Thâm nhập 'thế giới ngục tù' tàn sát động vật trong 'sách đỏ' Việt Nam
Để góp một cái nhìn toàn cảnh về hoạt động tận diệt động vật hoang dã nguy cấp hiện nay, mời quý độc giả cùng phóng viên thâm nhập vào “thế giới ngục tù” tàn sát động vật “sách đỏ” Việt Nam.
“Mua rùa đi con. Rùa nuôi, rùa hoang dã, loại nào cũng có. Cần nhiều, cứ alo sẽ có hàng,” một người dân sinh sống ở vùng đầu nguồn An Phú (An Giang) đon đả mời chào...
Nhưng, đây chỉ là một hoạt động buôn bán nhỏ lẻ mở đầu cho câu chuyện tận diệt động vật “sách đỏ” ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh, thành phố trên cả nước mà người viết đã chứng kiến trong nhiều tháng điều tra.
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus vào những ngày cuối tháng 10/2019, cho thấy hoạt động buôn bán các loài động vật hoang dã quý, hiếm như rùa vàng, rắn hổ mây, chim trích cồ… khá công khai tại nhiều khu chợ ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Hoạt động buôn bán phi pháp này còn diễn ra phổ biến ở xung quanh khu Vườn quốc gia Tràm Chim (một trong 8 khu Ramsar của thế giới tại Việt Nam).
Trong khi vấn nạn buôn bán, “ngục tù,” giết hại các loài động vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra phổ biến, trở thành vấn nạn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và thách thức nỗ lực bảo tồn, thì tại một số tỉnh miền Bắc, tình trạng giết hại động vật “sách đỏ” để ăn thịt, nấu cao, nhất là loài rùa cũng đang tiếp diễn phức tạp.
Để góp một cái nhìn toàn cảnh về hoạt động rao bán, tận diệt động vật “sách đỏ” nguy cấp nêu trên, Báo Điện tử VietnamPlus mời quý độc giả cùng phóng viên thâm nhập vào “thế giới ngục tù” tàn sát động vật trong “sách đỏ” Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh, thành phố trên cả nước, tìm hiểu về những khoảng tối trong bức tranh bảo tồn, bảo vệ các loài động vật hoang dã hiện nay.
Bài 1: Núp bóng chợ nông sản tuồn bán động vật trong “sách đỏ”
Tháng Mười, cuối mùa nước nổi, người viết đi dọc tuyến đường biên giới giáp với Campuchia thuộc khu vực tỉnh Đồng Tháp để tìm hiểu về hoạt động buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm - nơi được xem là “vựa” động vật của vùng sông nước miền Tây.
Dù ven đường có những tấm biển lớn với dòng chữ cấm buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, nhưng thực tế lại… là câu chuyện đau lòng.
Từ vùng biên giới tới trung tâm thành phố, động vật trong “sách đỏ,” đặc biệt là các loài rùa hoang dã quý hiếm được bày bán công khai ở nhiều nơi như “không hề bị cấm.”
Thậm chí, theo tiết lộ của một số “con buôn” thì rùa còn được tuồn ra từ Vườn Quốc gia Tràm Chim - nơi được công nhận là Khu Ramsar của thế giới.
Hoạt động buôn bán rùa “sách đỏ” diễn ra ở chợ thực phẩm Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: H.V/Vietnam+).
Rao bán động vật “sách đỏ” bất chấp lệnh cấm
Chỉ cần lướt qua một đoạn đường biên giới, đến khu vực chân cầu Sở Thượng, gần Trung tâm văn hóa thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, người viết đã chứng kiến cảnh buôn bán động vật “sách đỏ” diễn ra công khai ngay giữa phố thị.
Tại đây, các loài chim, cò ốc được buộc thành từng chùm, chất chồng lên nhau đặt ngay ven đường. Khi khách yêu cầu làm thịt, ngay lập tức từng cá thể chim, cò ốc sẽ bị túm cổ vặt lông, rồi đem khò lửa cho đến khi xác thịt cháy vàng.
Bên cạnh đó, hàng chục cá thể rùa cũng bị trói buộc thành dây treo lủng lẳng vào chiếc cọc ven đường.
Trong số đó, có cả những cá thể rùa ba gờ thuộc Nhóm IIB (loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).
