Thấy hình xăm trên tay chân cô gái xinh đẹp, mọi thiện cảm của tôi biến mất
Tôi cũng không thấy thoải mái khi nói chuyện với những người xăm trổ, sự e dè với hình xăm là có lý do.
Tôi rất tâm đắc với chủ đề “Hối hận vì xăm mình, nhưng đã muộn”. Chưa bao giờ trào lưu tattoo (xăm mình) lại nở rộ như hiện nay. Ngày càng có nhiều người trẻ xăm mình. Chúng tôi đã có thống kê bỏ túi thú vị: Cứ 4 người trẻ thì có 1 người xăm mình.
Xăm mình có nhiều loại: Xăm hình nho nhỏ ở chỗ quần áo có thể che đi; xăm ở ngón tay, ngón chân, ở tai, ở cổ… Không ít người xăm kín tay, chân, xăm kín cổ.
Thực tế, xăm mình ở Việt Nam là phong tục của ông cha ta từ hàng ngàn đời trước. Đại Việt sử ký toàn thư chép, tục xăm mình của người Việt có từ thời Hùng Vương. Người Việt cổ xăm mình nhằm mục đích chống thủy quái. Theo lệnh vua Hùng, người dân lấy màu xăm hình thủy quái vào người, từ đó không bị thuồng luồng gây thương tích nữa.
Đến thời nhà Trần, từ dân thường đến hoàng tộc nhà Trần, ai cũng thích xăm mình, đặc biệt những người phục dịch trong triều đình. Đội quân Thánh Dực bảo vệ xa giá được xăm lên trán 3 chữ Thiên Tử Quân (nghĩa là quân đội của Thiên Tử).
Tất cả binh sĩ khi ấy đều xăm 2 chữ Sát Thát (tức là giết giặc) trong trận chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Như vậy, người Việt cổ thời Vua Hùng xăm mình để sinh tồn, đến thời Lý-Trần trở đi xăm mình thể hiện cho văn hoá cội nguồn và ý chí bảo vệ độc lập nước nhà.
Còn thời nay thì sao? Giới trẻ và những người xăm mình lấy lý do chính là họ xăm là vì “nghệ thuật”. Những kẻ trong giới xã hội đen, đầu trộm đuôi cướp, đâm thuê chém mướn xăm mình rồng phượng để thể hiện sức mạnh và sự thị uy ngay từ lần giáp mặt đầu tiên.
Tôi không đánh đồng người bình thường xăm mình với những kẻ giang hồ, đầu trộm đuôi cướp, đâm thuê chém mướn. Tuy nhiên, nói gì thì nói, xã hội nói chung vẫn e dè với những hình xăm trên cơ thể con người. Gặp một cô gái xinh đẹp, tôi rất có thiện cảm. Tuy nhiên, mối thiện cảm ấy tan biến sạch sẽ khi thấy hình xăm trên tay chân cô gái đó. Tôi cũng không thấy thoải mái khi nói chuyện với những người xăm trổ. Sự e dè với hình xăm là có lý do.
Con người sinh ra, đẹp xấu gì cũng đã là sự hoàn hảo. Như vậy cơ thể chúng ta không phải là nơi để vẽ thêm hình, nhất là lại xăm cố định bằng mực không bao giờ xoá sạch được. Có người lý luận rằng đây là truyền thống của cha ông, phải gìn giữ. Tuy nhiên, xét về tiêu chí như đã nói ở trên, tục xăm mình chỉ phù hợp với thời đó. Quan niệm về làm đẹp đã khác xưa nhiều. Trong xã hội văn minh, cái đẹp cũng cần văn minh.