Thiếu ối trong thời gian mang bầu: Nguy hiểm nhưng nhiều chị em không biết

BS Hoa Hồng,
Chia sẻ

Nước ối có chức năng nuôi dưỡng phôi thai, cân bằng dịch nội và ngoại bào. Vì vậy trong thời gian mang thai, nếu nước ối bị thiếu sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến thai nhi.

Chào bác sĩ, em 25 tuổi mang đang mang bầu ở tháng thứ 7, em đi siêu âm  kết quả đều bình thường. Tuy nhiên, trên giấy siêu âm có ghi nước ối ít hơn bình thường. Em đọc các thông tin về nước ối được biết nếu bị thiếu ối trong những tháng cuối thời kỳ mang thai rất nguy hiểm. Hiện tại em đang lo lắng cần làm gì để nước ối bình thường, cần ăn, uống, điều trị như thế nào? Em mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Hoàng Linh)

Trả lời:
 
Hoàng Linh thân mến!

Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi, có vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi trong tử cung.

Bình thường thể tích nước ối khoảng 30ml ở thai 10 tuần, 1.000ml ở thai 34-36 tuần, sau đó có khuynh hướng giảm dần còn 600-800ml vào tuần thứ 40 hoặc khi chuyển dạ sinh.

Ngay từ đầu thai kỳ, nước ối đã có chức năng nuôi dưỡng phôi thai, cân bằng dịch nội và ngoại bào. Nước ối còn có chức năng bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm, sang chấn, đặc biệt là bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối.

1
Bổ sung uống các loại nước và ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý tránh tình trạng thiếu ối (ảnh minh họa)

Trong lúc chuyển dạ, nước ối tiếp tục bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn của cơn co tử cung và nhiễm khuẩn. Sau khi vỡ ối, tính nhờn của nước ối bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi được sinh ra dễ hơn.

Thiếu ối xảy ra trong giai đoạn sớm của thai kỳ thường có tiên lượng xấu, trong khi thiếu ối ở thai quá ngày sinh thường có tiên lượng tốt hơn.

Thiếu ối ở giai đoạn 3 tháng đầu có nhiều nguy cơ sảy thai, thiểu ối trong 3 tháng giữa nguy cơ dị tật thai chiếm cao, thiếu ối trong 3 tháng cuối của thai kỳ khả năng thai nhi suy dinh dưỡng. Ngoài ra thiểu ối làm tăng nguy cơ suy thai và đẻ khó vì chèn ép dây rốn và thai khó bình chỉnh tốt trong khi chuyển dạ.

Việc của bạn bây giờ là cần một sự theo dõi rất chặt của bác sĩ chuyên khoa thường xuyên và đặc biệt là theo dõi sự phát triển của em bé, rồi theo dõi tim thai, là những dấu hiệu để đánh giá sự phát triển của thai nhi và khi theo dõi sát như vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào nguy hiểm bác sĩ  sẽ có những can thiệp kịp thời cho bạn. Bạn nên tập thói quen uống nhiều nước mỗi ngày trung bình 2 lít/ngày như nước khoáng, nước trái cây. Đây là biện pháp phòng ngừa được tình trạng nước ối ít hay thiếu ối, đặc biệt là những thai kỳ trong 3 tháng cuối, đồng thời kết hợp dinh dưỡng đầy đủ chất mỗi ngày.

Việc điều trị thiếu ối tùy thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ. Trong các trường hợp thiếu ối và có các dị dạng cấu trúc thai nhi, cần phải làm thêm các xét nghiệm để xác định các bất thường đó có khả năng điều trị hay không, cũng như có bất thường về nhiễm sắc thể hay không để có quyết định điều trị giữ thai hay đình chỉ thai nghén.

Trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung mà không tìm được nguyên nhân thì xử trí tùy thuộc vào sự diễn tiến của tình trạng suy thai trong tử cung. Cần theo dõi sát các yếu tố chuyển dạ để có tiên lượng và xử trí kịp thời.

Do vậy, bạn cần khám thai đầy đủ và đúng lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời những bất thường có thể xảy ra trong thai kỳ.

Chúc bạn vui khỏe!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn.



Chia sẻ