Thông tin hữu ích cho người có biểu hiện ho ra máu
Ho ra máu có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm trùng nặng, ung thư và các tổn thương mạch máu trong phổi.
Trong giai đoạn thời tiết chuyển sang mùa đông, bác sĩ chúng tôi thường gặp nhiều bệnh nhân đi khám vì biểu hiện ho ra máu.
Thế nào là ho ra máu?
Ho ra máu là khi người bệnh ho, máu từ phổi thoát ra ngoài qua miệng. Đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm trùng nặng, ung thư và các tổn thương mạch máu trong phổi.
Ho ra máu được chia thành nhiều loại dựa trên lượng máu ho ra trong 24 giờ.
- Ho ra máu ồ ạt hoặc đe dọa tính mạng, lượng máu dao động từ 100 ml đến hơn 600 mL.
- Ho ra máu không đe dọa tính mạng hoặc không nghiêm trọng (vừa hoặc nhẹ), lượng máu từ 20 đến 200 ml máu.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, kể cả bác sĩ cũng rất khó tiên lượng được.
Phân biệt với ho ra máu giả
Khi thăm khám cho bệnh nhân ho ra máu, bác sĩ sẽ luôn cần tìm hiểu xem máu từ phổi, tức là ho ra máu, hay từ đường hô hấp trên hoặc đường tiêu hóa trên. Những trường hợp này được gọi là ho ra máu giả, hoặc bệnh nhân có thể đang nôn ra máu.
Ho ra máu gây ra đờm (chất người bệnh ho ra) có màu đỏ tươi hoặc hồng và sủi bọt.
Ho ra máu giả trông rất giống ho ra máu. Xét nghiệm có thể là cách duy nhất để nhận ra sự khác biệt.
Nôn ra máu tạo ra chất màu sẫm hơn và trông giống như bã cà phê, có thể có lẫn các mảnh thức ăn.
Các nguyên nhân ho ra máu
Các nguyên nhân thường gặp là: Viêm phế quản cấp hoặc mạn, ung thư phổi, đường hô hấp bị tổn thương (giãn phế quản)- đặc biệt là do xơ nang, viêm phổi, lao phổi, lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…
Ho ra máu cũng có thể do một số nguyên nhân ít gặp khác như: suy tim sung huyết, đặc biệt là do hẹp van hai lá, do sử dụng cocaine, do dị vật đường thở, do các tình trạng viêm hoặc tự miễn dịch (như lupus, u hạt kèm viêm đa mạch, viêm đa vi mạch, hội chứng Churg-Strauss, bệnh Goodpasture hoặc bệnh Behcet), do áp xe phổi, u lành tính tại phổi, nhiễm ký sinh trùng, dị dạng động tĩnh mạch phổi (AVM), tắc động mạch phổi, chấn thương phổi, sử dụng thuốc chống đông máu, do giãn mao mạch xuất huyết di truyền hoặc bệnh sarcoidosis.
Trong một số trường hợp, bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân nhưng tình trạng ho ra máu thường hết trong vòng 6 tháng. Trường hợp này gọi là ho ra máu vô căn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Một số tình trạng ho ra máu có thể theo dõi tuy nhiên bạn cần khám ngay nếu:
- Ho ra máu kéo dài hơn một tuần.
- Ho máu kèm đau ngực
- Ho máu kèm sút cân
- Ho máu kèm đổ mồ hôi đêm
- Ho máu kết hợp sốt trên 40 độ
- Ho máu kèm khó thở
Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân và mức độ ho ra máu sau khi khai thác kĩ các biểu hiện ho máu của người bệnh, thời gian, tần xuất, ước lượng số lượng máu cũng như các biểu hiện đi kèm ho ra máu… Bác sĩ có thể cho bệnh nhân chụp X-quang ngực, sơ bộ đánh giá phổi, chụp CT lồng ngực (tìm một số nguyên nhân gây ho ra máu: u phổi, tắc động mạch phổi, dị vật…), chụp cộng hưởng từ phổi (tìm ra một số nguyên nhân như xơ phổi, giãn phế nang, tổn thương nhu mô phổi…), nội soi phế quản, xác đinh tổn thương và có thể điều trị một số trường hợp như gắp dị vật, sinh thiết khối u…
Bác sĩ cũng sẽ cho xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), đông máu cơ bản, sinh hóa: đánh giá mức độ ho ra máu; xét nghiệm khí huyết động mạch (đo nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu của bệnh nhân, nồng độ oxy có thể thấp ở những người ho ra máu).
Việc điều trị bệnh ho ra máu phụ thuộc vào lượng máu bệnh nhân ho ra và nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu ho ra máu ồ ạt hoặc đe dọa tính mạng, bệnh viện sẽ can thiệp giúp bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch rồi điều trị nguyên nhân.
Để phòng bệnh, chúng ta cần điều trị sớm các viêm nhiễm đường hô hấp. Nếu bạn hút thuốc lá, hãy dừng lại. Đó là điều tốt nhất bạn có thể làm để tránh bệnh ho ra máu và giữ gìn sức khỏe tổng thể của bạn.