Thịt cừu: Đặc sản nức tiếng Ninh Thuận, ai cũng nên thử một lần
Ẩm thực Ninh Thuận vô cùng phong phú với nhiều món ngon nức tiếng nhưng đặc sản được du khách muốn thưởng thức nhất chính là thịt cừu.
Đến với xứ sở hoa xương rồng, du khách dễ dàng bắt gặp những đàn cừu tung tăng trên đồng cỏ hoang sơ, chạy dọc đồi cát ven biển hoặc gần quốc lộ 1A tạo nên hình ảnh rất đỗi thân thương, là đặc trưng của vùng đất Ninh Thuận.
Tỉnh Ninh Thuận có 3 dạng địa hình: núi, đồi gò bán sơn địa và đồng bằng ven biển, được bao bọc bởi ba mặt núi (phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng) và phía Đông có đường bờ biển dài 105 km. Giữa tỉnh và ven biển là vùng đồng bằng khô cằn, được mệnh danh là "miền Viễn tây của Việt Nam".
Ẩm thực Ninh Thuận vô cùng phong phú với nhiều món ngon nức tiếng như gỏi cá mai, dông cát nướng, cơm gà, bún sứa, bánh xèo, bánh căn, trứng cút nướng chén... Song, món đặc sản được nhiều du khách mong muốn thưởng thức nhất tại đây chính là thịt cừu.
1. Thịt cừu Ninh Thuận
Cừu được nuôi thả tự nhiên trên những đồng cỏ hoặc đồi cát, chủ yếu ăn cỏ và cây thấp nên thịt cừu có giá trị dinh dưỡng cao, giàu đạm, nhiều sắt, giúp giảm cholesterol và ngừa loãng xương cũng như các chứng bệnh về thiếu máu, tim mạch, cải thiện khả năng ghi nhớ và tập trung của não. Đặc biệt, những người Mông Cổ sống trên thảo nguyên rộng lớn thì quan niệm rằng, thịt cừu có tác dụng làm ấm và bảo vệ dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa.
Để có những món ăn chế biến từ thịt cừu ngon, quan trọng nhất chính là khâu chọn thịt. Ưu tiên chọn miếng thịt cừu màu hồng, có độ đàn hồi cao, sờ qua cảm nhận được độ dẻo, mịn. Mỡ cừu là phần tạo ra mùi hăng nên đừng chọn miếng thịt có nhiều mỡ. Không nên chọn thịt đã chuyển sang thâm tím, mỡ có màu vàng hoặc trắng ngà vì sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ cholesterol.
Thịt cừu có mùi khá đặc trưng do mỡ và myoglobin tạo ra, trong khi sơ chế nếu không biết cách khử mùi sẽ làm giảm hương vị của món ăn. Để loại bỏ bớt mùi gây của thịt cừu, bạn có thể tham khảo một số mẹo nhỏ sau đây.
- Dùng muối: Thịt cừu rửa sạch, rắc muối lên hai mặt của miếng thịt, để khoảng 60 phút, sau đó rửa lại với nước sạch.
- Dùng gừng: Rửa sơ qua thịt cừu với nước để loại bỏ máu và nước trên miếng thịt. Nướng gừng đến khi có mùi thơm, cạo sạch vỏ ngoài và xay nhuyễn, thoa đều lên thịt, để khoảng 5-10 phút rồi rửa sạch với nước.
- Dùng ngũ vị hương: Sau khi mua về, hãy rửa nhanh thịt cừu với nước rồi ướp thịt với ngũ vị hương trong vòng 5 phút.
- Dùng nước trà xanh: Chuẩn bị ấm trà đặc, khi trà nguội thì cho thịt cừu đã rửa sạch vào ngâm khoảng 10 phút. Sau đó gỡ bã chè rồi rửa lại thịt cừu bằng nước sạch.
- Khử mùi thịt cừu qua các bước ướp: Ngoài một số gia vị thông thường, bạn có thể dùng các loại thảo mộc để ngăn thịt gây ra mùi hôi và tăng thêm hương vị, hoặc ướp thịt cừu với các loại nước hoa quả có vị chua như cam, chanh, táo... Thời gian ướp từ 12 tiếng để thịt ngấm đều gia vị và không bị khê.
2. Món ngon từ thịt cừu
Thịt cừu xào sả ớt
Tuy cách chế biến đơn giản nhưng thịt cừu xào sả ớt được nhiều người ưa thích bởi vị ngọt mềm của thịt và thơm lừng mùi sả quyện lẫn vị đặc trưng của ớt chuông.
Nguyên liệu của món xào là thịt đùi cừu, ớt chuông, cà rốt, măng tươi, tỏi, hành tím băm nhỏ. Các gia vị cơ bản như đường, nước mắm, tiêu xay, dầu hào, dầu ăn.
Thịt cừu rửa sạch, khử mùi hôi đặc trưng bằng gừng, rượu trắng hoặc giấm, rửa lại, để ráo nước. Thái mỏng thịt cừu, ướp sả, tiêu xay, đường, nước mắm, dầu hào khoảng 20 phút để thịt thấm gia vị. Các loại rau củ rửa sạch, chần qua nước sôi chừng 5 phút thì vớt ra.
