Thủ đoạn lừa đảo tinh vi mùa du lịch cao điểm, khách hàng dễ bị thao túng, vội vàng là mất tiền

Khánh Ngọc,
Chia sẻ

Công an tỉnh Bình Thuận ghi nhận các hoạt động lừa đảo tinh vi liên quan đến hoạt động du lịch tại địa phương vẫn tiếp diễn, gây bức xúc cho người dân.

Sắp bước vào mùa du lịch cao điểm, công an Bình Thuận cảnh báo, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua lập các website, fanpage giả mạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chính thống tại địa phương vẫn tiếp tục diễn ra và gây bức xúc đối với khách du lịch.

Cụ thể, các phương thức giả mạo đã được phát hiện như sau:

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi mùa du lịch cao điểm, khách hàng dễ bị thao túng, vội vàng là mất tiền - Ảnh 1.

Ảnh: Do doanh nghiệp du lịch trên địa bàn phối hợp cung cấp.

+ Cung cấp tour du lịch với giá rẻ hơn so với giá thị trường: Ưu đãi này khiến nhiều người tin tưởng và quyết định đặt cọc hoặc thanh toán trước để giữ được chỗ.

+ Sao chép hoặc tự tạo ra các đánh giá giả mạo: Đối tượng sử dụng tài khoản ảo để tạo ra những phản hồi tích cực, khen ngợi dịch vụ nhằm tạo dựng niềm tin cho khách hàng.

+ Gây sức ép tâm lý để khách hàng thanh toán nhanh chóng: Đối tượng thường sử dụng những thủ đoạn gây sức ép tâm lý như “chỉ còn vài suất”, “khuyến mãi chỉ có hôm nay” để thúc giục khách hàng quyết định thanh toán nhanh chóng mà không có thời gian suy nghĩ hoặc kiểm tra kỹ thông tin.

+ Chuyển hướng khách hàng đến website giả mạo: Sau khi liên lạc được với khách hàng, đối tượng có thể gửi khách hàng đến có link chứa mã độc để tiếp tục thu thập thông tin thẻ tín dụng, mật khẩu hoặc yêu cầu khách hàng thanh toán qua các phương thức không an toàn.

Công an Bình Thuận khuyến cáo người dân các cách thức phòng tránh bị lừa đảo trong mùa du lịch

* Đối với khách du lịch cần:

+ Luôn xác minh thông tin đặt phòng qua nhiều nguồn: kiểm tra thông tin từ website chính thức, tổng đài hỗ trợ hoặc tham khảo qua các ứng dụng Agoda, Booking.com.

+ So sánh, đối chiếu số điện thoại và email mà fanpage cung cấp với thông tin chính thức trên website của khu nghỉ dưỡng hoặc các trang uy tín về du lịch.

+ Cảnh giác với yêu cầu thanh toán ngay lập tức: Các khu nghỉ dưỡng hoặc khách sạn lớn thường có quy trình xác nhận đặt phòng rõ ràng qua email chính thức. Nếu fanpage yêu cầu chuyển khoản ngay hoặc không có xác nhận từ hệ thống, khách hàng cần dừng giao dịch ngay. Tuyệt đối không thanh toán qua tài khoản cá nhân.

+ Trường hợp công dân/khách du lịch phát hiện đã bị lừa đảo thì lưu giữ bằng chứng giao dịch, email, tin nhắn và biên lai giao dịch để làm bằng chứng và trình báo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.

* Đối với các doanh nghiệp, cơ sở du lịch tại địa phương, cần:

+ Tăng cường bảo vệ thương hiệu trên mạng xã hội: Doanh nghiệp du lịch cần đăng ký tick xanh chính thức trên Facebook và các nền tảng khác để khách hàng dễ nhận diện (đăng ký theo các điều, khoản quy định của các nền tảng); thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các nền tảng thông tin, trang mạng xã hội giả mạo cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của mình; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời giải quyết, xử lý các vụ việc khi phát hiện.

+ Cảnh báo và hướng dẫn khách hàng: Đăng các thông báo cảnh báo trên website, fanpage chính thức về tình trạng lừa đảo và hướng dẫn khách hàng cách phân biệt trang thật – trang giả (nếu có);

+ Khi phát hiện các trang giả mạo cần báo cáo trên các nền tảng và trao đổi và báo cáo các cơ quan chức năng theo dõi.

Việc nâng cao nhận thức và cảnh giác sẽ giúp khách hàng tránh được các rủi ro không đáng có, đồng thời góp phần bảo vệ uy tín và thương hiệu của các doanh nghiệp du lịch. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng khuyến cáo: Hãy luôn cảnh giác và kiểm tra kỹ nguồn gốc trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào để bảo vệ quyền lợi của bạn.

Công an Bình Thuận

Chia sẻ