Theo sách đỏ Việt Nam, hiện nay rùa ba gờ nằm trong nhóm nguy cơ rủi ro cao trong tự nhiên. Mức độ bảo vệ theo Công ước Cites có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu không khai thác hợp lý. Việc buôn bán những loài này giữa các quốc gia cần có Giấy phép Xuất khẩu do Cơ quan quản lý Cites của nước xuất khẩu cấp.
Dù rùa ba gờ thuộc nhóm nguy cơ rủi ro cao trong tự nhiên, bị cấm buôn bán thương mại, cần bảo tồn, nhưng tiếc rằng với những người buôn bán tại khu vực chân cầu Sở Thượng thì đây cũng chỉ là con vật để làm cảnh và... làm thịt.
“Mua rùa đi con, mua loại này về nuôi cảnh đẹp lắm. Ở đây người ta mua nuôi cảnh nhiều, con lớn thì làm thịt. Mỗi ký chỉ có hơn 500.000 đồng thôi.
Nếu con muốn mua bao nhiêu cứ bảo, cô gửi xe khách lên cho,” bà L, một người bán hàng đon đả mời chào khi thấy vị khách lạ nhìn chăm chăm vào những cá thể rùa với vẻ lạ lẫm.
Đáng chú ý, hoạt động buôn bán chim trời, rùa “sách đỏ” trên diễn ra ngay bên cạnh tấm biển ghi: “Công an thị xã Hồng Ngự… tuyến đường có gắn camera an ninh,” vậy nhưng người bán cứ bán, người mua cứ mua.
Thậm chí, khi khách xin chụp ảnh, người bán “hàng cấm” còn thỏa chí như được dịp “quảng cáo miễn phí.”
Cách đó khoảng vài kilomet, tại một khu vực chợ nông sản Hồng Ngự cũng xuất hiện một loạt cá thể rùa ba gờ bị nhốt trong tủ kính đang được chủ các gian hàng trưng bày, rao bán công khai.
Xung quanh là những bao tải, lồng sắt giam, nhốt hàng ngàn cán thể rắn đủ chủng loại cùng với các loài chim, chuột các loại.
“Rắn, rùa ở đây bắt từ đâu mà nhiều thế anh?” tôi hỏi. Ngay lấp tức, người bán hàng trả lời thẳng thừng “ở đây giáp biên giới, gần vườn quốc gia, thiếu gì.”
Hoạt động buôn bán động vật "sách đỏ" diễn ra công khai ở trong chợ thực phẩm Tam Nông. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Từ thị xã Hồng Ngự, người viết tiếp tục di chuyển qua khu vực gần Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (đây là hai Khu Ramsar - PV), ven đường thi thoảng lại bắt gặp những người dân bẫy chim về bán.
Khi được hỏi, ai nấy đều nói “hàng” được săn bắt, tuồn ra từ Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn.
Vậy những “chiến lợi phẩm” được săn bắt trái phép trên sẽ được tuồn đi đâu? Liệu lực lượng kiểm lâm, cơ quan chức trách địa phương có hay biết và ngăn chặn?
Nguồn hàng từ đâu?
Để tìm lời giải cho câu hỏi trên, phóng viên VietnamPlus tìm đến khu chợ thực phẩm Tam Nông (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) theo lời chỉ dẫn của một người dân sinh sống ven đường ở gần Vườn Quốc gia Tràm Chim, rằng “muốn mùa rùa, mua chim thì vào chợ Tam Nông. Ở đó nhiều lắm, tha hồ mà chọn.”
Đúng như lời chỉ dẫn của nguồn tin, ngay thời điểm người viết có mặt tại chợ Tam Nông, khu chợ nằm cách trụ sở Vườn Quốc gia Tràm Chim chỉ khoảng vài kilomet và cách Khu bảo tồn Láng Sen không xa, có rất nhiều loài rắn, chim, cò, gà nước quý hiếm đã được các tiểu thương bày bán ở chợ.
Đặc biệt, trong chợ có hàng loạt cá thể rùa với nhiều chủng loại như rùa vàng, rùa ba gờ, rùa đá, được bán công khai tại hai gian hàng chuyên về động vật đặc hữu của miền sông nước.
