Tết về nhớ vị chè lam
Tết trong tôi là hương trầm lảng bảng, sum vầy với tách trà, nhấm nháp bánh chè lam, kể cho nhau nghe chuyện cũ của năm qua, cùng chúc những điều tốt lành trong năm mới. Một trong những nỗi nhớ da diết nhất của tôi về Tết là món chè lam mẹ làm.
Tôi nhớ, năm nào cũng vậy, cứ qua ngày 23 Tết là mẹ tôi lại tỉ mỉ ngồi chọn những hạt gạo nếp hoa vàng thơm ngon nhất để làm bánh.
Món bánh giản dị được làm từ bột nếp, thêm vào chút lạc, vài lát gừng thôi mà gây nỗi thương nhớ đến nao lòng.
Các cụ trong làng tôi bảo loại bánh thơm ngon này xuất phát từ lòng thành kính của người dân muốn dâng lên Đức Phật những sản vật địa phương vào mỗi dịp lễ, Tết.
Nhờ thế mà nghề làm bánh dân dã này được cha truyền con nối ở làng tôi bao đời nay như một sợi dây kết nối.
Món chè lam cũng gắn với một kỷ niệm rất buồn cười của hai vợ chồng tôi. Chồng tôi, vốn là người Nam, khi ra thăm quê vợ, được mẹ vợ đãi món chè lam, bèn hăng hái đi mua đá viên.
Cũng bởi, tên gọi "chè lam" khiến chồng tôi cho rằng đây là món chè ngọt tráng miệng ăn với đá hoặc là món nước nấu từ lá chè (trà). Dẫu bỡ ngỡ, nhưng chồng tôi lại cực kỳ mê món chè lam.
Những dịp Tết về sau ở Sài Gòn, chồng tôi vẫn hay gợi tôi làm món đặc sản quê nhà này cho anh ăn.
Gạo sau khi được đem đãi sạch sẽ được đem rang cho chín vàng, phảng phất hương thơm. Phải chia ra gạo rang từng ít một và cho thật nhỏ lửa để cho gạo chín, giòn mà không bị cháy.
Mẹ tôi thường tranh thủ rang gạo vào buổi tối nên phải qua mấy đêm liền mới xong. Có nhiều hôm tỉnh giấc, tôi vẫn thấy mẹ cặm cụi bên bếp lửa hồng, tay đảo đều trên chiếc chảo gang.
Thương mẹ vất vả nên bao giờ tôi cũng là người xung phong phụ mẹ trong công việc nặng nhọc ấy. Chiếc cối đá xay tay nặng cực kỳ, bản thân tôi cố gắng được hai chục vòng là thở hổn hển. Mẹ nhẹ nhàng đỡ tay tôi: "Thôi để mẹ làm tiếp!".
Mẹ cần mẫn xoay mỗi vòng quay, từng chút bột nhỏ lại dồn xuống thêm một ít. Đến khi đầy rãnh cối, tôi lại có nhiệm vụ là gạt bột ra nia, lấy rây để rây lọc lấy phần bột mịn.
Chiều ba mươi Tết, bên cạnh nồi bánh chưng đang sôi, mẹ tôi lại bắc thêm một cái bếp nhỏ để làm chè lam. Đây là khâu quan trọng nhất chỉ mình mẹ mới đảm nhiệm được. Hai anh em tôi lăng xăng rang lạc, giã gừng giúp mẹ.
Nước đường được đun lên thành mật, bên cạnh bao giờ cũng có bát nước lã. Mẹ tôi sẽ thử bằng cách rỏ mật xuống bát nước, nếu kết lại thành giọt mẹ mới cho gừng, rắc bột xuống từng ít một rồi nhanh tay đảo đều cho bột chín và keo lại sền sệt.
Mồ hôi mẹ lấm tấm trên trán trong cái rét chiều ba mươi đủ để thấy công đoạn làm chè lam vất vả ra sao. Cuối cùng, mẻ chè lam cũng được lấy ra, mẹ tôi thường cho thêm lạc rang rồi dàn đều trên mâm, rắc thêm chút bột áo cho khỏi dính.
Chè lam được cắt nhỏ theo hình chữ nhật hoặc hình thoi. Mẻ chè lam vừa xong cũng là lúc trời đã xế chiều. Vẳng nghe trong gió tiếng người đi làm đồng về, tiếng bọn trẻ chăn trâu gọi nhau í ới. Anh trai tôi ra vườn chọn cành hoa đào đẹp nhất đem về chưng Tết.
Cha mẹ tôi thường hối hả vớt bánh chưng, bày biện mâm quả, bánh mứt lên bàn thờ tổ tiên, rồi quay ra làm mâm cơm cúng tất niên. Năm nào tôi cũng được giao xếp món chè lam lên bàn thờ.
Sau bữa cơm tất niên là thời điểm cả nhà tôi quây quần bên ấm trà nóng, nhấm nháp hương vị nồng cay thơm ngọt của món chè lam, chờ đón khoảnh khắc chuyển giao cực kỳ thiêng liêng của đất trời sang xuân.
Thời điểm đó, khi ngồi quây quần bên cha mẹ, nỗi khó khăn, nhọc nhằn của năm cũ bỗng dưng tan biến, nhường lại cho biết bao yêu thương, khát khao và hy vọng mới hồi sinh. Món bánh để tiến vua của người xứ Thanh ngày xưa qua bàn tay khéo léo, kiên nhẫn của mẹ mang dư vị đặc biệt của tình yêu thương, sẻ chia và bao tần tảo.
Để rồi thi thoảng giữa những gắt gao mạch đời, hương vị ngọt ngào nồng ấm ấy lại đánh thức tôi, khiến cứ hoài mong ngóng ngày được về nhà, cùng cha mẹ hưởng một mùa xuân an hòa, yên vui.