Thông gia đi dép tổ ong đến gặp mặt và yêu cầu nhà tôi trả nợ cho con rể thì mới chịu cưới xin
Cuộc đời tôi chưa bao giờ gặp chuyện oái oăm đến như vậy.
Mang thai 9 tháng 10 ngày, dứt ruột sinh ra nó rồi tần tảo nuôi nó 25 năm trời để rồi đùng 1 ngày nó thông báo cho người mẹ này tin sét đánh là nó đang mang thai. Ai làm mẹ chắc sẽ hiểu được tâm trạng khó nói được bằng lời của tôi vào thời điểm đó.
Có thể những người mẹ khác sẽ mạnh mẽ và cứng rắn hơn tôi nhưng khi tiếp nhận thông tin đó từ con gái tôi thật sự suy sụp. Tôi không trách nó hư hỏng hay gì hết, mà tôi lo lắng cho tương lai sợ rằng con gái mình, cháu ngoại mình sẽ khổ.
Thế nhưng sau đó thì tôi cũng bình tĩnh lại, thời đại này không có con được mới phải lo chứ có thể khỏe mạnh sinh ra được 1 sinh linh bé bỏng là phúc phần lắm. Lúc này, tôi không vững vàng lên để đưa đường chỉ lối cho con gái thì sợ rằng khi tâm trạng bất ổn thế này nó sẽ lựa chọn sai lầm mất.
Tôi quyết định gặp mặt cậu trai kia trước, lần đầu gặp tôi thấy cậu ta cũng không đến nỗi nào, thấy con gái mình cũng có vẻ nặng tình nhưng cậu ta thì lại điềm tĩnh hơn rất nhiều. Cậu ta không chủ động đề cập đến chuyện cưới xin nên cuối cùng tôi vẫn phải là người đặt câu hỏi xem cậu ta định như thế nào.
Vừa thấy tôi nhắc đến chuyện đứa bé, cậu ta có vẻ như không được thoải mái lắm và có phần lảng tránh. Buổi gặp hôm đó tôi quyết định không tiếp tục hỏi về chuyện cưới xin vì nếu tiếp tục sẽ khiến cho cậu ta nghĩ rằng nhà tôi giục cưới. Tôi chưa biết nhà thông gia là người như thế nào nên không muốn làm mất giá trị của con gái mình. Nhà người ta tốt thì không sao nhưng "lỡ như" thì sao?
Lần thứ 2 gặp mặt thì cậu ta chủ động đề cập đến chuyện cưới hỏi, xin phép tôi cuối tuần đưa bố mẹ mình sang nhà để người lớn nói chuyện với nhau. Về sau tôi mới biết là lần đầu gặp chưa có sự cho phép của mẹ nên cậu ta không dám nói gì, lần thứ 2 là vì được sự "cấp phép" của mẹ rồi mới dõng dạc như vậy.
Cuối tuần nhà bên đó sang nói chuyện, tôi tiếp đón chỉn chu nhưng không vồ vập. Ai nói tôi nhiều toan tính trong đầu tôi cũng chấp nhận nhưng tôi không thể không cố gắng sắp xếp cuộc sống cho con mình trong khả năng của mình được. Con gái mình nuôi nấng bao nhiêu năm trời, nó có dại dột thì mình vẫn thương mà.
Tuy nhiên, buổi gặp đó tôi nhận ra vài vấn đề.
Thứ nhất, ông thông gia đi dép tổ ong đến và bà thông gia vẫn mặc đồ bộ ở nhà đến để đặt vấn đề hỏi cưới con gái nhà người ta. Tôi không nặng nề chuyện gia cảnh nhưng vấn đề ở đấy là họ không cảm thấy cần phải tôn trọng chúng tôi. Trang phục có thể không sang trọng nhưng ít nhất phải lịch sự, thế nhưng nhà họ lựa chọn xuề xòa để đến một cuộc nói chuyện nghiêm túc.
Thứ hai, mặc dù đến nhà tôi nhưng bà thông gia tương lai chưa biết hôn sự có thành hay không đã liên tục xoi mói con gái tôi. Con bé hay nhuộm tóc sáng màu, bà ấy vừa nhìn thấy liền bĩu môi một cách rất khoa trương rồi lên giọng móc mỉa nói rằng con gái mình mà nhuộm tóc xanh đỏ thế thì sẽ bị cạo đầu.
Thế nhưng tất cả tôi đều nhịn được, cho đến khi bà ấy của thản nhiên nói về điều kiện cưới xin với nhà tôi.
- Thằng nhà tôi mới đầu tư làm ăn nhưng không gặp thời nên hiện tại đang nợ 600 triệu. Tôi nói thẳng trước đỡ mất lòng sau, ông bà cảm thấy chấp nhận được thì chúng ta nói chuyện cưới xin tiếp, còn không thì chắc là nhà tôi sẽ không tổ chức đám cưới để tiền còn trả nợ cho nó. Chuyện tránh thai là nghĩa vụ của đàn bà con gái, không cẩn thận để có con ngoài ý muốn là lỗi của mình nên ông bà sắp xếp trả cho thằng bé nhà tôi số nợ ấy để chúng tôi có tiền còn tổ chức cưới xin.
Tôi quay sang nhìn chồng mình mà cả 2 vợ chồng đều không nói nên lời vì quá bất ngờ. Nói dài như vậy nhưng tóm lại là ông bà thông gia muốn chúng tôi trả nợ cho con trai mình thì mới chịu tổ chức đám cưới.
Mất khoảng hơn 1 phút để tôi tổ chức lại suy nghĩ và đi đến quyết định cuối cùng.
- Dạ vâng thưa anh chị! Nếu anh chị không có tiền để làm đám cưới vì phải trả nợ cho con trai thì cứ trả đi, chúng tôi không có nhu cầu cưới xin gì hết. Tuy nhiên, kể từ sau khi 2 ông bà và cậu đây bước ra khỏi nhà tôi thì đừng bao giờ làm phiền đến con gái và cháu ngoại tôi nữa. Cảm ơn!
Nói rồi chúng tôi tiễn khách. Nhà họ có vẻ ngỡ ngàng lắm nhưng nào có kịp chuẩn bị gì vì chắc là họ nghĩ chúng tôi sợ mất mặt nên sẽ xuống nước. Đời tôi xưa này chỉ sợ lẽ phải chứ mặt mũi có gì đâu mà phải sợ mất. Vợ chồng tôi thừa sức nuôi con được mà cũng thừa sức nuôi cháu được luôn. Cảm thấy không thể tôn trọng được nhau thì nên giải tán ngay từ đầu đi!