Thu nhập 40 triệu/ tháng, trả góp mua nhà tới 20 triệu nhưng vẫn còn tiền dư - Tiêu sao hay vậy?
Nhờ biết hạ mức sống phù hợp với thu nhập, cặp đôi này vẫn còn dư tiền tiết kiệm hàng tháng dù đang phải trả góp mua nhà.
Trả góp mua nhà 20 triệu đồng/tháng nhưng vẫn còn dư tiền tiết kiệm: Bí quyết là gì?
Ngọc Anh (26 tuổi) và chồng đang sinh sống tại TP. Hạ Long, với tổng thu nhập của gia đình là 40 triệu đồng/tháng. Hiện, mỗi tháng cặp đôi đang trả góp nợ mua nhà 20 triệu đồng, gồm trả nợ ngân hàng và một phần lãi nhỏ để trả nợ người thân.
“Công thức tài chính của vợ chồng mình tương đối đơn giản. Đó là Tiết kiệm bằng Thu nhập trừ đi Chi tiêu, Trả nợ mua nhà. Thu nhập và Trả nợ mua nhà là khoản tiền cố định, do đó để tăng quỹ Tiết kiệm thì chúng mình cần hạn chế Chi tiêu. Hàng tháng, chúng mình có thể để riêng 3-5 triệu đồng tiết kiệm, tùy thuộc vào chi tiêu của tháng đó. Nhưng nói chung, mình luôn cố gắng có một khoản tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro và dùng lúc cần tiền gấp", Ngọc Anh chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Hàng tháng, trung bình vợ chồng cô dành 15 triệu đồng để chi tiêu cho gia đình hai người. Các khoản chi tiêu như sau: 1 triệu đồng dành cho chi phí ở chung cư; 5 triệu đồng tiền ăn uống; 2 triệu đồng dành cho thăm hỏi, lễ biếu của bố mẹ hai bên; 1 triệu đồng dành cho xăng xe, điện thoại; 6 triệu đồng dành cho chi tiêu cá nhân của hai vợ chồng.
Ngọc Anh nói thêm, cô không có thói quen ghi chép lại các khoản tiêu dùng mà sẽ luôn cố gắng để giới hạn ngân sách dành cho chi tiêu là 15 triệu đồng/tháng.
“Bởi lẽ hiện tại, chi phí hàng tháng của gia đình mình ít có sự thay đổi. Do đó, mình thấy chưa có nhu cầu phải ghi lại rạch ròi từng khoản chi phí. Bên cạnh đó, mình đánh giá 15 triệu đồng/tháng là mức chi tiêu khá ít dành cho gia đình 2 thành viên, nên mình cũng không muốn co ép bản thân phải rút bớt.
Dù 15 triệu đồng/tháng không phải mức chi tiêu dư dả nhưng hiện tại chúng mình thấy ổn với mức sống này. Bởi lẽ hai vợ chồng mình đều có suy nghĩ muốn tiết kiệm, nhu cầu sống cũng không cao, chẳng hạn đi ăn hàng thì vẫn thường chọn quán bình dân thay vì nhà hàng cao cấp, hoặc mình không có thói quen mua sắm quá nhiều quần áo hay mỹ phẩm giống các chị em khác vậy", cô nàng chia sẻ.
Không ghi chép chi tiêu nhưng vẫn dư tiền tiết kiệm
Với số tiền nhàn rỗi khoảng 3-5 triệu đồng/tháng, Ngọc Anh đã gửi riêng vào tài khoản ngân hàng khác. Với cô nàng, so với thời độc thân thì khi lập gia đình, luôn có trong tay quỹ tiết kiệm đặc biệt quan trọng hơn.
“Khi đã lập gia đình, kế hoạch tài chính của bạn sẽ đột nhiên có khoản phát sinh, chẳng hạn đi chơi người thân bị ốm, bố mẹ hai bên đột nhiên cần đến tiền, đi đám cưới của bạn bè,... Đây là những khoản bạn cần chi sau khi kết hôn, mà tại thời điểm chưa có gia đình, bạn có thể không nghĩ tới quá nhiều".
Ảnh minh hoạ
Với riêng khoản chi tiêu khoảng 15 triệu đồng/tháng, cô cho biết để giữ khoản tiền này mà không lo bị lạm phát theo thu nhập thì cặp đôi cũng có một số quy tắc riêng.
Thứ nhất, tiêu chí mua sắm của họ là chọn sản phẩm vừa túi tiền, chỉ mua đồ khi thực sự cần chứ không phải vì chúng được giảm giá, hay đột nhiên mua sở hữu đồ.
Bên cạnh đó, khi muốn mua đồ có giá trị lớn, chẳng hạn máy tính, TV hoặc vàng,... họ thường đặt ra mục tiêu trong khoảng thời gian bao nhiêu thì sẽ mua. Trong thời gian đó, một là vợ chồng Ngọc Anh cố gắng kiếm được nhiều hơn, hoặc sẽ chi tiêu ít đi để việc sở hữu món đồ không ảnh hưởng đến ngân sách chung.
Thứ hai, họ chỉ mua đồ khi thực sự có tiền, hạn chế vay mượn để không cần trả lãi hoặc vượt ngân sách chi tiêu. Cũng vì thế, dùng thẻ tín dụng để “vay trước trả nợ sau" luôn nằm ngoài kế hoạch của Ngọc Anh.
“Mình không dùng thẻ tín dụng vì chưa biết cách tận dụng chúng để được hưởng ưu đãi. Trong khi đó, thẻ tín dụng lại khiến mình dễ mua sắm bốc đồng hơn. Vả lại, mình được nghe nhiều tin tức dùng thẻ tín dụng thì sẽ dễ hình thành các khoản phạt trong quá trình sử dụng, nên mình không yên tâm lắm khi xài chúng".
Cuối cùng, Ngọc Anh cho rằng quan trọng nhất là hình thành tư duy “kiếm được 10 đồng thì không nên tiêu hết cả 10 đồng". Bởi khi đã có ý thức phải có tiền tiết kiệm, bạn thường sẽ tự điều chỉnh hạ mức sống xuống để phù hợp với số tiền đang có.