Thanh Hóa: Vợ cay đắng nhốt chồng trong lồng sắt suốt 10 năm
Suốt 10 năm nay, anh Trình Văn Lởi (43 tuổi) phải sống như ngục tù trong chiếc lồng sắt kiên cố. Mặc dù thương chồng vô cùng nhưng chị Nguyễn Thị Huyên buộc phải làm điều cay đắng đó.
20 năm lấy chồng, chưa được 1 ngày hạnh phúc
Về xã Minh Lộc (Hậu Lộc – Thanh Hóa) khi nhắc đến chuyện vợ nhốt chồng trong chiếc lồng sắt từ già trẻ ai cũng biết. Càng cay đắng và xót xa hơn khi 10 năm nay người chồng, người cha của 2 đứa con hàng ngày bị nhốt trong chiếc lồng sắt như ngục tù. Đó là trường hợp của gia đình anh Trình Văn Lởi, chị Nguyễn Thị Huyên ở thôn Minh Thịnh.
“Chuyện thật như đùa” tưởng chừng chẳng thể có ở đất nước hình chữ S này, ấy vậy mà chứng kiến cảnh người đàn ông gầy guộc, hốc hác, đầu tóc bù xù phải sống trong chiếc lồng sắt kiên cố chưa đầy 2 mét vuông khiến chúng tôi không thể cầm được nước mắt.
Chị Huyên đau khổ nói về người chồng của mình.
Những năm 1990 khi đi rời quân ngũ từ Sài Gòn trở về, anh Lởi đã xây dựng gia đình với chị Huyên. Thế nhưng, niềm vui, niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì tai họa ập đến. Anh Lởi bắt đầu có những biểu hiện không bình thường.
Anh Lởi đã nằm trong chiếc lồng sắt suốt 10 năm nay.
Ngày đó chị Huyên đã biết về bệnh tình của chồng và bàn bạc với anh em, họ hàng đưa chồng đi chạy chữa, thế nhưng bệnh chẳng thuyên giảm mà còn có chiều hướng nặng lên.
10 năm tất cả sinh hoạt, ăn uống đều diễn ra trong chiếc lồng sắt.
Khổ nhất là những bữa cơm của gia đình chưa bao giờ trọn vẹn, hễ chị chuẩn bị dọn cơm ra là anh liền ở đâu chạy tới bê nồi cơm, nồi canh mang ra chuồng lợn đổ. Nhiều lần bị mọi người can ngăn thì anh lại mang cơm đi đổ ở đầu ngõ, xuống ao hoặc xuống gốc chuối gốc na, gốc chuối.
“Có lần tôi vừa dọn cơm ra cả nồi cơm, nồi canh đang nóng như thế mà anh ấy xông vào bê rồi chạy ra ngõ đổ xuống đất. Tôi cùng mẹ già và 2 đứa con bất lực ôm nhau mà khóc. Thậm chí có lần tôi phải bê nồi cơm sang nhà hàng xóm gửi rồi cả nhà qua đó ăn”, chị Huyên nghẹn ngào.
Chị Huyên hàng ngày lo cơm nước, ngủ nghỉ, vệ sinh cho chồng mình.
Chị kể tiếp: “Hồi đó thằng lớn lên lớp 3 anh ấy còn đốt hết sách vở mấy lần nữa, đốt ở nhà đã đành anh ấy còn lên cả trường học của cháu rình con rồi đốt hết sách vở nữa kia. Là người vợ, người mẹ nhưng tôi sao quá khổ với những lần như thế”.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi bà mẹ chồng chị Huyên cũng nói: “Nhiều lần thằng ấy (tức anh Lởi – PV) còn đánh con Huyên thừa sống thiếu chết nữa kia. May mà có tôi can ngăn không có chắc nó đã chết từ lâu rồi”.