Khi thấy khách ngắm nghía, hỏi mua, những chủ hàng bán rùa đều chia sẻ về công dụng cũng như sự may mắn nếu như ăn thịt rùa, làm thuốc, nuôi rùa cảnh, hay mua để thả phóng sinh, tất cả đều mang lại điều… tốt đẹp.
Ngoài vài chục cá thể rùa với cân nặng trên dưới 1kg/con được bày lên bàn để “chào hàng,” trong mỗi gian hàng còn có cả “hầm” đựng rất nhiều rùa hoang dã đã trưởng thành.
Khi đề xuất cần mua khối lượng lớn rùa để đưa về Thành phố Hồ Chí Minh, ngay lập tức, cả hai vị tiểu thương như bắt được “khách sộp,” mở tủ lôi ra hàng chục cá thể rùa trọng lượng 2-5kg/cá thể.
“Hóa ra trong tủ còn có nhiều cá thể rùa lớn thế hả cô?” tôi hỏi. Không ngần ngại chia sẻ, bà H, một chủ gian hàng đon đả nói: “Đây là rùa quý, người làm ở trong Vườn Quốc gia họ tuồn ra nên cứ để trong cho yên tâm.
Bên trên để rùa nhỏ trưng bày thế thôi, ai có nhu cầu thì mình lấy ra sau. Ở bên nhà cô còn nhiều rùa to nữa.”
Chim cò bị vặt lông và thiêu sống bày bán công khai. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Thấy vị khách lạ tỏ vẻ không yên tâm khi chở một lượng lớn rùa “sách đỏ” về Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe ôtô vì sợ công an, kiểm lâm bắt giữ, những vị tiểu thương trấn an “người ta mua của nhà cô suốt mà, không ai bắt đâu.”
Còn không, “con ghi lại số điện thoại cô, khi nào có nhu cầu thì liên hệ, mua với số lượng lớn cũng được, cứ bảo cô sẽ gửi xe lên cho,” người bán hàng nhắn nhủ thêm.
Để tìm hiểu thêm về sự nhộn nhịp của việc buôn bán động vật hoang dã, người viết tiếp tục đến huyện Cao Lãnh, nơi được biết đến với “vựa” rùa ở chợ Mỹ Thọ.
“Tuy cuối mùa nước nổi nhưng rùa, rắn, chim nhiều lắm. Các chú mua nhiều tôi để giá rẻ cho, rùa tự nhiên cả đấy,” người phụ nữ bán hàng mời chào.
Sau khi giới thiệu, người viết tỏ vẻ ngạc nhiên với những cá thể rùa có màu sắc lạ lẫm nên xin ghi lại hình ảnh. Ngay lập tức người phụ nữ này cầm 2 cá thể rùa đặt lên bàn cân cho vị khách lạ chụp hình. “Chụp nhưng không được đăng lên Youtube hay Facebook, kiểm lâm bắt đấy nhé,” người bán rùa cười nói.
Một điều đáng quan tâm là, không chỉ ở những khu chợ vùng xa mà ngay cả trung tâm thành phố của Đồng Tháp như chợ Cao Lãnh cũng có hai cửa hàng bán khoảng 30 cá thể rùa nước ngọt, hàng trăm cá thể rắn và nhiều loại chim các loại.
Sau hai ngày liên tiếp ghi nhận các điểm “nóng” bán động vật sách đỏ , người viết đã tập hợp đầy đủ các tư liệu và địa chỉ các cửa hàng buôn bán động vật hoang dã trái phép gửi tới lực lượng kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, nhưng thông tin từ lực lượng này phản hồi lại, cho đến nay vẫn là “chưa phát hiện thấy vi phạm?”.
Trong hành trình thâm nhập những khu chợ buôn bán các loài động vật "sách đỏ" ở miền Tây, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã liên tiếp chứng kiến cảnh vô số loài động vật đặc hữu của vùng sông nước bị giam cầm, vặt lông, làm thịt không thương tiếc. Nhưng, có một khu chợ còn rùng rợn hơn rất nhiều, đó là chợ nông sản Thạnh Hóa (tỉnh Long An) - nơi được xem là “địa ngục chợ” chứa hàng nghìn cá thể động vật “sách đỏ” ở Đồng bằng sông Cửu Long.