Thận trọng với kiến ba khoang trong mùa mưa

Nguyên Nam,
Chia sẻ

Trong vòng 2 tuần trở lại đây, mỗi ngày bệnh viện (BV) da liễu tp.hcm tiếp nhận khám và điều trị từ 80-100 trường hợp bị viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang.

Kiến ba khoang tràn vào nhà

“Chiều tối là kiến ba khoang không biết ở đâu bò vào nhà, có ngày tôi bắt cả hơn 100 con”, chị Phạm Thị An (32 tuổi, sống ở khu dân cư tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) vừa chỉ tay vào chiếc hộp nhựa nhỏ có khoảng gần 100 con kiến ba khoang vừa nói trong sự lo lắng. Chị An cho biết, căn hộ của chị ở tầng 12 của tòa nhà và đã sinh sống tại đây gần 3 năm. Trong vòng 3 năm qua, vào mùa này (bắt đầu mùa mưa - PV) chị và các hộ gia đình lân cận lại bị kiến ba khoang “tấn công”, phải sống trong sự lo lắng.

Chị An kể: “Cứ chập choạng tối là kiến bò vào nhà, nhiều nhất là từ 7-8 giờ tối, có khi cả hơn 100 con. Kiến bò khắp nền nhà, lên bàn ăn, tủ bếp, bàn làm việc, giường ngủ… Năm đầu tiên đến sống tại đây, vì không biết dịch kiến có khả năng gây phỏng rộp nên tôi dùng tay để đập, kết quả là tôi bị rộp ở cánh tay và nhiều vết trên cổ, mặt phải đến bệnh viện để khám và bôi thuốc”. 

Chị An chỉ vào bắp chân phải có một vết rộp sưng đỏ dài khoảng 2cm, lo lắng kể thêm: “Được BS khuyến cáo không nên dùng tay trần đập, dí kiến và các biện pháp phòng tránh nên mấy hôm nay thấy có kiến bò vào nhà là tôi dùng bao tay hoặc que gỗ để bắt kiến vào hộp, khoảng 1-2 ngày chúng sẽ tự chết. Trước khi ra khỏi nhà, tôi dùng bình xịt hóa chất diệt côn trùng để đuổi kiến và hạn chế tối đa mở cửa vào buổi chiều tối. Dù đã cẩn thận như vậy, nhưng 2 ngày qua tôi vẫn bị sưng rộp ở chân, phải mua thuốc để bôi tại chỗ vết thương”.

Thận trọng với kiến ba khoang trong mùa mưa - Ảnh 1.

Đàn kiến ba khoang được chị Phạm Thị An đeo găng tay bắt được

Chị Trần Thị Giao Linh (33 tuổi, sống tại một chung cư trên địa bàn quận 9, TP.HCM) cũng cho biết, trong vòng 1 tuần qua gia đình chị thường xuyên bị kiến ba khoang bò vào nhà khiến chồng của chị (anh N.T.B. 40 tuổi) bị phỏng rộp nhiều ở vùng lưng, bụng, và chân tay, phải đến BV để khám và điều trị. 

Chị Linh cho hay: “Các gia đình lân cận sinh sống tại đây đã lâu năm cũng cho biết hầu như mùa mưa năm nào họ cũng bị kiến “tràn” vào nhà gây nên nhiều lo lắng, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ. Nhiều gia đình có kinh nghiệm chống kiến như: ngủ mùng, mua hóa chất diệt kiến, thậm chí là thay bóng đèn huỳnh quang thành bóng đèn có màu vàng… Dù được hướng dẫn các biện pháp trên nhưng vì mới sinh con nhỏ 3 tháng tuổi nên để an toàn tuyệt đối cho con, vợ chồng tôi đã quyết định tạm rời TP.HCM để về quê (tỉnh Đồng Nai) để sinh sống, hết mùa mưa sẽ trở lại TP.HCM để sống và làm việc”.

Khuyến cáo của chuyên gia

BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Da Liễu TP.HCM cho biết, trong vòng 2 tuần trở lại đây, các BS tại BV Da Liễu TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang cắn. Theo số liệu thống kê từ phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Da Liễu TP.HCM, từ đầu tháng 6 đến nay, trung bình mỗi ngày các BS đã tiếp nhận khám và điều trị từ 80-100 trường hợp bị viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng, cụ thể là kiến ba khoang. So với các tháng trước, bệnh lý này hầu như rất hiếm gặp.

