Thử tài đầu năm: Bỏ đuôi có ở đám ma/ Bỏ đầu là bệnh người ta đề phòng/Để nguyên, vui nức trong lòng/ Đầu đuôi bỏ, chợ ngồi không mà buồn - Đây là chữ gì?

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Chữ này quá hợp ở thời điểm hiện tại. Bạn đoán ra chưa nào?

Rất nhiều người nước ngoài học tiếng Việt khi mới bắt đầu học đều cho rằng tiếng Việt là một hệ thống ngôn ngữ phức tạp và khó có thể học thành thạo được. Tuy nhiên, các nghiên cứu về ngôn ngữ đã chỉ ra rằng tiếng Việt vẫn chỉ được xếp là ngôn ngữ khó trung bình trên thế giới mà thôi. 

Tuy nhiên, đó là nói về tiếng Việt... thông thường. Còn khi nhắc đến những từ tiếng Việt được nói lái, chơi chữ tài tình, lắt léo thì ngay cả người Việt xịn đôi khi cũng toát mồ hôi nhưng đành giơ tay xin hàng. 

Những ngày đầu năm mới này cùng thử sức với câu đố chữ tiếng Việt sau đây nhé: Bỏ đuôi có ở đám ma/ Bỏ đầu là bệnh người ta đề phòng/Để nguyên, vui nức trong lòng/ Đầu đuôi bỏ, chợ ngồi không mà buồn?

Chữ nào mà "vi diệu" đến thế nhỉ? Đó chính là chữ... TẾT. TẾT bỏ đuôi T thành chữ TẾ - Bỏ đầu T thành ẾT (AIDS) - Để nguyên là TẾT - Bỏ cả đầu đuôi chỉ còn Ế. 

Thử tài đầu năm: Bỏ đuôi có ở đám ma/ Bỏ đầu là bệnh người ta đề phòng/Để nguyên, vui nức trong lòng/ Đầu đuôi bỏ, chợ ngồi không mà buồn - Đây là chữ gì? - Ảnh 1.

Nếu có hứng thú với các câu đố, hãy thử sức với các câu hỏi về Tết sau nhé. Những câu đố vui này sẽ giúp mọi người có thể biết thêm nhiều điều về văn hóa Tết Nguyên Đán của người dân Việt Nam, hiểu hơn về các tập tục, lễ hội, ẩm thực,... diễn ra trong dịp Tết. 

Câu 1: Vườn xanh lại đóng khố xanh/ Xung quanh trồng hành, thả lợn vào trong. Đố là bánh gì? Đáp án: Bánh chưng xanh.

Câu 2: Mặt thì vuông vức chữ điền/ Bụng no đậu đỗ lại nghiền thịt heo/ Hùng Vương xưa chấm Lang Liêu/ Cũng vì tấm bánh quý yêu phân trần. Là bánh gì? Đáp án: Bánh chưng.

Câu 3: Con gì quang quác/ Cục tác cục te/ Đẻ trứng tròn xoe/ Gọi người đến lấy. Đáp án: Con gà.

Câu 4: Tên các vị thần đại diện cho sự giàu sang, hạnh phúc và sức khỏe? Đáp án: 3 ông Phúc, Lộc, Thọ.

Câu 5: Công việc mà các thầy đồ thường làm vào ngày Tết? Đáp án: Viết chữ, câu đối ngày Tết.

Câu 6: Bánh chưng làm bằng gạo gì? Đáp án: Gạo nếp.

Câu 7: Đây là loại cây đặc trưng của ngày Tết, không hoa, không trái nhưng ma quỷ rất sợ. Đáp án: Cây nêu.

Câu 8: Bánh gì tượng trưng cho đất, bánh gì tượng trưng cho trời? Đáp án: Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày tượng trưng cho trời.

Câu 9: Tết Nguyên Đán còn có tên gọi khác là gì? Đáp án: Tết âm lịch (Tết ta).

Câu 10: Tên của một mâm trái cây có 3 thứ quả không thể thiếu của các gia đình trong dịp tết nói lên ước mong khiêm nhường không cầu kỳ cao sang lắm? Đáp án: Trái Mãng cầu, Dừa, Đu đủ.

Chia sẻ