Phi thơm hành, sả, tỏi băm nhuyễn, cho thịt cừu vào đảo nhanh tay, sau đó thêm ớt chuông, măng, cà rốt vào đảo đều tay, nêm nếm hợp khẩu vị thì tắt bếp. Món thịt cừu xào sả ớt nên xào trước bữa cơm khoảng 5-10 phút để món ăn luôn nóng sốt.
Sườn cừu nướng thảo mộc
Chọn những miếng sườn non nguyên thịt thăn, có thể cắt thành từng dẻ sườn nhỏ hoặc để nguyên miếng dài.
Dùng một cái thố rộng, rồi xếp sườn cừu trải đều trong thố. Lần lượt cho dầu ô liu, muối hột giã nhỏ, tiêu xay, hương thảo tươi (thái nhỏ), lá thyme (cỏ xạ hương), tỏi băm nhuyễn, giấm balsamic và rượu vang đỏ, xoa đều các mặt để gia vị thấm sâu vào bên trong thịt sườn. Đậy kín, cho thịt vào ngăn mát tủ lạnh, ướp khoảng 30 phút rồi nướng trên lửa than (hoặc lò nướng).
Sườn cừu nướng thảo mộc có hương thơm đặc trưng của lá hương thảo và lá thyme, vị thịt đậm đà hòa lẫn với vị béo của dầu oliu và phần mỡ từ thịt cừu tiết ra. Lưu ý, không nên nướng sườn chín quá kĩ sẽ làm thịt cừu bị dai và mất vị ngọt.
Sườn cừu nướng thảo mộc nên ăn ngay trong lúc còn nóng để cảm nhận vị tinh túy và thơm phức của thịt. Có thể dùng với salad trộn, khoai tây chiên, chấm mù tạt hoặc muối tiêu chanh, sốt mayonnaise, sốt Tzatziki hay bất kì nước chấm nào bạn thích.
Thịt cừu nấu nho
Cừu và nho là đặc sản nổi tiếng của Ninh Thuận, người dân nơi đây đã khéo léo kết hợp 2 nguyên liệu này tạo nên món ăn đặc trưng, vô cùng hấp dẫn. Bí quyết làm món cừu nấu nho ngon chính là chọn phần thịt vai cừu tơ, vừa có thịt, vừa có mỡ để khi ninh hầm, thịt cừu mềm và nước có vị béo.
Nho tách vỏ, bỏ hạt, có thể thêm cà rốt, rau củ để nước dùng ngọt hơn. Thịt cừu cắt khúc vừa miếng, ướp gia vị khoảng 20 phút, xào qua với hành, tỏi cho dậy mùi. Khi thịt chín đều thì ninh nhừ trong vòng 1 tiếng. Sau đó cho rau củ đã luộc sơ vào ninh cùng. Cuối cùng cho lá xào dông và một lượng nho vừa đủ, nấu thêm vài phút thì bắc xuống. Không nên nấu nhừ quá sẽ khiến nho bị biến dạng, không đẹp mắt, nước nho ra nhiều làm món ăn tăng vị chua, át vị thịt cừu.
Thịt cừu nấu nho vừa mềm vừa béo, vị thơm nồng đặc trưng quyện cùng nước nấu nho chua ngọt giúp món ăn càng thêm đậm đà. Món thịt cừu nấu nho thường ăn kèm với bánh mỳ hoặc bún.
3. Lưu ý khi ăn thịt cừu
Thịt cừu là món ăn lạ miệng, chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hệ miễn dịch, hệ thần kinh… Thịt cừu bổ máu, giúp tráng dương, mạnh gân cốt, tốt cho phổi, giảm tình trạng hen suyễn hay nhiều chứng bệnh về hô hấp thường gặp trong mùa đông. Tuy nhiên:
- Không ăn sầu riêng sau khi ăn thịt cừu để tránh làm tăng cholesterol trong máu và gây chóng mặt. Tốt nhất nên ăn thịt cừu với măng cụt hoặc uống nước muối nhạt.
- Không kết hợp thịt cừu với giấm và dưa hấu vì chúng ức chế hoạt động của lá lách, dạ dày. Trong quá trình chế biến, chỉ nên nấu thịt cừu trên lửa vừa.
- Không uống trà trước và sau khi dùng thịt cừu vì thịt cừu giàu protein, còn trà chứa axit tannic, kết hợp cùng nhau sẽ sản sinh protein axit tannic, làm giảm nhu động ruột, dễ sinh ra táo bón.
- Thịt cừu có tính ấm nên hạn chế dùng các gia vị nóng như ớt, tiêu, đinh hương… trong khi chế biến vì dễ làm tăng nhiệt độ cơ thể.
- Những người bị đau họng, đau mắt đỏ hay tiêu chảy nên tránh ăn thịt cừu vì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng khó chịu.