đặc sản của mỗi vùng như: rượu Hồng Đào “chưa nhắm đã say” của xứ Quảng, rượu Bàu Đá nổi tiếng đất Bình Định hay rượu Minh Mạng ở Cố đô xưa… Tất cả tạo nên một mâm cỗ Tết truyền thống đủ đầy hương vị và đậm đà bản sắc quê hương.
Thịt bò, thịt heo, tai heo ngâm nước mắm thơm lừng... - Ảnh: internet
Nem chua, chả bò với vị cay cay của ớt, tiêu. - Ảnh: internet