Trạm trung chuyển Cầu Giấy đang trong giai đoạn thi công mới, các đơn vị liên quan đã tiến hành di dời cũng như phá dỡ cầu vượt bộ hành khiến hàng ngàn sinh viên phải liều mình băng qua đường để bắt tiếp tuyến xe buýt khác.
Dự án đường sắt nội đô tuyến Nhổn - ga Hà Nội đang được triển khai gấp rút. Trạm trung chuyển Cầu Giấy sẽ được thi công làm nhà ga số 8, chính vì vậy toàn bộ khu vực này đã được triển khai các công việc như: Di chuyển trạm đón/trả khách, phá dỡ cầu vượt bộ hành... Tuy nhiên trong giai đoạn này hàng ngàn lượt sinh viên, học sinh phải liều mình băng qua đường để có thể bắt các tuyến buýt ngược lại.
Nếu như trước kia các tuyến xe búyt kết nối với nhau tại trạm trung chuyển (cả chiều đi và về), rất thuận tiện cho hành khách, nhưng từ trước Tết các điểm đón được chia làm 2 khu vực (trước cổng trường ĐH GTVT và điểm cổng Công viên Thủ Lệ). Hành khách muốn bắt tuyến ngược lại sẽ phải băng qua 2 làn được gồm các hướng: Cầu Giấy - Kim Mã và Kim Mã - Cầu Giấy.
Việc phá dỡ cầu vượt để đẩy nhanh tiến độ thi công của công trình đã khiến hành khách khá vất vả mỗi khi di chuyển qua đây. Và thực tế trong thời gian ngắn vừa qua không ít phen khiến học sinh, sinh viên phải thót tim. Ngay cả các tài xế ô tô, xe máy khi di chuyển qua đây cũng phải hết sức cẩn trọng.
Ghi nhận của chúng tôi lúc 9 giờ sáng trên đường Kim Mã đoạn đối diện cổng Công viên Thủ Lệ, mỗi phút có hàng trăm sinh viên kéo nhau qua đường mặc cho dòng xe cộ vẫn rầm rập qua lại.
Sinh viên trường ĐH GTVT phải băng qua đường ít nhất 4 lần/ngày.
Để tạo nên sự chú ý cho các tài xế, nhiều hành khách thường phải đợi có đông bạn đồng hành mới dám qua đường.
Hai nam sinh viên này ngập ngừng mãi do bước được một chút nhưng lại có xe đến.
"Do lượng xe di chuyển vào các giờ cao điểm khá đông nên buộc chúng em phải cố luồn lách để tránh va chạm", Thu một sinh viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết.
Nhiều sinh viên chia sẻ rằng, việc băng qua đường ở khu vực này đòi hỏi phải có kỹ năng, nếu đợi xe ngớt, vắng xe thì khó lòng qua được nên đôi khi phải liều bước chân đi.
Đối với những người tay xách nách mang thì việc qua đường càng trở nên khó khăn.
Trong khi đó nhiều người phải vận dụng tay, chân để ra tín hiệu nhường đường.
Đối với chàng sinh viên này vừa đi vừa nhìn xe cộ nên suýt vấp chân vào giải phân cách.
Một người đàn ông cố đợi cho ngớt xe mới dám qua.
Một phụ nữ đứng tuổi tỏ ra khá sợ sệt khi phải băng qua để bắt xe buýt, cô đã phải nhờ đến sự giúp sức của cánh sinh viên mới có thể băng qua được.
Phải mất một thời gian khá lâu nữa tuyến đường sắt nội đô mới có thể đi vào hoạt động, vì vậy mỗi ngày hàng ngàn sinh viên, học sinh và cả người dân vẫn phải qua đường trong lo sợ.