Thiếu quyết đoán và suy nghĩ quá nhiều là hai yếu điểm lớn nhất cản trở những nhân viên giỏi
Quá cầu toàn và luôn muốn mọi thứ thật hoàn hảo đôi khi lại trở thành khuyết điểm của những nhân viên giỏi.
Leo Babauta - tác giả của sáu cuốn sách về kinh tế, một blogger nổi tiếng có hơn 2 triệu người đăng ký chia sẻ:
Tôi đã có cơ hội làm việc với rất nhiều nhân viên tài giỏi, khéo léo nhưng lại mắc tính thiếu quyết đoán khiến sự nghiệp của họ bị cản trở.
Thực tế, đôi khi chúng ta cứ mải chìm đắm trong những suy nghĩ của bản thân mà lại chẳng hành động gì cả. Ta nghĩ ra quá nhiều kết quả có thể xảy ra nếu làm thế này, không làm thế kia nhưng thực tế mọi chuyện lại vô cùng đơn giản và chẳng hề phức tạp đến vậy.
Nhân viên giỏi lại thường thiếu tính quyết đoán
Đối với một nhân viên có năng lực bình thường, việc đưa ra lựa chọn với họ lại đơn giản và dễ dàng hơn nhiều.
Những người tài giỏi thường dùng trí thông minh của mình nghĩ ra quá nhiều khả năng có thể xảy ra, rất nhiều cách để giải quyết vấn đề dẫn đến sự chần chừ và thiếu quyết đoán mỗi khi đưa ra quyết định. Họ lúc nào cũng luẩn quẩn trong vòng suy nghĩ: Nếu tôi đưa ra lựa chọn này thì sao? Quyết định này có tốt hơn không? Điều nào sẽ gây ra ít tổn thất hơn nhỉ?... và mãi không thể thoát ra được.
Hãy cố gắng đơn giản hóa vấn đề bởi mỗi sự lựa chọn đều là không chắc chắn, có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động mà bạn không thể kiểm soát hết được. Cái nào là sự lựa chọn tốt hơn là điều chúng ta không thể đoán trước, và dù kết quả có ra sao thì cũng hãy chấp nhận bởi bạn đã cố gắng hết sức rồi. Cứ mãi mưu cầu sự hoàn mỹ thì chỉ khiến bản thân phải chất thêm những gánh nặng mệt mỏi mà thôi.
Suy nghĩ phải đi đôi với hành động
Suy nghĩ chồng chéo giống như những nút thắt càng gỡ nhanh thì càng trở nên rối hơn, hãy bình tĩnh phân tích chúng một cách thấu đáo và tin tưởng vào quyết định của mình.
Suy nghĩ là cần thiết, nhưng đến một lúc nào đó khi đầu óc bắt đầu trở nên rối rắm thì ta buộc phải dừng lại và nói với bản thân là: "Đủ rồi! Đến lúc hành động thôi!" và bắt tay vào thực hiện kế hoạch.
Đặt ra giới hạn thời gian để suy nghĩ về một vấn đề là việc làm cần thiết để bạn học cách trở nên quyết đoán hơn. Cuộc sống còn nhiều khía cạnh khác mà bạn phải quan tâm, sao có thể dành thời gian quý báu nghĩ mãi về một sự việc thay vì giải quyết dứt điểm và nhanh gọn đúng không nào?
Khi phải đưa ra một quyết định, hãy chia nhỏ thành nhiều quyết định nhỏ hơn để có thể kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh nếu cần thiết. Với việc chia nhỏ những quyết định thành nhiều quyết định bé hơn sẽ giảm bớt những rủi ro và giúp chúng ta đưa ra lựa chọn một cách quyết đoán hơn.
Cho dù đó là một quyết định sai lầm của bạn đi chăng nữa, hãy chấp nhận và tha thứ cho chính mình. Cuộc sống đâu thể cứ mãi chạy theo con đường thẳng dễ dàng, phải có vấp ngã thì chúng ta mới rút ra được những bài học để dần hoàn thiện bản thân mình!
Theo EPC