Thực phẩm, đồ uống độc đại náo thị trường tuần qua
Trong tuần qua, nhiều nghi án liên quan đến việc đầu độc bằng thực phẩm thực phẩm bị cơ quan chức năng và người dân phát hiện gây hoang mang dư luận.
Rượu nhiễm độc dẫn đến tử vong
Ngày 6/12, Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia đã xác định: Sản phẩm “Rượu Nếp 29 Hà Nội” do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10/2013 bán trên toàn quốc đều chứa hàm lượng methanol cao hơn 2.000 lần tiêu chuẩn cho phép, nên đã thông báo khẩn cấp tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cho đến nay, đã lập biển bản niêm phong tất cả các mặt hàng rượu này trên tất cả 16 huyện thị của tỉnh Quảng Ninh. Ngày 5/12, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP Quảng Ninh, đã đến kiểm tra tổng đại lý phân phối rượu nếp 29 Hà Nội ở Quảng Ninh đặt trong Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Thái Lan (tổ 65, khu 6, phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long) và tiến hành thu giữ hơn 4.000 can ghi lô sản xuất ngày 12/10/2013 và hơn 2.000 can rượu lô ngày sản xuất khác.
Tính từ cuối tháng 11 đầu tháng 12/2013 tại Quảng Ninh liên tiếp xảy ra 4 người tử vong sau khi sử dụng “Rượu Nếp 29 Hà Nội" sản xuất ngày 12/10/2013 với biểu hiện đau đầu, chóng mặt, mờ mắt.
Giá đỗ chứa chất kích thích cực độc
Trước đó không lâu, ngày 3/12, 80.000 ống hóa chất kích thích giá đỗ nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam mà Công an Hà Nội phát hiện, thu giữ đã được nhận diện thành phần.
Viện nghiên cứu về ATTP và thuốc bảo vệ thực vật lớn nhỏ tại Hà Nội đã có công văn trả lời kết quả phân tích. Theo đó, 80.000 ống hóa chất trên có thành phần chủ yếu là các chất kích thích tăng trưởng thực vật, thuộc họ Cytokinins và họ Auxins có tác dụng kích, thúc sự nảy mầm và sinh trưởng của cây trồng (dùng nhiều trong giá đỗ và cây su su…), để kìm hãm sự phát triển của rễ, thúc đẩy hình thành mầm hoa và nở hoa, quá trình tạo quả và sinh trưởng của quả.
“Loại hóa chất trên không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm, do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam” - Đại tá Hà Quốc Khanh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, cho biết trong công văn trả lời.
Cơ quan giám định khuyến cáo: Do chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu chất lỏng trên tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người, có thể gây bỏng da, hỏng mắt. Nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.
Cá khô được chế biến từ cao su
Ngày 7/12, bà Phạm Thị Lệ Hồng (60 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa - Đồng Nai) có mua một lượng cá khô lớn với những biểu hiện như màu sắc, mùi vị, độ dày, mỏng giống miếng cá khô thật, nhưng loại cá khô này khi đem đốt lại bắt lửa nhanh và cháy giống cao su.
Theo lời trình bày của bà Hồng vào ngày 6/12, hơn nửa cân khô cá ba sa được bà mua tại chợ Biên Hòa cách đây gần một tháng rồi buộc lại cất giữ nhưng không dùng đến.
Mới đây, bà đem khô cá ra cắt nhỏ thành từng miếng để chế biến thức ăn thì thấy khô, rất cứng. Sau khi ăn thử hai miếng, bà Hồng cảm giác khó chịu và buồn nôn.
Nghi ngờ về sự khác lạ, bà dùng lửa kiểm tra, miếng khô cá bắt lửa nhanh chóng và có mùi khét, muội than rơi xuống giống hệt như khi đốt cao su hay nhựa túi ni lông.
Thạch dừa có thể đốt cháy
Ngày 6/12, một người dân ở quận Cầu Giấy - Hà Nội cũng phản ánh về việc mua phải gói thạch dừa tại một siêu thị ở Hà Nội có biểu hiện nhai lâu nhưng không hết, để lại bã màu trắng, dai như ni-lông, khi đốt lên có khói đen và mùi khét.
Tuy nhiên, phía quản lý của siêu thị lại khẳng định rằng sản phẩm thạch dừa của họ có đủ giấy tờ được cơ quan nhà nước xác nhận. Nghĩa là họ đã làm theo luật và luật luôn là đúng. Ở đây, phía siêu thị tin vào chất lượng kiểm tra được ghi trên giấy tờ ấy và không kiểm tra lại sản phẩm.
Hiện mẫu sản phẩm thạch dừa này đã được phía lãnh đạo siêu thị niêm phong và đem đi kiểm tra tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.