Thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm, nhóm người này ở Mỹ vẫn lo ngại về lạm phát, đa số không dám đi ăn ngoài hay du lịch

Thạch Anh,
Chia sẻ

Lạm phát là một mối lo nghiêm trọng đối với nhiều người Mỹ dù sở hữu thu nhập trên 6 con số (100.000 USD/năm, tức hơn 2,3 tỷ đồng).

Theo khảo sát của CNBC, 96% số người thuộc nhóm thu nhập cao bày tỏ lo ngại về lạm phát, trong khi 65% "rất lo ngại". Khảo sát được thực hiện với 1.000 người Mỹ trưởng thành với thu nhập trên 100.000 USD/năm hồi đầu tháng này.

Lạm phát cũng trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình tài chính và chi tiêu của dân Mỹ, khi khoảng 34% cho rằng tình hình tài chính năm nay của họ tệ hơn năm ngoái; 46% đã phải cắt giảm chi tiêu trong gia đình và nếu lạm phát tệ hơn, 38% khác sẽ nối gót.

"Nó thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh" - Shelly-Ann Eweka, một chuyên gia về kế hoạch tài chính chia sẻ, giải thích thêm rằng tình trạng giá cả tăng cao làm nhiều người lo ngại hơn về tương lai.

Vật giá mọi mặt hàng, từ ga, đồ ăn hay chỗ ở đang leo thang so với năm ngoái tại Mỹ. Mỗi hộ gia đình giờ tiêu tốn thêm hàng trăm USD chi phí mỗi tháng. Vào tháng 5, Chỉ số Giá tiêu dùng, đo lường giá cả hàng hóa tiêu dùng, đã tăng 8,6% so với năm ngoái - mức tăng cao nhất kể từ năm 1981.

Thu nhập hơn 6 con số/năm, nhóm nhân khẩu này ở Mỹ vẫn vô cùng lo ngại về lạm phát, đa số không dám đi ăn ngoài hay du lịch - Ảnh 2.

Lạm phát đang ảnh hưởng thói quen chi tiêu của dân Mỹ, kể cả nhóm thu nhập cao.

Tuy nhiên, lạm phát sẽ cần thời gian để chậm lại.

Ông Jared Bernstein, thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden, giải thích lạm phát do nhu cầu tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị hạn chế và diễn biến phức tạp của các vấn đề quốc tế.

Trong cùng khảo sát trên, phần lớn người Mỹ thu nhập cao nói rằng những khoản đầu tiên họ sẽ cắt giảm là ăn hàng (77%); chi phí giải trí (69%), đi du lịch (63%); và thậm chí là những chi tiêu lớn khác trong hộ gia đình (55%). Theo Eweka, hiện tại người dân chỉ có thể kiểm soát chi tiêu và các quyết định tài chính như một cách để đối phó với lạm phát.

Ngoài ra, bà cũng khuyên mọi người nên đầu tư vào bảo hiểm, cũng như tích trữ một khoản tiền khẩn cấp trong thời gian này.

Carolyn McClanahan, một chuyên gia tài chính ở Florida, cho biết mọi người nên bắt đầu phân biệt giữa các khoản chi tiêu cho nhu cầu cần thiết và ham muốn. Theo đó, hãy cắt giảm các khoản chi không cần thiết.

Thu nhập hơn 6 con số/năm, nhóm nhân khẩu này ở Mỹ vẫn vô cùng lo ngại về lạm phát, đa số không dám đi ăn ngoài hay du lịch - Ảnh 3.

Trong thời gian này, việc ăn ngoài sẽ tạo gánh nặng lên tài chính.

McClanahan cũng cho hay việc đi ăn ở ngoài không chỉ tốn nhiều tiền hơn so với nấu ăn ở nhà mà còn không tốt cho sức khỏe. Khi ở cửa hàng tạp hóa, hãy sử dụng phiếu giảm giá và cân nhắc giữa các mặt hàng để tối ưu chi phí.

Sẽ có những đêm mà quỹ thời gian eo hẹp và bạn muốn gọi đồ ăn mang về cho bữa tối. Tuy nhiên, McClanahan khuyên nấu trước hàng loạt vào cuối tuần rồi để sẵn bữa ăn trong tủ đông dự trữ.

McClanahan, đồng thời thành viên của Hội đồng Cố vấn Tài chính CNBC, cho biết mặc dù lo lắng về giá cả tăng cao là điều đương nhiên, nhưng bạn không thể kiểm soát chúng - và lo lắng về điều đó sẽ không tốt cho sức khỏe của bản thân.

"Hãy chỉ nghĩ về những thứ mà bạn có thể kiểm soát" - cô nói.

Nguồn: CNBC

Chia sẻ