Thân thương những góc chợ quen buổi sớm trong ngõ nhỏ Hà Nội
Chắc không ở đâu có nhiều chợ như Hà Nội, mỗi cái ngõ dù bé tí hin đều "sở hữu" một nơi nhộn nhịp gọi là "chợ cóc".
Cuối tuần mát mẻ, tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Áo phông quần đùi, tôi đi bộ xuống ngõ, vừa kiếm đồ ăn sáng vừa tiện thể đi chợ luôn. Chà, lâu rồi mới nghe lại những thanh âm lao xao buổi chợ sớm, mới ngửi lại một mớ mùi hương mộc mạc xuyên qua khứu giác, thật quá đỗi thân quen.
Ai ở Hà Nội lâu lâu một chút đều sẽ nhận ra một điều thú vị rằng: ở cái thành phố triệu dân này, khắp hang cùng ngõ hẻm luôn luôn có những cái "chợ cóc" nhỏ nhỏ xinh xinh, mọc lên dọc lối đi ngõ ngách. Có thể là chợ theo buổi, chỉ có sáng hoặc chiều, cũng có thể là cả ngày, nếu đấy là những con ngõ náo nhiệt như nơi tôi đang sống, với đủ mọi thành phần sinh viên, hội đi làm, dân bản địa lúc nào cũng đông đúc.
Sáng ra cửa, mấy cô hàng rong đã ngồi tạm từ bao giờ.
Cảnh tượng quen thuộc dễ bắt gặp trong mọi ngõ ngách Hà Nội.
Các chị các mẹ, cả sinh viên đều có thói quen dậy sớm đi chợ...
... vì lúc này đồ ăn tươi ngon, lại rẻ.
"Chợ cóc" ngay trong ngõ thật tiện lợi, muốn mua gì cũng nhanh.
Chẳng ai biết những cái "chợ cóc" ấy do đâu mà có, người ta cứ tự gánh gồng đến rồi quần tụ với nhau, san sẻ từng cái chân tường ẩm mốc, rải vài cái bao bố ra, xếp rau cỏ, cá tôm, mấy nải chuối, dăm củ hành khô... vậy là thành chợ. Cũng chật chội, và đôi khi người dân sống ở ngay cái chợ ấy phàn nàn rằng nó bẩn, nó hôi, nó lôi thôi và đủ thứ phiền hà khác, lại còn ách tắc lối đi. Nhưng mà giờ thử không có những "chợ cóc" ấy xem, cả trăm nghìn người chen chúc nhau trong biết bao nhiêu ngõ ngách của thủ đô sẽ khổ sở lắm thay, muốn ăn gì sắm gì dù là que tăm sợi chỉ cũng phải vác xe lội đi tận chợ lớn.
Mấy cái sạp hàng con con của các bà các cô thật lợi hại, vì người ta chỉ cần chạy ù ra ngõ là mua được cái ăn, cái mặc, cả đồ hàng xén lặt vặt linh tinh cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Lần nào bon chen trong ngõ giờ "cao điểm", lướt qua dãy sạp hàng tôi đều nhớ đến mẹ, nhớ những lần cùng mẹ đi chợ xa thuở ấu thơ, rồi về đến nhà là hò hét sung sướng, bới tung chiếc làn để tìm túi ổi con, hoặc quà bánh được mẹ mua phần...
Cái hay ho đặc trưng của "chợ cóc" là sự di động, chỉ vài ba quang gánh, sạp hàng ven đường là xong.
Chỉ là tạm bợ, không hoành tráng như chợ Đồng Xuân, chợ Mơ... nhưng ở chợ cóc thứ gì cũng có.
Hoạt động này đã trở thành nét quen thuộc trong nếp sống lâu nay của người Hà Nội.
Tôi vẫn nhớ, hồi ở tuốt bên mạn Hai Bà Trưng, thuê một cái nhà ở chung với mấy em sinh viên năm nhất Bách Khoa, chao ôi là khổ, từ phố Trương Định phải rẽ vào một cái ngõ, rồi ngoằn nghèo gấp khúc qua cả chục đoạn cua bé tí ti mới tới cổng nhà. Xung quanh toàn nhà dân và mấy dãy trọ cũ, chẳng sầm uất vui tươi gì. Niềm vui duy nhất của tôi là mỗi sáng và xế chiều có cái chợ xinh xinh họp ở đoạn ngã ba gần cổng làng Tương Mai, giản tiện như chợ quê vậy.