Nhà thì nghèo, chồng thì chẳng làm được việc gì ngoài phá phách đồ đạc, chửi bới, đánh đập mẹ già, vợ con. Chị Huyên như rơi vào địa ngục, thế nhưng với bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm con dâu chị không cho phép mình gục ngã trước số phận. Cả ngàn đêm chị thức trắng với nước mắt, với tủi nhục và khổ đau tột độ để rồi khi gà gáy chị lại gồng mình cho công việc để nuôi con lên người.
10 năm nhốt chồng là 10 năm sống trong đau đớn
Cuộc sống khổ cực, tủi nhục cứ thế diễn ra và hi vọng chồng mình sẽ thuyên giảm bệnh tật thế nhưng bệnh càng ngày càng tái phát. Đỉnh điểm nhất vào năm 2004, chị đã bàn với anh em họ hàng đưa anh Lởi đi khám ở các bệnh viện nhưng rồi các BS kết luận anh Lởi bị tâm thần. Do hoàn cảnh gia đình nên chị Huyên đành phải cho chồng về nhà và điều trị ngoại trú.
Làm vợ nhưng chưa bao giờ chị được nhờ chồng mà nỗi lo cơm áo gạo tiền đè cho 6 miệng ăn lên đôi vai gầy guộc của chị.
Lúc này nghe lời anh em, họ hàng đã bàn nhau đóng một chiếc lồng sắt để nhốt anh Lởi vào. “Tôi thuê thợ hàn xì vào nhà đo đạc để đóng cho anh ấy, giữa năm 2004 dù đau khổ và cay đắng nhưng tôi buộc phải đưa anh ấy ở trong chiếc lồng đó”.
Ở trong lồng sắt rộng chưa đầy 2 mét vuông, tất cả mọi sinh hoạt như: ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh đều gói gọn. 10 năm trời chồng chị chưa bao giờ bước chân ra khỏi không gian ngục tù ấy.
“Mỗi lần phải đưa anh ấy đi viện khám là mấy anh em trong gia đình phải trói tay trói chân lại rồi chở đi”, chị Huyên nói trong nước mắt.
Bệnh tình của anh Lởi chưa có tín hiệu vui.
Thế nhưng những khi trái gió trở trời, anh Lởi lại lên cơn động kinh tất cả đồ ăn thức uống đều hắt vào mặt chị Huyên. Thậm chí có nhiều hôm chị còn bị anh hắt cả cốc nước sôi vào mặt, chị đành nén lại đau thương mà tiếp tục sống, tiếp tục làm lụng nuôi con ăn học.
Nói về việc sức khỏe của chồng mình thì chị nói: “Bình thường thì anh ấy khỏe lắm, nhưng bệnh tâm thần thì chẳng hề thuyên giảm nên vẫn phải uống thuốc thường xuyên. Mỗi lần uống thuốc tôi đều phải tán nhỏ rồi cho vào bánh mì, vào cơm, vào canh chứ nếu để anh ấy phát hiện ra là có thuốc lập tức hắt vào mặt tôi ngay”.
Gần 20 năm trời phải lăn lưng với vài sào ruộng nuôi chồng con và mẹ già khiến người đàn bà gần 40 tuổi trở nên héo khô, tàn tạ.
Cần lắm những tấm lòng Hiện
tại gia cảnh chị Huyên vô cùng khó khăn, bản thân phải lăn lưng với mấy
sào ruộng, ngày nhàn rỗi thì ai thuê gì làm nấy kiếm vài đồng mua gạo,
mua rau. Còn anh Lởi thì mỗi tháng chỉ được trợ cấp 270 ngàn đồng. Hai
người con của chị một đang học lớp 11, một đang học lớp 7. “Tôi
chỉ cầu mong mình đủ sức khỏe để nuôi con ăn học thành người, đời cha
mẹ đã khổ rồi nên bằng giá nào tôi cũng phải cho các con ăn học”, chị Huyên ngậm ngùi. Mọi sự đóng góp của bạn đọc xin gửi về: Chị - Nguyễn Thị Huyên: Thôn Minh Thịnh – xã Minh Lộc – huyện Hậu Lộc – Thanh Hóa. |