Thêm một yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư

Hoa Ly,
Chia sẻ

Tiền tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc ung thư lên 15%, đây là kết luận được đưa ra sau một phân tích tổng quát dựa trên 16 nghiên cứu.

Tiền tiểu đường hay còn gọi là tiền đái tháo đường là một dạng rối loạn dung nạp glucose dẫn tới đường huyết cao nhưng chưa xếp vào mức bị tiểu đường. Tuy vậy, những người bị tiền tiểu đường rất dễ tiến triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2, và mới đây, các nhà khoa học còn cho biết tiền tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
 
Tiền tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc ung thư lên 15%, đây là kết luận được đưa ra sau một phân tích tổng quát dựa trên 16 nghiên cứu đăng trên tạp chí Diabetologia của Hiệp hội châu Âu về Nghiên cứu bệnh tiểu đường.

Trong phân tích này, các nhà nghiên cứu tập trung vào hai tình huống về tiền tiểu đường: Giảm dung nạp glucose lúc đói (impaired fasting glucose =IFG) và Giảm dung nạp glucose (impaired glucose tolerance = IGT). Cả 2 tình huống này đều xuất hiện đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đạt mức chẩn đoán là bệnh tiểu đường. Tuy nhiên ở giai đoạn tiền tiểu đường đã xuất hiện tình trạng kháng insulin, là bước khởi đầu trong tiến trình xuất hiện tiểu đường tuýp 2.

Nghiên cứu trước đây đã tìm ra nhiều tương quan giữa tiền tiểu đường và ung thư và vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích 16 nghiên cứu, trong đó bao gồm hơn 890.000 người từ châu Phi, châu Á, châu Âu đến châu Mỹ. Điều này giúp họ có thể kiểm soát các nhân tố như độ tuổi, chỉ số BMI, chủng tộc và các yếu tố khác để có thể hoàn toàn cô lập mối liên kết giữa tiền tiểu đường và ung thư. 

Thêm một yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư 1
Tiền tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc ung thư lên 15%. Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tiền tiểu đường đi kèm với sự gia tăng 15% nguy cơ mắc ung thư nói chung, và tỷ lệ này cũng khác nhau tùy vào loại ung thư. Cụ thể, tiền tiểu đường được cho là làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư dạ dày/ ruột, gan, tụy, vú và ung thư cổ tử cung, trong khi chằng có mấy liên kết với nguy cơ ung thư phế quản/ phổi, tuyến tiền liệt, buồng trứng, thận, hay bàng quang. Nhìn chung, nguy cơ này cao nhất ở gan, cổ tử cung, và dạ dày/ đại trực tràng. Không có khác biệt trong kết quả thống kê giữa hai trường hợp IFG và IGT.

Vậy, điều gì có thể lý giải cho những phát hiện trên? Một giả thuyết được đưa ra rằng chứng tăng đường huyết mãn tính và các vấn đề xung quanh đó có thể trở thành "nhân tố gây ung thư." Hoặc có thể sự tăng đề kháng insulin đã khiến cho cơ thể tiết ra nhiều insulin hơn, làm cho tế bào ung thư có điều kiện phát triển và nhân rộng. Cuối cùng, một nhân tố cũng vô cùng đáng lưu ý khác là gen: liệu có tồn tại những đột biến nào làm cho một số người có nguy cơ mắc cả ung thư và tiểu đường cao hơn những người khác? 

Tuy vậy, các tác giả nghiên cứu khẳng định: "Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng về mặt y tế và lâm sàng. Xét dân số Hoa Kỳ trên 18 tuổi, tỷ lệ mắc tiền tiểu đường điều chỉnh theo độ tuổi tăng từ 29,2% trong giai đoạn 1999-2002 đến 36,2% trong giai đoạn 2007- 2010. Nhìn vào tỷ lệ mắc tiền tiểu đường cao như vậy, cùng với mối liên kết rõ ràng và đáng kể giữa tiền tiểu đường và ung thư thể hiện trong nghiên cứu này, chúng ta có thể có những can thiệp hiệu quả hơn nhằm tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng".

Tin tốt là, ai cũng cần thực hiện những biện pháp khoa học có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường. Bên cạnh đó, việc áp dụng các thói quen, lối sống lành mạnh có thể giúp mọi người tránh được những mối đe dọa đối với sức khỏe của bản thân.

(Nguồn: WomenHealth)
Chia sẻ