Cô bán trứng gà ngồi cạnh cô bán thịt, lúc nào cũng nhăn nhó ngó sang bác hàng cá đối diện, mùi tanh rình, mà lúc nào cũng nhăm nhăm cái dao trên tay, không cạo vẩy cá thì cũng chặt khúc, thấy ai đi qua cũng réo rắt "Chị ơi cá tươi mua em đắt hàng em về với con!". Bà cụ bán rau đội cái nón tơi cũ, ngả lưng vào tường quắp chân chờ khách hỏi mua, người ta kêu đắt là trề môi than khổ. Chân tay bà nứt nẻ như cái bản đồ, nhìn cũng thấy thương, nên hiếm ai mặc cả mớ rau muống, rẻ quá rồi thì bóp miếng ăn người ta làm chi. Mua nhiều bà khuyến mãi quả chanh về vắt canh cho đằm, xong đâu đấy bà cười phớ lớ, buôn dưa với bà bánh khoai kế bên. Mấy đứa nhỏ ngồi ngay ngắn xung quanh trên đống ghế con, ríu rít ngồi chờ bánh chín, ăn cho nhanh rồi chạy về tắm rửa kịp cơm chiều.
Chợ ngõ Khương Thượng, hết buổi đông vui này là ai nấy túi giỏ làn xô dọn dẹp đi về.
"Chị bán chanh bán trứng, đều là vườn nhà ở quê mang lên, nay có thêm ít cua đồng, vắng khách nên ngồi bóc sẵn, người ta mang về nấu canh chiều cho nhanh".
Chị hàng thịt rảnh tay đứng cạo bì lợn.
Chợ cóc ấy chỉ họp độ vài tiếng buổi sớm, tầm 9 giờ là đường quang hẳn, hoặc chiều từ 3 - 4 giờ đến xâm xẩm tối thì tan. Sau khi người ta về hết, chỉ còn sót lại mấy chiếc bàn cũ dựng tạm úp vào tường, đống rau thừa rác cặn gom lại ven ngõ. Mùi bụi hòa với mùi hăng ngái còn sót lại, tựa như khung cảnh đìu hiu trong "Hai đứa trẻ" của nhà văn Thạch Lam. Rồi đến sáng mai, cái chỗ đìu hiu ấy lại sinh động náo nhiệt, đủ âm thanh sắc màu như rạp xiếc.
Cứ dậy đi làm là tôi hay tạt vào hàng cháo trai đầu ngõ, ăn xong lượn sang sạp hoa quả mua một túm mang lên cơ quan để buổi trưa có "mồi" lai rai chém gió với hội bà tám. Trời nắng thì chợ đông vui thích lắm, chứ bữa nào mưa to hay ngập thì giải tán chẳng chợ búa gì, buồn thiu.
Những cô hàng rong ở ngoại thành hoặc dưới quê lên Hà Nội, lúc nào cũng có thức ăn tươi ngon, nhưng rất ít.
Ngồi chờ khách mua rau ở phố Vương Thừa Vũ.
Một cái mâm bày ra, một cái ghế ngồi, thế là đủ làm một sạp hàng.
Mấy cô mang rau cỏ thịt thà, lợn gà hoa quả bày ra ngõ thì vướng, nhưng mà không thấy ai bán thì bụng đói miệng thèm, nhớ nhung cái sự ồn ào chỉ "chợ cóc" mới có. Cảm giác mặc đồ ở nhà lượn vòng quanh dăm chục mét là hết chợ, hàng nào hàng nấy quen thân như người nhà, thật là vui.
Sạp hoa quả thơm lừng hấp dẫn của chị gái trong ngõ nhỏ đường Hoàng Quốc Việt.
Cả người bán người mua ở chợ cóc đều "mua nhanh trả tiền gọn".
Đi chợ sớm gần nhà đã thành nét sinh hoạt thường ngày từ lâu đối với người Hà Nội.
Tôi đi cũng không ít tỉnh thành, chợ phiên, chợ dân tộc, chợ đầu mối... ở đâu cũng có, nhưng mà "văn hóa chợ cóc" thì có lẽ chỉ Hà Nội mới phổ biến. Nay ra đến chợ rồi thấy cả đống hoa trên vỉa hè, mới nhớ ra đã sắp sang tháng 7 âm. Chẳng lâu nữa là trung thu, chợ lại thơm lừng mùi bánh trái. Ôi sao mà yêu những con ngõ "chợ cóc" đến thế!