Quá nửa hàng đóng gói bị cân thiếu
Trung bình hiện nay trên thị trường thì cứ 2 sản phẩm đóng gói sẽ có 1 sản phẩm không đảm bảo về khối lượng ghi trên bao bì. Đây là số liệu thống kê của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.
Tình trạng cân thiếu, cân điêu trên thị trường hàng tiêu dùng không còn là chuyện mới. Để tránh tình trạng này, nhiều người tiêu dùng (NTD) ngày nay hay tìm đến những sản phẩm đóng gói. Thế nhưng, ngay cả những sản phẩm tưởng như đảm bảo hơn về trọng lượng này cũng không tránh khỏi việc “buôn gian bán lận”.
Ghi nhận của phóng viên tại một số cửa hàng và siêu thị. Một gói kẹo lạc đóng gói mua tại siêu thị, trọng lượng ghi trên bao bì là 200g. Tuy nhiên, khi cắt bao bì, đổ ra cân đo thì trọng lượng thực của nó chỉ còn 190g. Một chai nước tương có thể tích ghi trên nhãn mác là 500ml, nhưng khi rót ra bình đo, thể tích thực chỉ có 470ml.
Trung bình hiện nay trên thị trường thì cứ 2 sản phẩm đóng gói sẽ có 1 sản phẩm không đảm bảo về khối lượng ghi trên bao bì. Đây là số liệu thống kê của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.
50% là con số không hề nhỏ và những sản phẩm bị cân thiếu có thể tìm thấy tràn lan trên thị trường từ chợ cóc cho đến cửa hàng tạp hóa, thậm chí cả siêu thị - nơi được đảm bảo nhất về chất lượng hàng tiêu dùng.
Nước mắm, kẹo đóng gói, ngô đóng gói hay các sản phẩm đông lạnh… đều là những sản phẩm đóng gói được tiêu thụ nhiều. Đó là những sản phẩm đóng gói có khối lượng nhỏ, nên phần lớn NTD không kiểm tra, hoặc tặc lưỡi cho qua vì nghĩ không đáng kể.
“Mua mỗi thứ một ít, nên dù có hao hụt thì mình nghĩ cũng không đáng kể. Vì nghĩ rằng quay trở lại sẽ mất rất nhiều thời gian nên đành thôi và tự rút kinh nghiệm cho lần sau”, một NTD chia sẻ.
NTD cho qua, nơi phân phối hàng hóa cũng tỏ ra lơ là kiểm tra trách nhiệm ngay chính tại cửa hàng mình. “Mình nhập về, nó đóng thế nào thì biết thế chứ chị chẳng cân lại”, một người bán hàng cho hay.
Tuy nhiên, lợi nhuận của các nhà sản xuất thì không hề nhỏ, với hình thức bớt xén từ 5% – 10% khối lượng từng mặt hàng. Đơn cử là mặt hàng nước mắm, một chai nước mắm 500ml có giá 20.000 đồng/chai, hao hụt 5%, tức là NTD mất không 1.000 đồng. Trung bình một năm, một doanh nghiệp sản xuất ra 3 triệu lít nước mắm. Như vậy tính ra, NTD đã mất không cho doanh nghiệp đó 3 tỷ đồng mỗi năm.
3 tỷ đồng rút ruột từ những sản phẩm có trọng lượng vẻn vẹn vài gram là một con số không hề nhỏ. Đây mới chỉ là thống kê từ một đơn vị sản xuất của một mặt hàng. Trách nhiệm thuộc về ai? Và làm thế nào để giải quyết được tình trạng này?
Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế phân tích: Những người bán hàng trực tiếp ở những địa điểm cố định, coi đó như một nghề sống chết với nó và có những nhận thức đầy đủ thì họ có ý thức rất tốt trong vấn đề cung cấp, đảm bảo chất lượng cho khách hàng, cũng như giữ mối quen.
Tuy nhiên, những hàng hóa họ nhập từ người khác đã bị thiếu ngay từ gốc, họ không kiểm tra lại, hay vì sức ép nào đó họ buộc phải bán mặt hàng ấy. Như vậy, ở đây cả hai đều có lỗi. Lỗi của người cung cấp, cũng như lỗi của người trực tiếp bán hàng.
Trường hợp đặc biệt như siêu thị, ở đây trách nhiệm thuộc về bộ phận kiểm soát. Tức là họ không tạo ra được sức ép cần thiết để những đơn vị cung cấp hàng, họ đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng, cũng như số lượng in trên bao bì.
Chia sẻ về biện pháp xử lý để giảm bớt hiện trạng trên, ông Phong cho biết: “Có những quy phạm đảm bảo phạt tới nơi tới chốn, chứ không phải ở một mức mang tính chất rất nhỏ tượng trưng, khiến cho người cung cấp họ cảm nhận được dù bị phạt nhưng vẫn có lời và vẫn tiếp tục “ăn gian”.
Đồng thời, phải có quy định buộc những cửa hàng có những dụng cụ như cân để NTD có quyền kiểm tra lại những sản phẩm họ đã mua. Hay các cơ quan chức năng có thể đình chỉ, kiểm tra đột xuất những dụng cụ đo lường trong siêu thị để đảm bảo chất lượng những dụng cụ đó. Nếu sai sẽ bị phạt lỗi rất nặng”.
Ông Phong khuyến cáo: “NTD nên chọn những người mua quen, hay những nơi được đầu tư cơ sở bán hàng một cách cẩn thận. Mặc dù có thể đắt một chút, nhưng sẽ đảm bảo cả về khối lượng lẫn chất lượng. Đảm bảo mang giá giữa tiền bỏ ra và sản phẩm mua được”.