Thuốc đặt: dùng sao cho đúng
Do e ngại khi mắc bệnh phụ khoa nên nhiều chị em không đi bác sĩ khám để được chẩn đoán, kê toa mà tự ý mua thuốc đặt âm đạo về dùng. Điều này có thể làm "vùng kín” viêm nhiễm nặng và khó chữa trị hơn.
Ngược lại, một số chị em bị bệnh phụ khoa đã được bác sĩ cho toa thuốc đặt âm đạo nhưng nghe nói có thể ảnh hưởng chuyện chăn gối nên tự ý không dùng. Nên hiểu việc đặt thuốc âm đạo cần thiết như thế nào?
Đúng thuốc, đúng bệnh
Thuốc đặt âm đạo trước đây được gọi là thuốc trứng hay noãn dược vì hình dạng giống quả trứng được đặt vào âm đạo người phụ nữ để chữa và ngừa bệnh. Nay loại thuốc này có hình viên nén nên còn gọi là viên nén phụ khoa, được đặt sâu vào âm đạo phụ nữ sau khi nhúng ướt viên thuốc.
Thuốc đặt âm đạo thường chứa các chất chống các tác nhân gây bệnh phụ khoa, nếu dùng không đúng chỉ định, không đúng cách, thuốc sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn gây hại cho sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Ngược lại, khi cần thiết thì phải dùng.
Trước hết, ta nên biết bệnh phụ khoa thường gặp là nhiễm trùng sinh dục - tiết niệu. Nhiễm trùng sinh dục - tiết niệu hay gọi tắt là viêm sinh dục là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ do cấu trúc niệu đạo ngắn và có vị trí gần hậu môn nên dễ bị vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.
Khi có sự xâm nhập của các mầm bệnh thì bất cứ phần nào của đường tiểu, sinh dục, kể cả phần trên của thận, niệu quản, bàng quang cũng có thể viêm nhiễm, nhưng thường là viêm sinh dục dưới bao gồm: viêm âm hộ, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung.
Triệu chứng chung biểu hiện tình trạng viêm sinh dục thường là bị “huyết trắng” hay còn gọi là "khí hư”. Nếu huyết trắng có mùi hôi, màu trắng đục, xanh hay vàng nhạt, gây ngứa thì đó là huyết trắng bệnh lý, nghĩa là bị viêm sinh dục dưới, có thể kèm theo: ngứa, tiểu gắt, tiểu buốt, giao hợp đau.
Tác nhân gây viêm âm đạo có nhiều loại, có thể do vi khuẩn gây bệnh lậu, do trùng roi (loại ký sinh trùng có tên Trichomonas sống trong nước ở đồng ruộng, sông nước), do vi nấm (như nấm Candida gây ngứa), hay do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gọi là tạp trùng.
Vì có sự nhiễm trùng cơ quan sinh dục nên có khi bác sĩ chỉ cho dùng thuốc điều trị tại chỗ (thuốc rửa, thuốc đặt), nhưng có khi phải dùng cả hai loại thuốc điều trị toàn thân (uống hoặc tiêm) và điều trị tại chỗ.
Chị em nên tuân thủ thực hiện theo y lệnh bác sĩ để việc điều trị hiệu quả và nhanh chóng hơn. Không vì sợ ảnh hưởng việc chăn gối mà thoái thác phương thức trị liệu tại chỗ cần thiết (việc chăn gối nên thực hiện sau khi chữa dứt bệnh phụ khoa mới an toàn).
Những lưu ý khi sử dụng thuốc
- Chỉ dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ. Tức khi nghi ngờ bị bệnh phụ khoa, không nên tự chữa trị mà nên đến bác sĩ khám. Một số phụ nữ trẻ do e ngại việc khám phụ khoa và giấu giếm bệnh dẫn đến vô sinh sau này, tức không thể có con trong điều kiện tự nhiên.
- Bác sĩ sau thăm khám, xác định nguyên nhân bệnh, chỉ định dùng thuốc đặt âm đạo, khi đó mới mua thuốc về dùng và dùng đúng liều. Đặc biệt, không giảm bớt cũng như không kéo dài thời gian đặt thuốc (thông thường bác sĩ phụ khoa chỉ định đặt thuốc trong thời gian 7 - 10 ngày).
- Thuốc đặt âm đạo thường có dược chất chứa một kháng sinh dùng để đặc trị một tác nhân gây bệnh cụ thể (như chứa metronidazol đặc trị trùng roi hoặc chứa clotrimazol đặc trị nấm Candida . Hoặc có loại chứa nhiều kháng sinh trị cùng lúc nhiều tác nhân gây bệnh (như Tergynan chứa ternidazol trị trùng roi, Nystatin diệt nấm, Neomycin kháng khuẩn).
- Nhớ rửa sạch tay bằng xà phòng để đảm bảo vệ sinh trước khi đặt thuốc.
- Nếu sau đợt đặt thuốc mà bệnh vẫn không thuyên giảm, bạn nên đi thăm khám lại và nói rõ với bác sĩ điều trị để có hướng xử trí thích hợp.
- Cần tránh giao hợp trong thời gian dùng thuốc đặt âm đạo để thuốc phát huy tác dụng cao nhất.
Điều trị kéo dài Để chữa trị bệnh cần đi khám phụ khoa, xác định đúng nguyên nhân (có khi phải làm xét nghiệm để tìm đúng mầm bệnh) và dùng thuốc phù hợp (nếu bị nấm thì phải dùng đúng thuốc trị nấm, không dùng thuốc nào khác) như viên uống, viên đặt âm đạo, thuốc rửa phụ khoa. Việc điều trị có khi đến vài tháng và nếu đã lập gia đình, có thể điều trị cả vợ lẫn chồng. PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC |