Giun bò ngọ nguậy trong mắt và nguyên nhân khiến bạn "ngã ngửa"
Nếu không cẩn thận sẽ có ngày bạn phải trả giá bằng cả tính mạng của mình đấy.
Gần đây, trên một trang mạng xã hội đã đăng tải những bức ảnh về một trường hợp vô cùng đáng sợ.
Đó là câu chuyện về một người phụ nữ sống tại bang Florida (Mỹ). Một ngày, cô cảm thấy mắt mình như có gì cộm cộm, gây đau rát và đỏ mắt.
Cuối cùng chịu hết nổi, cô buộc phải tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa mắt. Và đây là những gì bác sĩ tìm thấy trong mắt cô.
Quái vật phương nào đây...
Bạn không nhìn lầm đâu! Đó chính là một con giun đang ngọ nguậy bên trong mắt của cô. Tất nhiên, các bác sĩ đã phải phẫu thuật khẩn cấp để lấy nó ra.
Theo bác sĩ Barry Schechter tại Viện mắt Florida, nếu như để lâu hơn chỉ vài ngày nữa thôi, mắt của cô có thể hỏng vĩnh viễn.
Nhưng vấn đề ở đây là nguồn gốc của mối hiểm họa này. Bác sĩ Schechter cho biết con "quái vật" này tên là Dirofilaria immitis (còn gọi là giun tim) và chúng đến từ cún - người bạn thân thiết của con người.
Loài ký sinh trùng gây họa cho cún cưng
Loài giun tim Dirofilaria immitis thuộc bộ giun tròn, thường sống ký sinh trong tim chó.
Đôi lúc, người ta cũng tìm thấy giun tim bên trong cơ thể mèo và một số loài có họ gần với chó như sói coyote, cáo... nhưng thường gặp nhất vẫn là ở chó.
Gọi là giun tim, nhưng các cá thể giun trưởng thành khi xâm nhập cũng trú ngụ tại các mạch máu trong phổi của vật chủ.
Chúng sẽ làm biến dạng nghiêm trọng các mạch máu tại tim và phổi, gây tắc nghẽn mạch máu, khiến vật chủ kiệt quệ dần, và rồi tử vong vì tim không còn đủ sức để hoạt động.
Điểm nguy hiểm của giun tim là khả năng lây lan theo phong cách... ninja, tức không ai có thể biết được.
Đó là vì trong khoảng 6 tháng kể từ khi mắc bệnh, cơ thể vật chủ sẽ không có gì khác biệt.
Trong khi đó, giun trưởng thành giao phối và liên tục sản sinh ra ấu trùng vào máu. Số ấu trùng này sẽ theo muỗi đi tìm các vật chủ khác nữa.
Quả tim chứa đầy giun của một chú chó đáng thương.
Cũng bởi vậy mà căn bệnh giun tim đã lan truyền ra cả thế giới - hay đúng hơn là những nơi nào có... muỗi - dù thời điểm ban đầu chúng chỉ xuất hiện tại các khu vực miền Nam nước Mỹ.
Đến hiểm họa không ngờ tới đối với con người
Vì sao hiểm họa ư? Vì như đã thấy ở trên, loài giun này có thể lây sang cả con người nữa.
Nguồn lây bệnh vẫn là từ muỗi. Sau khi đốt chó đã nhiễm bệnh, ấu trùng sẽ theo máu ký sinh luôn trong cơ thể muỗi rồi "tiến hóa" thành ấu trùng cấp 2.
Ấu trùng này sẽ trú ngụ tại vòi muỗi, rồi đi vào máu của bất kỳ "nạn nhân" nào của muỗi.
Ấu trùng giun có thể "phát tướng" gấp 10 lần kích cỡ ban đầu khi xâm nhập cơ thể.
Dù con người chúng ta may mắn có được một hệ miễn dịch khỏe mạnh, có thể tiêu diệt phần lớn ấu trùng khi đi vào máu, thì vẫn còn một số ít có thể sống sót rồi sinh sôi trong chính cơ thể chúng ta.
Và vì chúng có thể ký sinh ở mọi cơ quan, từ mắt, da, tim, phổi... nên triệu chứng bệnh rất đa dạng và khó nhận biết.
Ví dụ như ký sinh ở mắt sẽ gây đỏ mắt, nổi cộm và đau đớn; hay ký sinh ở tim có thể gây đau ngực, sốt cao, khó thở...
Như trường hợp của cô gái nói trên, các bác sĩ cũng bày tỏ lo ngại về khả năng giun tim còn ký sinh ở những bộ phận khác nữa chứ không chỉ ở mắt.
Theo các chuyên gia, để biết được chính xác có bị nhiễm giun hay không cần đến các xét nghiệm của bác sĩ. Một số trường hợp sẽ phải đại phẫu để loại bỏ giun.
Vậy phải làm gì với hiểm họa này?
Đầu tiên, một trong những cách hiệu quả để ngăn chặn căn bệnh này đó là... diệt muỗi trong khu nhà của bạn.
Muỗi là vật lây truyền duy nhất của loài giun này, vậy nên khi không còn vật trung gian để lây bệnh nữa thì dù chú cún của bạn có nhiễm bệnh hay không cũng không thể lây sang ai được.
Muỗi là vật lây truyền duy nhất của loài giun này.
Hãy dọn sạch những vũng nước đọng, những bụi cây um tùm để tránh muỗi đẻ trứng. Bạn cũng có thể kết hợp giữa các công cụ như bình xịt muỗi, nhang muỗi, đi ngủ mắc màn... để hạn chế việc bị muỗi cắn.
Để ý đến những chú cún của bạn nhé!
Tiếp theo, hãy để ý đến vật nuôi của bạn. Khi bị nhiễm giun, những chú cún thường có một số biểu hiện như ho, uể oải, mệt mỏi, kém năng động.
Lúc này nếu cảm thấy nghi ngờ, hãy đưa cún đi khám tại các cơ sở thú y uy tín để chữa trị kịp thời.
Nguồn: FDA, PET