Thái Bình Dương đang biến thành bể axít khổng lồ

BẢO HẠNH,
Chia sẻ

Thái Bình Dương đang ngày càng bị axit hoá và những con cua đá Canada chuyên sống ở vùng nước ven biển chính là nạn nhân đầu tiên phải gánh chịu hậu quả.

Cua đá Canada là sinh vật rất quan trọng với nghề đánh bắt cá thương mại ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy tình trạng axít hóa ngày càng cao của đại dương đang phá hủy lớp vỏ và làm tổn thương các cơ quan cảm giác của con vật.

Điều này có thể ảnh hưởng đến các ngành kinh tế ven biển và báo trước những trở ngại ở Thái Bình Dương. Và trong khi chưa ai có thể dự đoán được hậu quả của chúng, các tác giả của nghiên cứu cho biết thiệt hại mà loài cua đá phải chịu lại sớm và nhanh hơn dự kiến.

Thông tin trên được công bố vào tháng 2 trong tạp chí Khoa học của Toàn bộ Môi trường và được tài trợ bởi Cơ quan Khí quyền và Đại dương Quốc gia (NOAA). Cơ quan này nghiên cứu tình trạng axít hóa đại dương và mức độ tác động vào bờ biển của sự thay đổi độ pH.

Thái Bình Dương đang biến thành bể acid khổng lồ - Ảnh 1.

Cua đá Canada, một trong những loài giáp xác có giá trị nhất khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Ảnh: NOAA

"Nếu loài cua đã bị ảnh hưởng, chúng ta thật sự cần phải đảm bảo rằng sẽ dành nhiều sự chú ý hơn đến các thành phần khác của chuỗi thức ăn trước khi quá muộn" - bà Nina Bednarsek, một nhà khoa học hàng đầu của Dự án Nghiên cứu Vùng nước Ven biển Nam California và cũng là tác giả chính của nghiên cứu, nói.

Đại dương bị axít hóa vì nó đang hấp thụ nhiều khí CO2 hơn từ môi trường, khiến độ pH của nước bị giảm. Theo NOAA, sự axít hóa làm thay đổi các bãi biển, giải phóng chất dinh dưỡng dư thừa khiến tảo nở hoa và tăng nhiệt độ cũng như độ mặn của biển.

Tuy nhiên, với các loài động vật giáp xác và san hô phụ thuộc vào các ion carbonate để tạo vỏ và xương san hô, vùng nước bị axít hóa có ít ion hơn nên chúng khó có thể tạo ra lớp vỏ vững chắc. Không chỉ cua mà cả hàu, sò và sinh vật phù du cũng gặp tình trạng tương tự. Trong khi đó, con người và những sinh vật khác lại dựa vào chúng để có thức ăn hay sự đảm bảo về kinh tế.

Thái Bình Dương đang biến thành bể acid khổng lồ - Ảnh 2.

Ấu trùng cua đá Canada. Ảnh: AP

Các nhà nghiên cứu cho biết sự axít hóa ăn mòn lớp vỏ mới hình thành của ấu trùng cua đá Canada, làm giảm khả năng phòng ngự của chúng trước động vật ăn thịt và thay đổi độ nổi của chúng trong nước. Những ấu trùng cua có vỏ bị ăn mòn cũng nhỏ hơn những con khác. Điều này có thể gây ra sự chậm phát triển và ảnh hưởng đến tốc độ trưởng thành của chúng.

Ngoài ra, những cơ quan có hình dạng mỏng như sợi tóc mà cua dùng để xác định phương hướng cũng bị tổn hại vì độ pH thấp. Hậu quả là chúng sẽ di chuyển chậm hơn, gặp khó khăn khi bơi và tìm thức ăn. Đây là điều mà các nhà khoa học chưa từng chứng kiến trước đây.

Hiện vẫn chưa rõ tình trạng axít hóa của đại dương có ảnh hưởng tiêu cực đến những con cua đã trưởng thành hay không. Nhiều nghiên cứu cần được tiến hành để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, với những khó khăn mà một ấu trùng cua đã phải đối mặt ngay từ những ngày đầu, nó khó có cơ hội sống sót đến tuổi trưởng thành.

Về vấn đề đại dương ngày càng bị axít hoá, NOAA đề xuất 2 phương pháp giải quyết. Thứ nhất là giảm lượng khí thải carbon để biển không phải hấp thụ nhiều khí CO2. Thứ hai là hướng dẫn cho động vật hoang dã cũng như những người sống dựa vào đại dương cách thích nghi với sự thay đổi.

NOAA đang hợp tác với các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách thủy hải sản địa phương về nỗ lực bảo tồn. Các nhà nghiên cứu hi vọng phát hiện của họ sẽ đủ khả năng thuyết phục người dân phản ứng ngay lập tức.

Chia sẻ