Tết là một kỳ nghỉ thảnh thơi, chứ không phải một cuộc đua sắm sửa và tiêu xài hoang phí
Người ta vui vì Tết, mừng vì Tết nhưng cũng toát mồ hôi vì Tết khi nhìn đi nhìn lại thấy tiền thưởng, tiền lương cũng “bốc hơi” không dấu vết sau Tết. Nhiều người Việt nói chung và người trẻ tiêu tiền mỗi dịp Tết đến thoáng lắm, cứ tặc lưỡi “Tết mà” rồi vui vậy thôi.
Một nhận định vừa vui, nhưng cũng đúng rằng ngày nay, vấn nạn béo phì ở các nước phát triển và đang phát triển còn nghiêm trọng hơn câu chuyện thiếu ăn, đặc biệt là ở người trẻ. Nhiều người “thích” câu chuyện béo phì như một cách “kích cầu kinh tế”: Bố mẹ bỏ nhiều tiền ra mua đồ cho lũ trẻ, từ gà rán cho tới trà sữa, rồi lại chi bộn tiền cho việc giảm cân, tập gym, các loại thuốc. Nghe có gì liên quan tới Tết không?
Toàn diện thì không, nhưng nếu nhìn kỹ ở một khía cạnh thì cũng có nét tương đồng; một số lượng lớn các bạn trẻ vung tiền trong Tết cho tiệc tùng, mua sắm thừa thãi để rồi hết Tết lại phải giải quyết đống hậu quả của mình bằng nhiều cách: than trời vì béo, ráo riết đi tập gym, chăm sóc sức khỏe, thậm chí là lại lao vào làm việc để kiếm tiền năm sau “chơi Tết” tiếp.
Người trẻ có thể không biết “kích cầu kinh tế” là gì, nhưng họ chỉ cần tặc lưỡi “Tết mà” là lại lao theo một cuộc đua tiêu tiền mệt nghỉ.
“Tiền tôi kiếm được tôi tiêu”
Đúng thế, tiền bạn kiếm được thì bạn tiêu, không ai có quyền kiểm soát tiền của bạn hay cách bạn sử dụng nó. Tuy nhiên, việc tiêu tiền thông minh và hợp lý nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mỗi người mà cả bạn bè xung quanh, gia đình hay một ai đó trong mắt xích của đồng tiền. Nếu coi việc tiêu tiền của người trẻ là một chiếc xe ô tô thì chắc chắn ngày Tết, nó phải đạt tới tốc độ cực hạn.
Ngày càng có nhiều các bạn trẻ chọn “sống tối giản” làm kim chỉ nam cho mình; nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chủ nghĩa tiêu dùng có thể bị triệt tiêu mà ngược lại, mua sắm vẫn là thú vui tao nhã với mọi người. Vui cũng đi shopping, buồn cũng phải đi mua sắm nên Tết đến lại càng phải đi mua đồ mới; đồ không hỏng cũng mua, đồ chưa cũ cũng mua, thậm chí người ta còn tự thưởng bản thân những thứ chẳng liên quan gì đến Tết nhưng vì “Tết mà, cứ mua đi thôi”!
Dạo quanh phố phường một vòng vào ngày Tết sẽ thấy tấp nập những bạn trẻ đang mạnh tay chi tiêu đủ thứ. Cô bạn đồng nghiệp của tôi nói rằng phải may thêm một bộ áo dài Tết này, khi hỏi bộ áo dài năm ngoái mặc đâu thì em bảo Tết nhất ai lại đi mặc lại áo dài, một năm chỉ mặc một bộ mới vào dịp Tết thôi - đó còn là chưa kể tới các loại quần, áo, giày dép khác, đắt có rẻ có, đổ đống trên phố chùa Bộc hay “SALE UP TO 50% OFF” trong các trung tâm thương mại. Người ta vẫn mua thêm một cái áo, cái quần mới và tự nghĩ “Tết mà, phải có quần áo mới chứ” dù mới mua cách đây vài tuần chứ mấy.
Cám cảnh nhất với nhiều người phải là những buổi tất niên mà mỗi buổi cũng ngót nghét vài trăm nghìn: bạn cấp ba, bạn cấp hai, đồng nghiệp, hội thả diều, hội những người thích dắt chó đi dạo hồ Tây chiều thứ bảy nữa… hội nào cũng có tất niên! Đó là khi miếng ăn trở thành một gánh nặng cả về sức khỏe và ví tiền. Rõ ràng nhiều người không thích, nhưng cũng vì ngại, nể nang, sợ bạn bè nói rằng “Tết gì sao mà liu diu thế” mà tặc lưỡi “Tết mà” lao theo những cuộc ăn chơi như vậy.
Trong cơ man là món ăn ngày Tết, bao nhiêu thứ thực sự đi vào bụng, bao nhiêu thứ thực sự khiến người ta thích ăn và bao nhiêu đồ sẽ vào thùng rác? Người trẻ thường phóng khoáng, thoải mái với cuộc sống vật chất đầy đủ không như thế hệ ông bà bố mẹ - họ đã phóng tay tiêu tiền thì không ngớt và cũng “quyết đoán” vứt đi chẳng tiếc thứ gì nếu thấy không thích: Một món mứt ăn thấy không hợp thì quăng thùng rác, tóc đi làm để diện Tết xong thấy xấu quá thì làm lại, áo này mặc chưa đẹp thì chiều 30 Tết phải lùng cho bằng được chiếc váy màu “mận chín cho hợp mệnh”.
Đó là khi sự hoang phí nhân lên gấp đôi mà ít người để ý trong Tết, sự thách thức cho câu nói “Tiền tôi kiếm được thì tôi tiêu!”.