Các bệnh nhân đến BV với các triệu chứng: xuất hiện các vết sẫm, mảng hồng ban ở trên da, có những chùm mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ trên bề mặt da. Những tổn thương trên rất dễ lan rộng ra các vùng da khác, đặc biệt là khi bệnh nhân vô tình quẹt vào những vị trí bị tổn thương và tiếp xúc vùng da khác. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân đều cho biết, trước đó có vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang. 

Về chỉ định điều trị, các bệnh nhân đến BV với tình trạng tổn thương khu trú tại chỗ sẽ được BS khám và kê thuốc để điều trị tình trạng dị ứng, thuốc thoa tại chỗ để làm dịu vết thương và hạn chế sự lan rộng ra. Thông thường, từ 1 tuần - 10 ngày các tổn thương sẽ khỏi, ít để lại sẹo. Đối với những bệnh nhân có cơ địa lâu lành, hoặc tổn thương lan rộng do tác động cơ học (cào, gãi trầy xước) khiến tổn thương qua lớp hàng rào bảo vệ da thì thời gian lành vết thương sẽ kéo dài hơn và khả năng cao để lại sẹo.

Thận trọng với kiến ba khoang trong mùa mưa - Ảnh 2.

Người dân đến BV Da Liễu TP.HCM khám sau khi bị tổn thương do kiến ba khoang

BS Thảo khuyến cáo, khi bị các tổn thương nghi ngờ do kiến ba khoang, người dân cần đến BS chuyên khoa để được thăm khám, không nên sờ chạm vào các vị trí bị tổn thương và tiếp xúc với vùng da khác; không nặn nốt mụn nước, mụn rộp để tránh tình trạng dịch tiết lan rộng và để lại vết thương hở dễ nhiễm trùng và khó điều trị hơn.

Về các biện pháp phòng tránh viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang, ông Trần Đăng Khoa, phụ trách Khoa Ký sinh trùng, côn trùng thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, vào đầu mùa mưa kiến ba khoang (loại côn trùng có độc có tên khoa học Paederus fuscipes) bắt đầu mùa sinh sản. Đây là loại kiến có cánh nhỏ trên lưng, thường bay theo hướng gió để vào nhà dân. Loại côn trùng này không đốt hay cắn, nhưng trong dịch cơ thể có chứa pederin - một loại hợp chất gây rộp, phỏng da và paederus dermatitis - một loại viêm da khi tiếp xúc với dịch tiết côn trùng. Do đó, khuyến cáo người dân khi gặp kiến không nên giết, sẽ làm tràn dịch trong kiến ra, dễ dính vào da gây tổn thương, chỉ nên thổi kiến đi.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng tránh kiến ba khoang người dân (đặc biệt là các hộ dân sinh sống gần đồng ruộng, gần các công trình xây dựng, các khu đất trống…) cần thường xuyên vệ sinh môi trường nhà ở, môi trường xung quang, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà ở để xóa sổ nơi sinh sống và sinh sản của kiến; sử dụng lưới nhỏ bao kín các cửa sổ, đóng cửa thường xuyên khi ra vào và sử dụng hoá chất diệt côn trùng để diệt kiến. Người dân nên ngủ màn, mặc đồ bảo hộ khi làm vườn, hoặc mặc quần áo dài tay khi đến gần các môi trường có đồng ruộng, bụi rậm. Ngoài ra, để tránh thu hút kiến vào nhà, người dân nên thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng.

BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Da Liễu TP.HCM:

Hiện nay vẫn còn nhiều người nhầm tưởng giữa bệnh lý viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang với zôna thần kinh, vì biểu hiện bên ngoài của hai bệnh này khá giống nhau.

Có thể phân biệt là bệnh zôna lan theo đường đi của các dây thần kinh từ cùng một bó dây thần kinh cảm giác nên trên phần thân và chi, thông thường bệnh chỉ lan ở 1 bên. Còn vùng bị viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng có thể bị ở bất cứ vùng da hở nào, có thể xuất hiện ở cả hai bên thân. Bệnh zôna thể nặng dễ phân biệt hơn do có các nốt phồng to.

Chia sẻ