Thêm một nạn nhân nhập viện vì ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay được ghi nhận, hiện đang phải lọc máu

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Nạn nhân thứ 8 tại TP.HCM ngộ độc khi ăn pate Minh Chay đang điều trị tại đơn vị Chống độc, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM).

Thông tin này được phía BV Chợ Rẫy cho biết trong chiều 31/8.

Cụ thể theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới của BV, bệnh nhân là nam, SN 1966, quê Vũng Tàu. Chiều tối 25/8 bệnh nhân có sử dụng số lượng lớn pate Minh Chay. Khoảng 24 tiếng sau bệnh nhân đau bụng, nôn ói và tình trạng tăng dần. Sau đó bệnh nhân nuốt khó, nói khó và sụp mi.

Thêm một nạn nhân ngộ độc khi ăn pate Minh Chay được phát hiện tại TP.HCM, hiện đang phải lọc máu - Ảnh 1.

Bệnh nhân thứ 6 ngộ độc clostridium botulinum do ăn pate Minh Chay điều trị tại BV Chợ Rẫy.

Bệnh nhân nhập viện tại BV Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 26/8 khi tình trạng kèm thêm khó thở, yếu tứ chi không cải thiện nên được chuyển lên tuyến trên. Tại BV Chợ Rẫy vì chẩn đoán ban đầu có tình trạng nhược cơ, bệnh nhân được nhập khoa Nội Thần kinh. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện có bất thường nên đã mời khoa Bệnh Nhiệt đới hội chẩn.

Ngày 29/8, bệnh nhân được chuyển sang khoa Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng thở máy kèm các triệu chứng điển hình của ngộ độc clostridium botulinum như: khô miệng, nuốt khó, yếu liệt tứ chi và tiến tới thở máy... Hiện bệnh nhân không sốt nhưng tình trạng yếu liệt tứ chi chưa cải thiện. 

Trong ngày 31/8, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu cho người đàn ông và tiếp tục cố gắng kiểm soát, ngăn chặn biến chứng do ngộ độc clostridium botulinum.

Thêm một nạn nhân ngộ độc khi ăn pate Minh Chay được phát hiện tại TP.HCM, hiện đang phải lọc máu - Ảnh 2.

Hiện bệnh nhân đang điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới.

"Cũng giống như 5 ca bệnh trước, bệnh nhân có thời gian điều trị hỗ trợ khá tốt và hiện tại chưa có những biến chứng nặng đáng tiếc.

Hơn 30 năm trong nghề, trước đây tôi chưa bao giờ gặp những trường hợp ngộ độc loại này.

Trước đây ở thời điểm 1975-1980 từng ghi nhận lác đác vài ca ngộ độc clostridium botulinum. Thời điểm này do đời sống còn khó khăn nên người dân sử dụng các loại đồ hộp đã quá hạn sử dụng dẫn đến ngộ độc.

Do đó, không ngạc nhiên khi các bác sĩ BV tuyến dưới không phát hiện bệnh mà nhầm lẫn bệnh nhân bị nhược cơ" - bác sĩ Hùng nói.

Thêm một nạn nhân ngộ độc khi ăn pate Minh Chay được phát hiện tại TP.HCM, hiện đang phải lọc máu - Ảnh 3.

Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu cho bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Hùng, việc quan trong nhất trong điều trị là phát hiện sớm và sử dụng thuốc kháng độc tố sớm. Ngoài ra, các biện pháp bác sĩ có thể dùng cho bệnh nhân là lọc máu, vật lý trị liệu...

Như vậy, đây là trường hợp bệnh nhân ngộ độc clostridium botulinum do ăn pate Minh Chay thứ 6 tại BV Chợ Rẫy và thứ 8 tại TP.HCM.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cho biết trong thời gian qua (từ ngày 13/7 đến 18/8/2020) đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị tại BV Bạch Mai (2 ca bệnh), tại BV Chợ Rẫy (5 ca) và BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM (2 ca) từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở.

Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới.

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm "Pate Minh Chay" của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B.

Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.


Chia sẻ