Thuốc tẩy giun, dùng sao cho đúng?

ThS. Nguyễn Bạch,
Chia sẻ

Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm giun sán. Thông thường, giun sán thường ký sinh ở đường ruột, nhưng không ít trường hợp giun sán có thể ký sinh ở những bộ phận khác trong cơ thể như phổi, gan, não, cơ...

 Thuốc tẩy giun, dùng sao cho đúng? - Ảnh 1.

Cách tốt nhất để phòng các bệnh do giun sán gây ra là uống thuốc tẩy. Vậy tẩy giun như thế nào để an toàn và mang lại hiệu quả cao?

Ai dễ bị nhiễm giun?

Trẻ em là đối tượng rất dễ nhiễm giun. Ở thành phố chủ yếu nhiễm giun đũa, ở nông thôn do tình trạng đi chân đất, tỷ lệ nhiễm giun móc cao, gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Người lớn nhiễm giun đũa thường là do ăn rau sống có lẫn trứng giun, thức ăn bị phơi nhiễm do bụi và ruồi, nhặng, gián...

Trẻ bị nhiễm do ăn thức ăn hoặc nguồn nước bị nhiễm, hoặc nuốt phải trứng giun trên nền đất khi cầm nắm và ngậm đồ chơi nhiễm bẩn. Bị giun ký sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn dẫn tới suy dinh dưỡng trầm trọng nếu không được điều trị.

Thậm chí, giun có thể ký sinh tại các cơ quan khác như giun vào phổi gây ho kéo dài, ở ruột gây tắc ruột, giun có thể chui vào ống mật gây tắc mật vàng da, giun ký sinh ở các bộ phận khác như tai, cơ, não, gan... gây nhiều bệnh lý nặng nề và có thể dẫn tới tử vong.

 Thuốc tẩy giun, dùng sao cho đúng? - Ảnh 2.

Một số loại giun sán thường gây bệnh ở người.

Khi nào cần tẩy giun?

Để nhận biết con có bị nhiễm giun hay không, điều đầu tiên phụ huynh cần lưu ý là những biểu hiện tiêu hóa của trẻ: đau bụng, có khi nhầm lẫn với đau dạ dày; táo bón hoặc tiêu chảy; phân có thể có nhớt hay máu; đầy bụng khó tiêu; buồn nôn , nôn; chán ăn; tắc ruột ở trẻ nhỏ do lòng ruột chứa quá nhiều giun, đau thượng vị; đau quanh rốn; đau bụng dưới; dị ứng thức ăn; da xanh xao mệt mỏi; bứt rứt, kém tập trung, ngủ không ngon;

Nếu ấu trùng giun sán lạc nhầm chỗ đi vào phổi có thể dễ bị chẩn đoán nhầm viêm phổi do thở khò khè như hen suyễn; u não, liệt động kinh, mắt sưng, giảm thị lực...

Trong số những biểu hiện trên thì những dấu hiệu dễ nhận biết nhất chính là việc bụng trẻ đau và to căng cứng bất thường và bé thường xuyên bị ngứa hậu môn vào ban đêm (do giun kim chui ra ngoài hậu môn đẻ trứng).

Việc dùng thuốc tẩy giun định kỳ là một việc làm rất cần thiết. Thuốc trị giun đường ruột là thuốc có tác dụng tẩy sạch hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi ruột. Để tẩy giun hiệu quả, cần lưu ý là nên tẩy cả cho cả nhà trong cùng một đợt để tránh nhiễm giun chéo.

Thông thường, cả người lớn và trẻ em 2 tuổi trở lên mỗi năm nên tẩy giun 2 lần (trừ trường hợp có chỉ định khác của bác sĩ). Trong trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun thì nên đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm tầm soát.

Khi đã có bằng chứng chính xác của nhiễm giun thì trẻ sẽ được điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Khi uống thuốc tẩy giun, trẻ không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ.

Lưu ý khi dùng thuốc tẩy giun

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại thuốc tẩy giun. Albendazole là một dẫn chất benzimidazol carbamat, có phổ hoạt tính rộng trên các loại giun đường ruột như giun đũa, giun kim, giun lươn, giun móc, giun mỏ, giun tóc, giun xoắn và thể ấu trùng ở cơ và da, các loại sán dây và ấu trùng sán ở mô.

Albendazole có hoạt tính trên giai đoạn trưởng thành và giai đoạn ấu trùng của các giun đường ruột, diệt được trứng của giun đũa và giun tóc. Bằng cách ức chế hấp thu glucose, albendazole làm giun mất năng lượng, không đủ để sống, gây bất động rồi chết, xác giun bị nhu động ruột đẩy ra ngoài. Thuốc có tác dụng diệt được cả trứng, ấu trùng giun.

Khi dùng thuốc tẩy giun nói chung và albendazole nói riêng, cần lưu ý những điều sau: Phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 2 tuổi; bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với các hoạt chất benzinidazole hoặc một trong các thành phần khác của thuốc; bệnh nhân bị suy gan; nhiễm độc tủy xương thì không được dùng thuốc này.

Sau khi uống thuốc ít nhất 1 tháng cũng không nên có thai bởi thuốc có thể gây nguy hại cho thai nhi.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc có thể gặp là rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, nhức đầu chóng mặt, nổi mẩn... Khi gặp một trong các triệu chứng này sau khi uống thuốc, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Để hạn chế việc tái nhiễm giun, cần rửa tay sạch sẽ khi ăn; ăn thức ăn chế biến sạch sẽ, nấu kỹ và bảo quản tốt; diệt ruồi và dán, vì chúng có thể bám vào phân hay thức ăn nhiễm trứng giun và bò hay đậu lên thức ăn sạch; rửa sạch sẽ đồ chơi, không để trẻ bò lê dưới đất...

Chia sẻ