Rác ít đi - hệ quả của lạm phát tại Argentina

Vân Ánh,
Chia sẻ

Đến rác thải cũng có thể trở nên hiếm hoi, đây là thực trạng tại Argentina, một trong những quốc gia có mức lạm phát cao nhất thế giới.

Giá cả tăng cao, người dân chi tiêu ít đi nên là rác cũng ít hơn.

Anh Joaquín Rodrígue, người thu gom phế thải ở Buenos Aires, Argentina, kiếm sống bằng việc thu gom đồ phế thải từ đường phố, các thùng rác ở ngoại ô thủ đô nước này. Tuy nhiên, hiện anh đang gặp phải một vấn đề, đó là lạm phát hơn 60% dẫn đến hệ quả người dân xả rác ít hơn.

Anh Joaquín Rodrígue nói: "Lạm phát ảnh hưởng đến chúng tôi theo cách là mỗi ngày chúng tôi thu gom được ít rác thải hơn. Chắc là người ta mua đồ ít đi và thải rác cũng ít hơn".

Câu chuyện của chàng thanh niên 24 tuổi Rodríguez cũng giống như của nhiều người nhặt rác khác ở Argentina, những người chuyên tìm kiếm thùng carton, đồ thủy tinh và nhựa bán cho các trung tâm tái chế.

Các nhà phân tích theo dõi ngành bán lẻ cho hay, tiêu dùng đã giảm do người dân thắt chặt hầu bao vì thu nhập giảm và giá cả tăng cao.

Theo dữ liệu chính thức, giá cả đã tăng 5,3% trong tháng 6, trong khi ước tính của Ngân hàng trung ương Argentina cho thấy, lạm phát sẽ tăng từ 64% hiện nay lên 76% trong năm nay.

 - Ảnh 1.

Theo chị Paola Godoy, việc giảm lượng rác thải là do sự thay đổi trong cách mua hàng của người tiêu dùng sau khi lạm phát, khi khủng hoảng kinh tế diễn ra. (Ảnh: Reuters)

Chị Paola Godoy, Chủ tịch Hợp tác xã tái chế Jovenes En Progreso, cho biết, các doanh nghiệp hiện sử dụng và bán ra ít nguyên liệu hơn vì hàng hóa không tiêu thụ được mấy: "Bình thường các doanh nghiệp thường đổ bỏ hộp carton hai lần mỗi ngày. Giờ họ chỉ thải ra có một lần vì không bán được hàng. Điều này ảnh hưởng đến những người thu gom rác".

Trên đường phố đã xuất hiện những dấu hiệu của sự tức giận. Một số người dân đã xuống đường.

Ông Augustin Silva, chuyên gia về các vấn đề đói nghèo Argentina, cho biết: "Mọi sự đang tồi tệ đi vì những gì cải thiện chỉ là bề nổi, không bền vững, không đáp ứng được nhu cầu việc làm và thu nhập để giữ được tình trạng nghèo khổ ở mức thấp hoặc không tăng lên".

Chia sẻ