Tết và cuộc đua của những giá trị không cần thiết
Người ta gặp nhau cuối năm thường hỏi “Tết sắm sửa được gì nhiều chưa” thay vì “Tết này có vui không”. Câu nói nghe đơn giản mà với tôi cũng mang một áp lực lớn: Nếu không sắm sửa Tết nhất tươm tất, nhà không có nhiều món ngon thì chưa ra một cái Tết đầy đủ.
Trong một xã hội cộng đồng nơi chúng ta không chỉ sống trong nhà của mình mà còn trong lời xì xào của hàng xóm, nhiều người bấm bụng “Tết mà” để mua sắm, chẳng phải để cho đẹp mình mà cốt để trưng cho hàng xóm thấy. Du học sinh hay người trẻ đi xa về nhà mà không mua nhiều đồ thì cũng bị dị nghị, nói là “đi xa mà không mua đồ về à”; cuối cùng lại tay xách nách mang mỗi dịp Tết đến để rồi bấm bụng ăn mì tôm qua bữa.
Xưa Tết nhất không có mạng xã hội, mua cái áo mới cũng chẳng ai hay nhưng giờ cả Facebook biết được, tội gì mà không sắm cái váy đôi giày vài triệu rồi trưng cho cả list friend biết: “Ê, nhìn tao đi, Tết tao có nhiều đồ đẹp không?”.
Tết nhất cũng thay đổi dần trong thời đại Facebook, Instagram; để rồi cơn cuồng mua sắm kéo theo cốt chỉ để thỏa cái thú khoe khoang, sĩ diện trên mạng xã hội. Người lớn có một cộng đồng hàng xóm thật, lớp trẻ cũng có một cộng đồng ảo.
Trong vô vàn lý do dẫn đến việc mua sắm hoang phí của mọi người trong Tết, ngoài các lý do to tát liên quan đến “phông nền văn hóa”, người ta đã quên đi những lý do đơn giản hơn liên quan đến tâm lý người trẻ: “Sự thiên vị hiện tại” (hay bạn có thể gọi là YOLO) và “Dịp đặc biệt”. Nếu như thế hệ đi trước luôn cho rằng, tiền bạc trong cuộc đời chỉ nên chi tiêu cho những việc quan trọng như mua nhà, cưới vợ, tậu xe thì với một thế hệ millennials YOLO vô lo vô nghĩ, cứ chọn được lúc nào để thoải mái thì vô tư tiêu xài thôi. Và bạn thử nghĩ xem?
Có lúc nào hợp hơn một ngày Tết nghỉ dài sau năm ròng làm việc vất vả? Những tư tưởng “bạn chỉ sống một lần trong đời”, “thoải mái đi”, “cuộc đời ngắn lắm tính xa xôi làm gì” đã len lỏi vào ngày Tết, được Việt hóa thành “Tết mà”. Nếu có gì cần toan tính, lo nghĩ thì để sau Tết thôi, vài đồng bạc lẻ ngày Tết đâu có quan trọng!
Suy nghĩ “Vài đồng bạc lẻ” ấy không phải do đâu khác mà chính là lý do thứ hai: “Dịp đặc biệt”. Ai cũng nghĩ rằng mua thêm một hộp bánh nữa này, ăn một bữa tất niên nữa cũng không sao, sắm chút quần áo mặc giờ đến hết Tết… Chúng ta thường không có thói quen theo dõi chi phí mua sắm trong dịp Tết nên chẳng mấy chốc đã tá hỏa khi thấy nhà cửa chồng chất trong đồ đạc. Lúc nhìn lại thì chỉ cười xòa “Tết mà” rồi lại tiếp tục lao vào cuộc đua mua sắm cuối năm…
Tết qua đi còn lại gì?
“Cố gắng dành dụm nhé con, Tết năm sau lại về” - câu nói nghe thắm thiết bao thân tình nhưng có gì đó khiến nhiều người cũng sợ. Một cái Tết này qua đi, người ta lại lao vào một cuộc đua mới để chuẩn bị cho cái Tết năm sau dù còn xa tít tắp. Những người trẻ về nhà ăn Tết trở lại thành phố, quay về bộn bề công việc vẫn mơ màng trong ngày Tết, không biết tiền mình đã đi về phương nào…
Các phòng gym lại đầy ắp các bạn trẻ đang ra sức tập tành, lỡ viết vào kế hoạch năm mới: “Phải giảm cân thôi”. Vì ăn quá nhiều, vì biết bao bữa Tất niên, gặp mặt đầu năm chẳng có gì ngoài thịt rượu đầy ắp. Rồi lại phải đi làm đẹp chuẩn bị cho năm mới, Tết nhất ra… bơ phờ quá!
Thùng rác nhà nào cũng đầy ắp, bãi rác thở dài vì phải ôm hết sự lãng phí của thành phố, của mọi người. Nhìn qua qua thì đó là rác, nhìn kỹ thì đó là tiền, cả một đống tiền. Nhất là sau vài năm mua sắm đuổi theo giá trị Tết, người ta bất giác hóa thân thành Marie Kondo và lục tung nhà cửa xem những thứ chẳng còn "spark joy".
Thậm chí, những ví tiền đã nhũn mềm chỉ vì không đủ dũng khí để nói không với những món quà, những dịp biếu xén chạy đua lẫn nhau mà quên mất bản thân cũng chỉ có một khoản lương cùng thưởng không quá nhiều nhặn. Chỉ vì đây là cái dịp "toàn dân sắm sửa, toàn dân hưởng thụ", lẽ nào bản thân lại phải dè dặt túi tiền.
“Tết mà”.