Thấy đứa bé hàng xóm có đôi giày phiên bản giới hạn giống hệt con mình, bà mẹ Hà Nội quyết làm lớn chuyện: Sự thật ê chề được hé lộ sau cuộc gọi của cô giáo

Bobo,
Chia sẻ

Tôi đã lướt qua rất nhiều những mẩu chuyện "trên đời dưới đất" như thế nhưng không ngờ có 1 ngày một chuyện hi hữu nực cười lại xảy ra với gia đình tôi.

Những câu chuyện đăng lên mạng đều có 1 sức hút riêng, đó là vì: Nó là thực tế cuộc sống.

Tôi đã lướt qua rất nhiều những mẩu chuyện "trên đời dưới đất" như thế nhưng không ngờ có 1 ngày một chuyện hi hữu nực cười lại xảy ra với gia đình tôi.

Năm ngoái, tôi được người bạn đi Mỹ về tặng cho 1 món quà. Mở ra tôi bất ngờ vì đó là 1 đôi giày phiên bản giới hạn, được sản xuất tại Mỹ mà không xuất khẩu đi nước khác. Đó là món quà bạn tôi tặng cho đứa con trai lên 3 tuổi của tôi. Lúc đấy, cháu còn mang rất rộng nên cất mãi ở góc tủ chờ ngày "lên đồ".

Éo le thay, ngày cháu mang vừa đôi giày cũng là ngày drama bùng nổ.

Hôm đấy, cháu mang giày đến trường, mọi việc diễn ra như bình thường thì tầm 6h chiều có người nhấn chuông cửa nhà tôi.

Đó là người hàng xóm cách nhà tôi vài căn, có con đang học cùng lớp với con tôi. Người này tỏ rất nóng lòng.

"Chị xem lại con nhà chị đi, tôi đang rất bực mình", người mẹ hàng xóm bỗng xổ ra 1 câu.

Tôi: "Có việc gì thế ạ?".

Chị ta: "Con chị mang lộn giày của con tôi, tôi muốn xin lại".

Tôi: "Ơ lộn là thế nào ạ, giày của cháu nó..."

Chưa kịp nói hết câu, chị ta bỗng xông vào nhà tìm kiếm đôi giày mà chị ta cho là của con trai mình. Tìm thấy, chị xách luôn đi ra cửa trong sự ngơ ngác của tôi.

Chị ta chốt hạ luôn: "Đây là giày của con tôi, tôi mua cho cháu từ bên Mỹ về tôi biết, giày cho nó có đặc điểm riêng. Tôi hỏi chị, giày của chị có mua của hãng không?".

Lúc này, tôi đỏ mặt tía tai, tức đến mức giọng bắt đầu run lên, cục nghẹn chạy lên đến cuống họng. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh nói: "Chị vào tận nhà tôi, lấy giày của con tôi rồi ám chỉ tôi mua đồ fake? Chị em cháu nó chỉ mới mang có 1 lần mà bây giờ chị lấy đôi mới cóng đem về, để lại cho con tôi đôi giày mòn đế như thế này. Chị nói xem, lý lẽ ở đâu vậy? Chưa kể, đặc điểm riêng mà chị nói là đặc điểm gì? Tại sao chị lại hành xử thô lỗ như vậy,...".

Thấy đứa bé hàng xóm có đôi giày phiên bản giới hạn giống hệt con mình, bà mẹ Hà Nội quyết làm lớn chuyện: Sự thật ê chề được hé lộ sau cuộc gọi của cô giáo- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Chị ta hất tay: "Ngày nào tôi cũng lau giày cho con rất kỹ, không có chuyện có đôi giày cũ như này xuất hiện được. Đây là giày của con tôi. Chị mua chính hãng như thế nào? Chị chứng minh đi...".

Tôi nghẹn họng. Không phải vì tôi không chứng minh được đôi giày đó là hàng real. Nhưng tôi thật sự sốc vì hành xử của người mẹ này. Chị ta bất chấp mọi thứ để giành phần thắng về mình, nhất nhất đồ của con mình là món đồ đẳng cấp, giá trị nhất, mặc cho người mẹ khác có ra sức giải thích.

Tôi nói: Chị đứng yên đấy, tôi nhắn tin cho cô giáo, để xem chuyện này là sao?

Và tôi đã gửi một tin nhắn với nội dung như sau:

"Chào cô Huyền,

Hôm nay, sau giờ học, có 1 phụ huynh đến nhà tôi đòi lại đôi giày con tôi mang đến lớp. Tôi cảm thấy rất ấm ức vì sao lại có tình huống như thế này xảy ra. Mong cô kiểm tra lại trong lớp còn bạn nào đi đôi giày tương tự để làm sáng rõ mọi chuyện. Mong cô bỏ qua bất tiện này, phiền cô".

Ngay lập tức, cô giáo gọi điện thoại lại. Tôi mở to loa để 3 mặt một lời.

Cô giáo cho hay đúng là hôm nay có đến 3 bạn cùng mang 1 mẫu giày. Và bạn A. (giấu tên con chị hàng xóm nhà tôi) đã lấy nhầm giày của 1 bạn khác trong lớp, mẹ của bạn ấy cũng đang gọi điện thoại tìm để đổi lại giày.

Đến lúc này, người xóm đứng như chết lặng ở cửa nhà tôi, tay vẫn cầm đôi giày của con tôi. Mặt chị đơ ra, sượng trân.

Chị cố che nỗi gượng gạo: Tôi... tôi đã hồ đồ rồi, cho tôi trả lại đôi giày cho cháu.

Chuyện hôm đó khép lại, nhưng tôi quá ấm ức, chạy một mạch vào phòng tắm khóc 1 trận cho hả cơn giận. Lúc chồng tôi về, tôi kể đầu đuôi mọi chuyện cho anh nghe, anh đòi đến tận nhà người hàng xóm kia nói chuyện, nhưng tôi đã ngăn cản.

Tôi nghĩ trong cuộc sống, sẽ có lúc mình gặp phải chuyện không vừa ý, nếu không phải đến từ chị hàng xóm thì có lẽ cũng sẽ đến từ một người khác, với một tình huống khác. Điều tôi thấy đáng buồn là việc một người mẹ quá đề cao tất cả những điều thuộc về con mình, về gia đình mình, cảm xúc của mình mà sẵn sàng đạp lên cảm xúc của người khác. Rồi đứa trẻ ấy lớn lên với tâm thế "tôi là độc tôn, tất cả đều thua tôi, tôi là duy nhất" sẽ sống với cuộc đời tiếp theo như thế nào. Đôi khi không phải hạ mình để vừa lòng ai nhưng sống nên biết mình là ai vẫn tốt hơn.

Đêm hôm đó, tôi ôm con vào lòng, thủ thỉ nói với con rằng: Con à, sau này con lớn lên phải trở thành 1 người ôn hoà nhé, vì nếu nóng nảy bộp chộp, cuộc sống của con sẽ vất vả lắm, ít nhất là vất vả để lấy lại những thứ mình đã đánh mất vì sự vội vàng ít suy xét của bản thân.

Thấy đứa bé hàng xóm có đôi giày phiên bản giới hạn giống hệt con mình, bà mẹ Hà Nội quyết làm lớn chuyện: Sự thật ê chề được hé lộ sau cuộc gọi của cô giáo- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Tôi tâm sự chuyện này lên đây cũng để mong những phụ huynh rơi vào tình huống tương tự có thể bình tĩnh xử lý mọi việc, không ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và suy nghĩ của các con về "thế giới người lớn".

Chia sẻ